Việt Nam – EU ký hiệp định thương mại tự do tại Hà Nội vào ngày 30/6 tới

(PLVN) - Hội đồng châu Âu ngày 25/6 đã thông qua các quyết định về việc ký 2 thỏa thuận giữa EU và Việt Nam, bao gồm một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) và một thỏa thuận bảo hộ đầu tư (IPA).
EVFTA sẽ được ký tại Hà Nội vào ngày 30/6 tới
EVFTA sẽ được ký tại Hà Nội vào ngày 30/6 tới

Theo thông báo được đăng trên trang web của Hội đồng châu Âu, cả 2 thỏa thuận trên sẽ được ký tại Hà Nội vào ngày 30/6 tới.

“FTA giữa EU và Việt Nam là thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từng được ký kết với một nước đang phát triển. Thỏa thuận này sẽ giúp loại bỏ gần như hoàn toàn (99%) thuế quan giữa hai bên”, tuyên bố của Hội đồng châu Âu cho hay.

Theo Hội đồng châu Âu, khi FTA giữa EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, 65% thuế đối với hàng hóa của EU xuất sang Việt Nam sẽ được loại bỏ. Phần còn lại cũng sẽ dần được xóa bỏ trong vòng 10 năm tiếp theo đó.

Liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU, 71% thuế sẽ được loại bỏ khi hiệp định có hiệu lực và phần còn lại sẽ được loại bỏ trong khoảng thời gian 7 năm tiếp theo.

EVFTA cũng sẽ giảm nhiều hàng rào phi thuế quan hiện có để thúc đẩy giao dịch giữa EU với Việt Nam trong khi EVIPA sẽ giúp tăng cường bảo vệ các khoản đầu tư của EU vào Việt Nam.

Đàm phán giữa EU và Việt Nam về FTA được khởi động từ tháng 6/2012 và kết thúc vào ngày 2/12/2015. Tuy nhiên, kết luận chính thức về thỏa thuận đã bị trì hoãn vì phải chờ Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) ra phán quyết về định dạng mới cho các FTA giữa EU với các đối tác.

Đến tháng 9/2017, EU mới chính thức đưa ra được một định dạng mới cho hiệp định sẽ ký kết với Việt Nam, theo đó đề xuất tách FTA thành 2 hiệp định riêng rẽ là EVFTA và EVIPA.

Theo Hội đồng châu Âu, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong ASEAN sau Singapore. Kim ngạch thương mại hàng hóa giữa 2 nước đạt gần 50 tỷ euro mỗi năm.

Với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, các vấn đề pháp lý - thể chế.

Hiệp định EVFTA được coi là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên.  

Đọc thêm