“Ai đó chạy cùng ta” - Trưởng thành ở Jerusalem

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Văn chương luôn dành sự lưu tâm đặc biệt đến một vài độ tuổi của con người. Ở những độ tuổi ấy, con người chạm đến ngưỡng kinh nghiệm của mình, một cuộc khủng hoảng xuất hiện, mà nó chỉ có thể được giải quyết bằng một cuộc phiêu lưu, thông qua đó con người rũ bỏ cái tôi cũ để bước vào một chặng đường mới. “Ai đó chạy cùng ta” của David Grossman nói về một bước ngoặt như thế: tuổi thành niên.
“Ai đó chạy cùng ta” - Trưởng thành ở Jerusalem

Từng là một nhà báo, tiểu thuyết gia David Grossman thường lấy hiện thực làm nền móng cho câu chuyện của mình và đôi khi tác phẩm của ông có thể coi là một kiểu phóng sự văn chương. Để khắc họa một cách chân thực nhất về tâm lý nhân vật trong “Ai đó chạy cùng ta”, David Grossman đã dành một khoảng thời gian dài chuyên tâm tìm hiểu và tiếp xúc với những thiếu niên vô gia cư tại Israel.

Tác phẩm khởi sự bằng việc cậu thiếu niên Assaf một ngày nọ được giao nhiệm vụ tìm lại chủ của một con chó đi lạc và rất mau chóng câu bị cuốn vào một cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ đi tìm một cô gái bí ẩn tên là Tamar, người cũng đang lao vào một cuộc phiêu lưu của riêng mình.

Trong “Ai đó chạy cùng ta”, Assaf và Tamar đều ở ngưỡng cửa trưởng thành. Ta biết điều ấy không chỉ qua độ tuổi của họ (cả hai đều mười sáu), mà còn qua những vấn đề mà họ gặp phải trước khi cuộc phiêu lưu xảy đến. Assaf dành kì nghỉ hè của mình để làm một công việc bàn giấy tẻ nhạt và ngột ngạt trong văn phòng Tòa thị chính. Cuộc sống của cậu khá êm đềm, nhưng dường như sự êm đềm ấy đến từ một tính cách thụ động trước mọi vấn đề, chứ không phải là kết quả của việc đối diện và giải quyết chúng. Vẻ êm đềm giả tạo ấy lộ ra ngay khi Assaf gặp Theodora và nhận ra cậu chẳng có câu chuyện nào của bản thân để kể.

Tamar nhanh nhẹn, sắc sảo, đầy cá tính và có phần liều lĩnh (hoàn toàn trái ngược với Assaf hiền lành, hơi nhu nhược), nhưng cô cũng gặp những vấn đề riêng về gia đình, về người anh trai, đặc biệt là về tình bạn. Khi Tamar lao vào chốn nguy hiểm để giành lại người anh trai của mình, hai người bạn thân thiết nhất lại bỏ mặc cô để tham gia chuyến lưu diễn toàn quốc. Cô kinh ngạc nhận ra mình đã bị xóa sổ, theo cách thản nhiên nhất có thể, khỏi một tình bạn ba người từng khăng khít đến như vậy.

Trong "Người hùng mang ngàn gương mặt", Joseph Campbell nói rằng người anh hùng sẽ phải rời bỏ thế giới đã biết của anh ta, an toàn nhưng chật chội, nhàm chán, để lao vào vùng không biết, một không gian nhiều nguy cơ và thử thách. Thế giới không biết ấy trong cuộc phiêu lưu của Assaf và Tamar, chính là cuộc sống đường phố của Jerusalem, thế giới của những nghệ sĩ rong, của những tên ma cô chăn dắt đầy nguy hiểm, mà đáng sợ hơn cả là Pesach, phản diện chính của tiểu thuyết.

Ta phải làm gì để vượt khỏi nỗi đau khổ trước thế giới bất công này? Đến cuối tác phẩm, Tamar cùng Assaf đều đã tìm ra câu trả lời. “Bởi vì tớ phải học cách từ bỏ, cậu có hiểu không?” Tamar nói như thế về giọng hát của cô. “Với tớ, nó gần như một trải nghiệm huyền bí, có cảm giác như mọi sự vật sự việc trong vũ trụ này đều đang ở vào đúng vị trí của mình”. Trưởng thành chính là như vậy: từ bỏ cái ngã tuổi thơ và đón nhận một bản ngã mới, hài hòa với thế giới này để thấy được trật tự đích thật của nó. Khi hát cho Assaf nghe, Tamar cảm thấy “giọng cô đã thay đổi, một thay đổi rất nhỏ, như thể sự trong trẻo thơ trẻ trong đó đã hoàn toàn biến mất và được thay thế bởi một thứ gì đó mới mẻ lạ lẫm. Còn Assaf, cậu thấy “toàn bộ cuộc đời cậu trước thời khắc này chỉ là một màn giới thiệu, một sự khởi động; rằng cuối cùng thì cậu cũng đang bắt đầu sống”.

David Grossman (1954) là tác giả Israel nổi tiếng với các tác phẩm được dịch ra trên 30 thứ tiếng và giành vô số giải thưởng. Cuốn “Con ngựa bước vào quán bar” đã mang lại giải Man Booker Quốc tế 2017 cho ông cùng dịch giả bản tiếng Anh của cuốn sách, Jessica Cohen.