Adidas “made in”… Thanh Oai

Sản phẩm giả những thương hiệu nổi tiếng đòi hỏi có máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nên các đối tượng trong nước thường mang mẫu sang Trung Quốc, Thái Lan... đặt làm.

Năm qua nổi lên những vụ tuồn hàng giả vào Việt Nam. Các sản phẩm giả những thương hiệu nổi tiếng đòi hỏi có máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất nên các đối tượng trong nước thường mang mẫu sang Trung Quốc, Thái Lan... đặt làm.

Adidas, Nike, Proace  “made in”… Thanh Oai

Năm 2010, lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an Hà Nội phát hiện, điều tra xử lý 110 vụ trong đó có 49 vụ 57 đối tượng sản xuất,  buôn bán hàng giả; 19 vụ tiền giả; 43 vụ 43 đối tượng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT)... Thượng tá Lê Hồng Sơn, Phó trưởng phòng PC46 Công an Hà Nội cho biết, trong đó, có nhiều vụ sản xuất hàng giả sản phẩm các thương hiệu nổi tiếng "tuồn" vào Việt Nam. Các sản phẩm này đòi hỏi tinh xảo, phải có máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất. Chính vì vậy, các đối tượng buôn bán hàng giả trong nước thường mang mẫu sang nước ngoài đặt làm, chủ yếu sản xuất ở Trung Quốc, Thái Lan...

Đặc biệt, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng đặt sản xuất thuốc lá Vinataba giả từ nước ngoài đưa về Việt Nam tiêu thụ. Điển hình như ngày 5/12, Công an huyện Gia Lâm điều tra, bắt Đỗ Thị Cúc (42 tuổi, trú ở thôn Công Đình, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm) về hành vi buôn bán thuốc lá Vinataba giả. Cúc đã đặt mua 3.000 cây thuốc lá giả từ Trung Quốc với giá 24 triệu đồng, thuê người vận chuyển về Hà Nội thì bị cơ quan Công an phát hiện. Kết quả giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54), Công an TP Hà Nội cho thấy, từ mẫu mã vỏ bao cho đến chất lượng thuốc lá đều không giống với mẫu của Tổng công ty Thuốc lá Vinataba... 

 

Điển hình như ổ sản xuất, kinh doanh hàng thể thao giả của Lê Huy Trụ, ở thôn Văn Khê (Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội) đã bị CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV Công an Hà Nội và QLTT phối hợp khám phá đầu tháng 12/2010. Tại đây, cơ quan công an đã thu giữ gần 80 bao tải hàng thể thao giả gồm nhiều chủng loại như bóng đá, giày, tất chân, quần áo, vợt cầu lông... mang tên các hãng thể thao nổi tiếng trên thế giới như Adidas, Nike, Proace...

Nhận thấy “thị trường” hàng thể thao nhái các nhãn hiệu nổi tiếng bán chạy, lãi suất cao, Trụ cùng một số chủ hàng khác trực tiếp sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại hàng như vợt cầu lông, bóng bàn, quần áo, tất chân nhãn hiệu Adidas, Nike, Kappa, Winson... Để sản phẩm giả này hoàn chỉnh tới tay người tiêu dùng, phía sản xuất còn chịu trách nhiệm cung cấp các loại tem chống hàng giả, lô gô, phiếu bảo hành... giả mạo.

Cũng trong năm 2010, lực lượng cảnh sát đã bắt giữ một vụ buôn lậu sách giáo khoa của một số nhà sản xuất với hơn 4 tấn sách in trái phép.

Phạt quá nhẹ

Thượng tá Lê Hồng Sơn phân tích, một trong những lý do khiến tệ sản xuất, buôn bán hàng giả chưa giảm là do hệ thống chính sách pháp luật về đấu tranh chống sản xuất và buôn bán hàng giả của chúng ta chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể. Chế tài xử lý quy định với các tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong BLHS  thường được coi là những hành vi ít nghiêm trọng, khung hình phạt còn nhẹ. Chẳng hạn như với vụ buôn lậu sách giáo khoa ở trên, mức phạt cao nhất cũng chỉ từ 6 tháng- 1 năm tù.

Nhưng loại hàng giả này hiện nay chưa kiểm soát được do vẫn vướng mắc về các văn bản pháp luật, chưa có quy định cụ thể phần trăm giả bao nhiêu thì bị xử lý hình sự. Do đó, cần thiết phải có chế tài để xử lý hàng kém chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhấn mạnh, đấu tranh chống hàng giả, không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà cần chính sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc chủ động nghiên cứu, đưa ra các biện pháp chống làm giả, làm nhái sản phẩm của doanh nghiệp. Chỉ khi nào các doanh nghiệp có đơn thư và ủy quyền của nhà sản xuất, hội chống hàng giả thì phía công an mới vào cuộc.

Ông Nguyễn Đức Long, Phó Chủ tịch Hội chống hàng giả Hà Nội (HATAP) cũng cho biết, khó khăn lớn nhật của Hội là một bộ phận không nhỏ các nhà sản xuất còn ngại ngần, không công khai đứng lên tuyên chiến hàng giả. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều doanh nghiệp ý thức sớm vấn đề đấu tranh chống hàng giả, chủ động đổi mới dây chuyền sản xuất, liên tục thay đổi mẫu mã sản phẩm để chống làm giả và tăng cường phối hợp các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý hàng giả.

N. Thương

Đọc thêm