2 phương án cấp nước cho Hà Nội

Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam (Viwase) vừa báo cáo UBND TP. Hà Nội về quy hoạch tổng thể hệ thống cấp thoát nước đô thị Hà Nội giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (lần thứ nhất).

Công ty cổ phần nước và môi trường Việt Nam (Viwase) vừa báo cáo UBND TP. Hà Nội về quy hoạch tổng thể hệ thống cấp thoát nước đô thị Hà Nội giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (lần thứ nhất).

Nhà máy nước Sông Đà do Vinaconex làm chủ đầu tư

Viwase đề xuất 2 phương án cấp nước cho Hà Nội đến năm 2030, cụ thể:

Thêm 2 nhà máy nước sông Hồng, sông Đuống

Phương án thứ nhất là xây dựng mới 2 nhà máy nước mặt là sông Hồng và sông Đuống, mở rộng công suất nhà máy nước sông Đà và khai thác hợp lý công suất các nhà máy nước ngầm. Theo phương án này, các nhà máy nước ngầm hiện có trên địa bàn thành phố về cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên công suất. Tổng công suất các nhà máy nước ngầm cung cấp cho Hà Nội đến năm 2030 là 615.000 m3/ngày, phần còn thiếu của nhu cầu dùng nước sẽ phải phát triển khai thác nguồn nước mặt. Như vậy, tổng công suất các nhà máy nước mặt còn thiếu để cung cấp nước cho thành phố là 1.814.000 m3/ngày.

Để giải quyết điều này, 2 nhà máy nước mặt là sông Hồng, sông Đuống sẽ được xây dựng với công suất 300.000 m3/ngày và nâng lên 600.000 m3/ngày vào năm 2030, đồng thời sẽ mở rộng công suất nhà máy nước sông Đà hiện có từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày năm 2020 và nâng lên 1.050.000 m3/ngày vào năm 2030. Ưu điểm của phương án này ở chỗ: do có 3 nhà máy nước với công suất lớn (sông Hồng, sông Đà, sông Đuống) nằm ở 3 hướng của thành phố nên mạng lưới đường ống truyền tải nước ngắn, không phải bơm nước xa sẽ giảm chi phí điện năng giúp hạ chi phí đầu tư và quản lý, cấp nước sẽ an toàn và ổn định hơn.

Nhược điểm của phương án này là vị trí của nhà máy nước mặt sông Đuống ở hạ lưu khu đô thị nên chất lượng nước thô sẽ bị ảnh hưởng, bên cạnh đó là phải xây dựng thêm 2 nhà máy nước mặt nên chi phí đầu tư và quản lý vận hành sẽ lớn và phức tạp hơn.

Mở rộng công suất nhà máy nước sông Đà

Phương án thứ hai là xây mới nhà máy nước mặt sông Hồng, mở rộng nâng công suất nhà máy nước mặt sông Đà và khai thác hợp lý công suất các nhà máy nước ngầm. Tương tự như phương án 1, các nhà máy nước ngầm trong phương án này sẽ duy trì tổng công suất đến năm 2030 là 615.000 m3/ngày, phần còn thiếu  sẽ phải phát triển khai thác nguồn nước mặt.

Theo phương án này thì sẽ chỉ xây dựng mới nhà máy nước mặt sông Hồng với công suất 600.000 m3/ngày  năm 2020 và nâng công suất lên 900.000 m3/ngày vào năm 2030. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng công suất nhà máy nước mặt sông Đà từ 300.000 m3/ngày lên 1.050.000 m3/ngày vào năm 2030. Ưu điểm của phương án này là do vị trí của nhà máy nước mặt sông Hồng ở thượng lưu khu đô thị và cảng Thượng Cát nên chất lượng nước thô đảm bảo không bị ô nhiễm chất thải xả ra sông do các hoạt động của đô thị.

Do chỉ xây dựng thêm một nhà máy nước mặt sông Hồng nên chi phí đầu tư và quản lý vận hành sẽ thấp và đơn giản hơn. Nhược điểm của phương án này là do vị trí của nhà máy nước mặt sông Hồng ở phía Tây Bắc thành phố nên để dẫn nước sạch đến các đô thị xa ở phía Đông và phía Nam thành phố sẽ phải xây dựng thêm các trạm bơm tăng áp.

Huy Kiên

Đọc thêm