“Thiệt đơn, thiệt kép” khi nhận bảo hiểm xã hội một lần

(PLO) - Chỉ trong tháng 5/2018, có đến 85.000 người nhận Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần và trong 5 tháng đầu năm là 300.000 người. Theo nhận định của các chuyên gia thực hiện chính sách xã hội, đây là thực tế đáng báo động, vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động về lâu về dài.
Người lao động “thiệt đơn, thiệt kép” khi nhận BHXH một lần. (Ảnh minh họa)
Người lao động “thiệt đơn, thiệt kép” khi nhận BHXH một lần. (Ảnh minh họa)

Gia tăng số người nhận BHXH một lần

Thông tin tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 5/2018 do BHXH Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Số lao động nhận trợ cấp BHXH một lần có xu hướng tăng cao, theo đó đã có 85.000 người nhận trong tháng 5/2018 và trong 5 tháng có gần 300.000 người. Đây là một vấn nạn khi số người nhận BHXH một lần đang xấp xỉ với số mới tham gia vào hệ thống an sinh xã hội”.

Được biết, phần lớn trong số 85.000 người trên là những người nghỉ việc từ năm trước, tới nay theo quy định của Luật BHXH năm 2014, được thanh toán chế độ BHXH một lần.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mỗi năm gần đây có gần 700.000 người nhận BHXH một lần. “Tức là có khoảng 700.000 người đã ra khỏi hệ thống an sinh xã hội. Con số này tương tự số người lao động tham gia hệ thống an sinh xã hội hàng năm. Đứng ở góc độ công đoàn, có thể coi đây là một vấn nạn. Bởi vì, nhận BHXH một lần chỉ có thể giải quyết nhu cầu ngắn và trước mắt. Về lâu dài sẽ rất thiệt thòi cho người lao động vì không có lương hưu. Hệ thống an sinh xã hội mất đi nguồn lực tham gia” – ông Lê Đình Quảng cho biết.

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng số lượng người lao động (NLĐ) nhận BHXH một lần, ông Lê Đình Quảng cho rằng: “Nguồn việc làm không bền vững, nhiều ngành, nghề có xu hướng không sử dụng lao động có thâm niên cao. Đa số NLĐ buộc phải chọn giải pháp nhận BHXH một lần vì không có việc làm phù hợp và không thu nhập”.

Ngoài ra, vị Phó Ban Quan hệ lao động cũng cho rằng, hiện nay chính sách BHXH chưa thực sự hấp dẫn và linh hoạt: “Phải đóng ít nhất 20 năm NLĐ mới nhận được lương hưu, như vậy quá dài. Ngoài ra, quy định cho NLĐ được hưởng chính sách BHXH một lần còn dễ dàng”.

Người lao động “thiệt đơn, thiệt kép”

Theo nhận định của các chuyên gia thực hiện chính sách xã hội, việc gia tăng người nhận BHXH một lần là thực tế đáng báo động, vì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho NLĐ. Vì vậy, NLĐ cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định. Bởi vì, khi nhận BHXH một lần thì NLĐ sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. NLĐ cần hiểu rằng, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước (theo mức 10, 25, 30% mức đóng tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tùy theo đối tượng).

Trong thời gian bảo lưu nếu chẳng may bị chết thì gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần.

Đáng chú ý, khi nhận BHXH một lần NLĐ phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương; trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, NLĐ bị thiệt mất 0,64 tháng lương và quỹ có lợi, nhưng chúng ta không khuyến khích việc nhận BHXH một lần cũng chính vì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân.

Hơn thế, nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu thì thiệt thòi là không tính hết được. Đối với người hưởng lương hưu, ngoài lương hưu còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ BHYT (bằng 4,5% mức lương hưu); và định kỳ, trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (trượt giá) Nhà nước điều chỉnh tăng lương hưu tương ứng (từ năm 2003 đến nay Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 15 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần tùy theo nhóm đối tượng). Khi chết gia đình còn được trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nếu đủ điều kiện hoặc được hưởng trợ cấp tuất một lần với mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu. 

Đọc thêm