Kỳ vọng thể chế và nỗi lo cuộc đua xuống đáy

(PLO) - Dự án Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. Liệu Luật này có thực sự là một nấc thang mới trong tư duy phát triển, có tạo ra được “đột phá” như kỳ vọng?.

Kỳ vọng thể chế và nỗi lo cuộc đua xuống đáy

3 đặc khu kinh tế (ĐKKT) là Vân Đồn, Bắc Vân Phong  và Phú Quốc được quyết định thành lập với kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế và đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư.

Luật Đặc khu-Phải đảm bảo vượt trội, cạnh tranh quốc tế

Phát biểu tại Hội thảo “Đặc khu – Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công” tổ chức hôm qua, 18/5,  Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định việc xây dựng hành lang pháp lý đóng vai trò hết sức quan trọng.

“Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) được xây dựng trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc: không trái với Hiến pháp, không ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia, môi trường, sức khỏe của người dân, đảm bảo gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống”- Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Luật quy định quyền tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm gắn với những chính sách vượt trội, cạnh tranh, không phải chỉ là những ưu đãi về thuế và đất đai, mà chủ yếu là tổ chức chính quyền, thẩm quyền người đứng đầu, cam kết của Chính phủ giữ ổn định và lâu dài về chính sách; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế với môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương.

“Dự kiến khi được thông qua, Luật Đặc khu với các cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển KT-XH  tổ chức chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp, sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để phát triển ba đặc khu, tạo sự tác động lan tỏa, tích cực tới phát triển KT-XH của Việt Nam và thử nghiệm các thể chế, chính sách mới tại Việt Nam”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.

Đi sau phải vượt trước

“Chúng ta đang tiến rất gần tới ĐKKT. Dự thảo luật này đã được thảo luận rất kỹ, đã được chỉnh lý sửa đổi nhiều lần, đã tham khảo đủ hết kinh nghiệm thế giới từ cả thành công lẫn không thành công…”, PGS.TS. Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Việt Nam nhận xét.

Theo ông, trong khi Việt Nam còn đang “vật vã “ với khu công nghiệp, khu kinh tế thì trên thế giới, ĐKKT đã đã tới thế hệ thứ 4, thứ 5. “Chúng ta đã xuất phát muộn mà muốn thành công thì phải vượt lên. Việt Nam có cơ hội để vượt lên bằng các kinh nghiệm của quốc tế. Nhưng chúng ta có muốn vượt lên không?”, PGS. TS Trần Đình Thiên đặt câu hỏi. 

Thể chế vượt trội không chỉ là nhưng cơ chế chính sách đặc biệt mà được kỳ vọng nhiều nhất là đột phá về mô hình chính quyền ở đặc khu. Theo dự thảo mới nhất, chính quyền địa phương tại đặc khu có HĐND đặc khu (có 19 thẩm quyền) và UBND đặc khu (có 14 thẩm quyền) và ở dưới là bộ máy giúp việc của HĐND, UBND gồm Văn phòng giúp việc chung HĐND và UBND, các cơ quan chuyên môn. 

Theo ông Nguyễn Văn Phúc – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cố vấn đặc biệt của ban soạn thảo, tuy mô hình chính quyền đặc khu như dự thảo có HĐND và UBND nhưng đây là một sự đổi mới mạnh mẽ, là một sự vượt trội với cơ cấu tổ chức có sự khác biệt lớn với mô hình chính quyền địa phương hiện hành. Đặc biệt, người đứng đầu đặc khu là Chủ tịch UBND đặc khu được giao thẩm quyền rất lớn với 70 thẩm quyền  liên quan đến thực hiện hầu hết các thẩm quyền về điều hành, quyết định các vấn đề KT-XH tại đặc khu. 

“Các nhà đầu tư luôn mong muốn àm ăn có lãi nhưng phải đúng luật. Hệ thống thể chế và pháp luật nước ta phức tạp nhất thế giới bởi có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đừng để những thứ đặc thù trở thành rào cản những phát minh mới của nhân loại. Cần phải có sự phân quyền rõ ràng, luật phải đi thẳng vào đời sống, hạn chế những thể chế, thông tư. Năng lực thực thi rất quan trọng nên chúng ta cần phải tìm được những cán bộ tốt, hết lòng vì nhân dân”, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, GS.TS  Hoàng Thế Liên đề nghị. 

Coi chừng cuộc đua xuống đáy

Mặc dù thừa nhận Việt Nam hết sức thành công thu hút FDI, đã có gần 100 tỷ USD vốn nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp, các khu công nghiệp hiện tại là một phần câu chuyện thành công của Việt Nam…, song chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt tỏ ra băn khoăn.

Với 3 đặc khu mà Việt Nam chủ trương xây dựng, các đặc khu này có các chức năng chính: Cải cách môi trường kinh doanh và thay đổi chính sách phát triển. Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình cũ, chúng ta sẽ gặp các rủi ro, hạn chế đầu tư ở các đặc khu hiện nay là việc phân mảnh môi trường pháp quy, tạo ra sân chơi không bằng phẳng, chỉ có ở địa phương chứ phải là mô hình toàn quốc. Thứ nữa là hiệu ứng nghịch, một số ưu đãi về thuế có thể bị lạm dụng, điều này không có lợi.

“Quan trọng nhất, chúng tôi lo ngại là Việt Nam xây dựng ra và làm nhiều ĐKKT khác nhau, điều này có thể phát sinh những “cuộc đua xuống đáy” của chính sách, ưu đãi. Thay vì đưa ra những chính sách bằng nhau thì các đặc khu cắt giảm khuôn khổ, “xé rào” chính sách. Điều này dẫn tới các ảnh hưởng không mong muốn, như tác động môi trường, thay đổi chuẩn mực môi trường…”, ông Sebastian  bày tỏ lo ngại.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cũng khuyến cáo Việt Nam không nên xây dựng ĐKKT  như một hòn đảo tách rời khỏi đất nước. “Chúng ta cần chú ý, để đảm bảo đầu tư vào đặc khu có đóng góp cho phát triển tổng thể ở Việt Nam bền vững hơn…”,ông Sebastian đưa ra lời khuyên.

Đọc thêm