Sau khi hai sòng bạc Las Vegas và Macau được mở ra, Sheldon Adelson đã thu về hàng tỷ USD mỗi năm, đưa tên tuổi ông vang khắp các “chiếu bạc” trên thế giới. Theo tạp chí Forbes ước tính, tài sản của ông đã lên tới gần 41 tỷ USD vào tháng 4/2014. Tạp chí này cũng dự báo, chưa đầy 10 năm nữa, Sheldon Adelson có thể chiếm ngôi vị người giàu nhất hành tinh.
Để có được một khối tài sản lớn đến vậy, Sheldon Adelson đã phải trải qua những quãng đường đầy gian khó và đủ thông minh để bỏ túi hàng tá "bí kíp" hốt bạc có một không hai. Có thể nói, Sheldon Adelson là người may mắn khi vừa có một sự nghiệp thành công vừa có cuộc sống hạnh phúc và đầy ý nghĩa.
Trải qua nhiều gian truân
Sheldon Adelson cất tiếng khóc chào đời tại Dorchester, khu dân Do Thái nghèo khó gần thành phố Boston, bang Massachusetts (Mỹ). Cha mẹ đều là dân Do Thái nhập cư. Đói kém, thất học, Adelson từng phải sống trong sự ghẻ lạnh của bạn bè cùng trang lứa. Ông lớn lên trên các đường phố của trẻ bụi đời ở thành phố Boston, thuộc bang Massachusetts. Cuộc sống của Adelson vốn không mấy dư dả khi cha ông làm nghề lái taxi, còn mẹ đan thuê kiếm sống qua ngày. Người cha tuy nghèo khó nhưng là tấm gương cho ông về lòng thương người.
Nhìn thấy cha tặng phần tiền ít ỏi kiếm được mỗi ngày cho những người ăn xin, Adelson đã sớm có hoài bão kiếm thật nhiều tiền, để có thể cho đi nhiều hơn. Và bắt đầu từ năm 12 tuổi cho đến tuổi ngũ tuần, ông lao vào kinh doanh, coi đó vừa là mục đích sống vừa là một thú vui và gần như ít để tâm tới những vấn đề khác của xã hội.
Vay của người chú được 200 USD làm vốn, tròn 12 tuổi, cậu sống tự lập bằng cách bán báo dạo ở khắp các hang cùng ngõ hẻm trong thành phố. Lớn thêm chút nữa, Adelson gia nhập “đội ngũ” những trẻ bụi đời hành nghề bán kẹo, phát tờ rơi... Ông bỏ trường đại học, tập tành buôn bán, gia nhập quân đội, rồi xuất ngũ và đi làm trợ lý cho một vài chủ hãng lớn nhỏ ở Mỹ. Từng có thời, Adelson tham gia làm quảng cáo và tư vấn về đầu tư trước khi tự gây dựng một quỹ đầu tư nhỏ với trị giá khoảng 5 triệu USD vào năm 30 tuổi.
Ông Sheldon Adelson sở hữu sòng bạc bề thế bậc nhất “thủ đô cờ bạc” Las Vegas. |
Chẳng có thành công nào tới dễ dàng, khi sự thiếu kinh nghiệm và quyết đoán khiến ông mất trắng ngay sau đó. Tuy nhiên, Adelson không hề mất niềm tin, mà vẫn duy trì thái độ lạc quan để quay lại làm việc. Thời điểm đó, bằng số vốn dành dụm được, ông cùng một số người bạn mua lại toàn bộ hệ thống khách sạn và sòng bạc Sands của Tập đoàn Kirk Kerkorian với giá 128 triệu USD.
Để có được sòng bạc bề thế bậc nhất “thủ đô cờ bạc” Las Vegas này, tiền bạc không chưa đủ. Sheldon Adelson đã phải luồn lách, dùng tiền lần lượt thâu tóm những cổ đông nhỏ rồi dần dần “nuốt chửng” cả tập đoàn. Ban đầu, ông chỉ hình dung việc sử dụng diện tích của Sands để tổ chức những hội chợ triển lãm quy mô hơn, không ngờ đó lại là duyên may đưa ông đến với thành công tột đỉnh nhờ vào kinh doanh sòng bạc như ngày hôm nay.
Vợ chồng tỷ phú Sheldon Adelson. |
Cuối những năm 1990, Trung tâm Tổ chức sự kiện Sands của Adelson hoàn công, trở thành một trong những trung tâm tổ chức sự kiện lớn nhất nước Mỹ. Không lâu sau, trong chuyến đi hưởng tuần trăng mật với người vợ sau, Adelson tìm thấy ý tưởng biến nơi đây thành một khu liên hợp khách sạn, nhà hàng, sòng bạc lớn. Nói là làm, lập tức, ông cho san bằng toàn bộ khu Sands và rót 1,5 tỷ USD xây dựng nên Venetian hiện đại, xa hoa, sang trọng bậc nhất thành phố.
