Xử phạt VPHC trong lĩnh vực lâm nghiệp: 15 tổ chức bảo tồn thiên nhiên kiến nghị sửa đổi một điều khoản

(PLO) - 15 tổ chức bảo tồn thiên nhiên đang hoạt động tại Việt Nam vừa cùng ký vào một văn bản gửi tới Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp góp ý khoản 1 Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 157/2013/NĐ-CP.
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet

Trong Dự thảo Nghị định cập nhật ngày 11/11/2018 được công bố trên website của Bộ Tư pháp, 15 tổ chức bảo tồn thiên nhiên, bao gồm những cái tên khá quen thuộc với nhiều người như AAF, ChangeVN, ENV, Traffic, Gaia, PanNature, GreenViet…, bày tỏ sự lo ngại rằng quy định tại Điều 17 (Vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng) chưa thực sự đủ mạnh, sẽ ảnh hưởng đến cam kết của Chính phủ Việt Nam ở Hội nghị về “Buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép” tại London năm 2018 về giảm các hành vi săn bắt, buôn bán và sử dụng ĐVHD. 

Cụ thể,  khoản 1 Điều 17 quy định: “Phạt cảnh cáo đối với hành vi mang dụng cụ thủ công săn bắt động vật rừng vào rừng” được cho là chưa đủ sức răn đe. Theo các tổ chức, nếu quy định này được thông qua thì tất cả các hoạt động bắt giữ được những hành vi mang bẫy vào rừng (không kể số lượng bẫy săn – có thể lên tới hàng nghìn cái), hay thợ săn mang theo chó săn vào rừng để săn, bắt, bẫy ĐVHD, chỉ bị phạt “cảnh cáo” mà không bị phạt hành chính. “Mọi nỗ lực bắt giữ ở đây cũng không mang lại ý nghĩa gì, ngoài việc yêu cầu người đó ra khỏi rừng” – văn bản nói trên nhận định. 

Theo các tổ chức bảo tồn thiên nhiên trong nước và quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam, lo ngại về vấn đề mất đa dạng sinh học ở trong nước có nguyên nhân chính từ hoạt động bẫy, bắt, săn bắn bất hợp pháp trong các khu rừng ở Việt Nam. Các giám sát bằng bẫy ảnh và điều tra tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Việt Nam 5 năm gần đây cho thấy, quần thể ĐVHD suy giảm rất lớn.

Nhiều loài ĐVHD như Hổ, Sao la, Báo gấm, Cầy mực, Tê tế vàng không còn ghi nhận được từ điều tra thực địa và có thể mất đi mãi mãi. Quá trình tuần tra bảo vệ cho thấy lượng bẫy bắt trái phép ĐVHD còn phổ biến rất nhiều ở hầu hết các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Bên cạnh đó, các loại ĐVHD di chuyển chậm như loài rùa ở Việt Nam, đang bị khai thác quá  mức, mà một trong nguyên nhân chính là do săn bắt cơ hội, khi người dân vào rừng để khai thác các lâm sản ngoài gỗ.

Vì thế, các tổ chức kiến nghị, bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi mang dụng cụ thủ công vào rừng săn, bắt ĐVHD tại các khu rừng cấm săn, bắt. Thực tiễn, kết quả tuần tra bảo vệ của Đội bảo vệ rừng chuyên trách ở Vườn Quốc gia Pù Mát cho thấy, thông thường chỉ bắt được người vi phạm khi họ đang mang dụng cụ săn, bắt trái phép trên các đường mòn hoặc tại các lán trại trong rừng, rất ít khi bắt được hành vi đang sử dụng công cụ săn, bắt động vật, vì những người này thường thông thạo địa hình và trốn thoát rất nhanh.

Quy định hiện hành trong Nghị định 157/2013/NĐ-CP, hành vi mang công cụ thủ công săn, bắt ĐVHD đã bị phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng mà vẫn không đủ sức răn đe. “Nếu không triệt phá được các hoạt động bẫy bắt động vật, Việt Nam sẽ đối diện với việc tuyệt chủng hàng loạt các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm trong thời gian gần nhất” – các tổ chức nhận định. 

Đồng thời, các tổ chức này cũng đề nghị bổ sung các quy định xử phạt tăng nặng với các hành vi mang và sử dụng với số lượng lớn bẫy, dụng cụ săn, bắt, chó săn vào khu vực rừng cấm săn, bắt. Điều này sẽ tăng nặng việc xử phạt và góp phần răn đe những người săn, bắt chuyên nghiệp trong rừng cấm săn, bắt. Qua thực tiễn, các tổ chức này nhận thấy, hành vi săn ,bắt bằng chó đang là vấn nạn lớn cho sự tuyệt chủng của các loài rùa, tê tê, các loài thú khác và còn có nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh cho các loài ngoài tự nhiên.

Ngoài ra, cần bổ sung các quy định xử phạt hành chính đối với hành vi vào rừng và lập lán trại trái phép trong rừng đặc dụng vào dự thảo Nghị định. “Chúng tôi hiểu việc chia sẻ lợi ích cho người dân địa phương là cần thiết và chúng tôi cũng tư vấn cho lãnh đạo các khu rừng đặc dụng xây dựng phương án cho phép khai thác có kiểm soát một số sản phẩm lâm sản ngoài gỗ không ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Vì vậy, việc xin phép và cho phép vào các khu rừng đặc dụng sẽ giúp việc quản lý rừng được tốt hơn” – văn bản trên nêu – “Việc lập lán trại trái phép trong rừng luôn đi kèm việc chặt cây, chặt gỗ và săn, bắt ĐVHD, ảnh hưởng lớn tới tài nguyên rừng và đa dạng sinh học và hành vi này cần được xử lý”.

Đọc thêm