Người dân “khóc ròng” nhìn hồ Hương Tích bị “thôn tính”

(PLO) - Đang mưu sinh bằng nghề đánh bắt tôm cá trên dòng suối Yến, suối Long Vân, suối Thanh Sơn và hồ Hương Tích, hàng loạt hộ dân thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội đột ngột nhận được thông báo “cấm mọi hình thức đánh bắt thủy sản”...
Người của Hợp tác xã Bảo vệ môi trường và Nuôi trồng thủy sản hồ Hương Tích thu giữ lưới bắt cá của người dân trên suối Yến (ảnh do người dân cung cấp).
Người của Hợp tác xã Bảo vệ môi trường và Nuôi trồng thủy sản hồ Hương Tích thu giữ lưới bắt cá của người dân trên suối Yến (ảnh do người dân cung cấp).
Nhiều người đã bị tịch thu lưới, dụng cụ đánh bắt cá mỗi khi họ hành nghề trên suối.
Cá tự nhiên hay cá hợp tác xã?
Theo những người dân, tôm, cá và hàng trăm hécta mặt nước của hồ Hương Tích cũng như các dòng suối xung quanh (suối Yến, suối Long Vân, suối Thanh Sơn, dài tổng cộng gần 6km) là nguồn lợi tự nhiên, nhân dân cùng khai thác từ bao đời nay. Nhưng từ đầu năm nay, bỗng xuất hiện một nhóm người của Hợp tác xã Bảo vệ môi trường và Nuôi trồng thủy sản hồ Hương Tích (HTX hồ Hương Tích) đứng ra “cấm mọi hình thức đánh bắt thủy sản” và "triệt" đường mưu sinh của người dân.
Theo đề án, việc thành lập HTX hồ Hương Tích nhằm hướng tới mục đích chính là nuôi trồng thủy sản tại  hồ Hương Tích và bảo vệ môi trường tại đây. Ngay sau khi Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Mỹ Đức cấp Giấy chứng nhận đăng ký HTX, UBND xã Hương Sơn đã có thông báo “cấm mọi hình thức hoạt động đánh bắt cá trên hồ Hương Tích kể từ ngày 9/2/2015”. Từ đó, người của HTX đi kiểm tra và tịch thu hết ngư cụ của người dân mỗi khi thấy họ ra suối thả lưới, giăng câu.
Bức xúc trước việc làm này, ông Bùi Văn Minh, ông Nguyễn Văn Nam (xóm 6, thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn) đã có đơn tố cáo việc mình bị người của HTX hồ Hương Tích lấy hoặc hủy hoại hàng trăm rọ cua và đó bắt cá (trị giá hơn 10 triệu đồng). Nhiều người dân còn phản ánh việc HTX đã tự ý rút nước trong hồ, làm cả chục héc ta sen của người dân bị héo chết. Thậm chí, người của HTX còn tuyên bố 2 năm nữa là không cho người dân trồng lúa, trồng sen và các loại hoa màu khác trên phần đất ngập nước ở hồ nữa.
Trao đổi với phóng viên, ông Minh cho hay: “Chúng tôi không đánh bắt thủy sản “hủy diệt” bằng kích điện, hóa chất hoặc chất nổ…, thì tại sao lại ngăn cấm, thu giữ rọ, lưới… của chúng tôi. Không biết HTX đã thả được con cá nào chưa mà ngăn cấm chúng tôi đánh bắt trên toàn bộ gần 300ha mặt nước ở đây. “Chim trời, cá nước”, tại sao HTX lại tự cho mình được sở hữu toàn bộ thủy sản, bao gồm cả nguồn thủy sản tự nhiên ở đây?.  HTX mới chỉ được xã giao sử dụng mặt nước, tại sao họ lại cấm dân sử dụng cả phần đất hồ ngập nước. Tại sao chính quyền lại để HTX sử dụng, thôn tính tài sản công dễ dàng như thế?”. 
Tài sản công bị thôn tính?