Theo đánh giá của giới quan sát, “bước đi” của “nhà tiên tri” Adelson xem ra khó hiểu so với các chủ sòng bạc khác. Ngay những “ông trùm” từng một thời tung hoành tại thủ đô cờ bạc này cũng phải khiếp vía. Họ không thể ngờ, một ông chủ cò con lại có thể thâu tóm cả một dinh cơ xa hoa bậc nhất Las Vegas như vậy. Sau thương vụ này, ông vua sòng bài tiếp tục vươn vòi bạch tuộc thâu tóm những sòng bài bậc nhất tại “kinh đô đỏ đen” Macao (Trung Quốc). Ông biến nơi đây thành Las Vegas của châu Á với doanh thu hàng triệu USD một giờ.
Luôn nghiêm túc và cẩn trọng trong công việc
Tỷ phú sòng bạc luôn giữ thái độ nghiêm túc và cẩn trọng. Ở Las Vegas, Adelson nổi tiếng khó tính. Những người làm việc dưới quyền ông thường bị ám ảnh bởi tiếng quát tháo. Thỉnh thoảng, ông lại lên cơn thịnh nộ và nhằm vào một nhân viên cụ thể nào đó. Ông thường xuyên dùng biện pháp quát tháo để điều hành công việc. Đây là cách khiến ông trở thành một ông chủ đầy uy quyền và có những đòi hỏi cao, mà chính những điều này lại giúp ông trở nên giàu có.
Sheldon Adelson đặc biệt chú trọng tới nghệ thuật tiếp tiếp thị (marketing). Muốn giỏi giang trên thương trường, bất cứ ai cũng phải hiểu và làm chủ được nghệ thuật tiếp thị mình và tiếp thị sản phẩm kinh doanh. Ông sẵn sàng mạo hiểm, đánh cược với số phận và luôn làm những gì người khác chưa làm, với mong muốn tìm ra cái mới để kinh doanh và đầu tư. Ít người ngờ rằng, dù quản lý các sòng bạc lớn nhưng Adelson rất ít khi chơi, bởi đơn giản ông không có thời gian.
Hình ảnh quyền lực của tỷ phú Sheldon Adelson. |
Với những nỗ lực của mình, từ cậu bé bán báo dạo ngày nào đã trở thành ông chủ, khoác những bộ vest sang trọng, cưỡi những con xe đắt giá và giắt túi hàng tỷ USD. Thậm chí, “ông vua sòng bài” còn trang bị cho mình cả một đội máy bay bao gồm cả chuyên cơ đường dài và trực thăng chỉ để thỏa cái thú thảnh thơi.
Ước tính, số tài sản ròng của Sheldon Adelson hiện lên đến gần 22 tỷ USD, từng đứng thứ 3 trong top những người giàu nhất nước Mỹ, sau hai “đại đại gia" Bill Gates và Warren Buffett. Tốc độ “làm tiền” của tỷ phú này cũng nhanh đến mức chóng mặt. Mỗi ngày, ông trùm sòng bạc Las Vegas thu về tổng cộng 23,6 triệu USD lợi nhuận, tức gần 1 triệu USD mỗi giờ. Thời hoàng kim, người ta cũng ước tính, nếu duy trì được tốc độ làm giàu như máy này, Sheldon Adelson sẽ đánh bại Bill Gates để soán ngôi người giàu nhất hành tinh.
Khi được hỏi về bí quyết thành công, nhà tỷ phú hầu như thất học này trả lời không cần suy nghĩ: “Hãy thay đổi hiện trạng và các anh sẽ vươn tới thành công”. Cả đời kinh doanh, Sheldon Adelson ngẫm ra một điều, phải biết chớp thời cơ, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và luôn tin vào cơ hội. “Tôi xem cơ hội kinh doanh như những chuyến xe bus đến và đi. Nếu không lên kịp chuyến thứ nhất, tôi sẽ đợi chừng mười phút để đón chuyến thứ hai hoặc thứ ba... Cơ hội kinh doanh chẳng bao giờ hết cả”, nhà tỷ phú nói về triết lý kinh doanh của mình.
Với sự giàu có của mình, "Ông trùm" sòng bạc thường xuyên di chuyển bằng máy bay riêng. Ông sở hữu một chiếc Airbus A345, từng lập kỷ lục chuyến bay dài nhất từ Sân bay quốc tế Ben-Gurion của Israel tới Honolulu, Hawaii, vào năm 2017. Tỷ phú 85 tuổi cũng sở hữu một siêu du thuyền có tên là "Queen Miri", được đặt theo tên vợ ông - Miriam. Hiện Adelson và vợ sống tại một dinh thự xa xỉ ở khu nhà giàu Summerlin, Las Vegas. Ngoài ra, ông còn sở hữu một căn nhà trị giá 52 triệu USD tại vùng biển Malibu, California…