Ông Đồng Văn Đệ-  Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX hồ Hương Tích, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐND xã Hương Sơn cho hay, mức góp vốn tối thiểu của mỗi thành viên khi gia nhập HTX là 10 triệu đồng (một số thành viên sáng lập có mức đóng góp cao hơn). Còn hồ Hương Tích thì không phải là tài sản của xã viên đóng góp vào mà do UBND xã giao HTX sử dụng vì “đây là quỹ đất công ích. Địa phương được quyền giao cho tổ chức, cá nhân sử dụng trong thời hạn 5 năm. Xã đã giao cho ai quản lý thì người đó được sử dụng”. Ngoài ra, ông Đệ cho biết thêm: “Trong 5 năm đầu, HTX không phải nộp sản phẩm. Các khoản phí và thuế cũng chưa nói đến”.
Như vậy thì trước mắt, HTX hồ Hương Tích được sử dụng “miễn phí” hơn 262ha mặt nước ít nhất là đến năm 2020 để khai thác, sinh lời với điều kiện phải… đảm bảo môi trường. 
Nhưng liệu việc giao mặt nước nuôi trồng thủy sản “miễn phí” trên đây có đúng thẩm quyền?.
Theo nội dung “Biên bản giao trách nhiệm tận dụng mặt nước để nuôi trồng thủy sản diện tích hồ Hương Tích” giữa UBND xã Hương Sơn và HTX hồ Hương Tích ngày 2/3/2015 thì 262ha mặt nước trên đây được gọi là “mặt nước chuyên dùng” chứ không phải đất ao hồ thuộc “quỹ đất công ích” (đất 5%) như thông tin ông Đệ cung cấp. 
Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Hòa Lợi) cho hay, nếu đã xác định hồ Hương Tích là mặt nước chuyên dùng và sông, suối thì việc sử dụng phải tuân theo quy định tại Điều 163 Luật Đất đai 2013. Tức là “Nhà nước giao cho tổ chức để quản lý kết hợp sử dụng, khai thác đất có mặt nước chuyên dùng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng và khai thác thủy sản” và “Nhà nước cho thuê đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để nuôi trồng thủy sản”. Còn tại Điều 59 của Luật này đã quy định rõ, UBND cấp tỉnh mới có thẩm quyền cho thuê đất đối với tổ chức. Như vậy, việc UBND xã giao sông, suối và mặt nước chuyên dùng cho HTX hồ Hương Tích sử dụng là không đúng với quy định tại 2 điều luật trên?.
Luật sư Thành còn nhấn mạnh, giả sử hồ Hương Tích có thuộc quỹ đất công ích thì việc “đặc cách” cho HTX sử dụng như trên cũng không đúng với Điều 132 Luật Đất đai. Theo điều luật này, UBND cấp xã có quyền cho thuê nhưng phải qua hình thức “đấu giá” công khai chứ không thể “chỉ định” cho một cá nhân, tổ chức nào đó sử dụng “miễn phí” như ở Hương Sơn. Đó là chưa kể diện tích đất, mặt nước chuyên dùng trong trường hợp này nằm trong phạm vi khu “di tích danh thắng cấp quốc gia chùa Hương Tích và khu vực Hương Sơn” (Bộ Văn hóa xếp hạng năm 1962) nên việc sử dụng đất hay nuôi trồng thủy sản ở đây cần phải có ý kiến của cơ quan quản lý di tích, thậm chí là phải có ý kiến của cả Cục Di sản, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Khi trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Cành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho hay: “Huyện đã nhận được đơn thư của bà con nhân dân thôn Yến Vĩ phản ánh về vụ việc trên. Trước mắt, UBND huyện yêu cầu UBND xã phải giải quyết những đơn thư này theo thẩm quyền. Chúng tôi cũng đã giao Thanh tra huyện giám sát, đôn đốc việc UBND xã giải quyết đơn thư”.
Báo PLVN tiếp tục theo dõi và phản ánh về vụ việc trên.

Đọc thêm