Ấm áp tình người giữa khu lao động nghèo Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Với tinh thần “ lá lành đùm lá rách và không bỏ ai lại phía sau”, trong lúc dịch bệnh càng căng thẳng, khó khăn chồng chất khó khăn, thì tình người lại ấm áp hơn bao giờ hết.
Người dân xếp hàng đảm bảo giãn cách đến nhận quà tại chợ “ 0” đồng ( Ảnh: Mỵ Châu)
Người dân xếp hàng đảm bảo giãn cách đến nhận quà tại chợ “ 0” đồng ( Ảnh: Mỵ Châu)

Trong những ngày tháng này, Thủ đô Hà Nội đang phải gồng mình lên chiến đấu với dịch bệnh. Hàng ngàn lao động tại chợ Long Biên và các khu vực khác trên đia bàn Thủ đô tạm thời nghỉ việc, cũng đồng nghĩa với việc họ mất đi thu nhập hàng tháng để trang trải cuộc sống. Nhưng họ không bị bỏ lại phía sau. Hàng ngày, hàng giờ vẫn luôn có những hành động thiết thực đầy nhân văn, chứa chan tình yêu thương giữa người với người chia sẻ, giúp đỡ đồ ăn, thức uống..., những thứ rất cần thiết lúc này, giúp họ yên tâm hơn để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành phố về công tác phòng, chống dich COVID-19

Với quyết tâm “Không để người dân nào khó khăn, thiếu đói” mà không được quan tâm hỗ trợ, từ sáng 14/8 Ủy ban MTTQ quận Ba Đình đã phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự quận Ba Đình tổ chức triển khai chương trình “Chợ 0 đồng” trao khoảng 1.000 suất quà trong 3 ngày, để hỗ trợ người dân, người lao động trên địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Người dân đến từ rất sớm đảm bảo giãn cách, đưa phiếu để nhận quà (Ảnh: Mỵ Châu)

Người dân đến từ rất sớm đảm bảo giãn cách, đưa phiếu để nhận quà (Ảnh: Mỵ Châu)

Đến từ đầu giờ sáng, những người lao động tại đây được nhận quà rất phấn khởi, xúc động. Ông Lê Văn Vinh, nay đã 80 tuổi, quê ở Hải Dương, bàn tay nhăn nheo rám nắng run run, cầm đồ ăn tại chợ 0 đồng đi về nhà.

Xa quê lên Hà Nội đã hơn 20 năm, nhưng vì tuổi cao, sức yếu, một thân một mình, hàng ngày thường ông làm ở chợ Long Biên, ai bảo gì thì làm nấy mỗi tháng tích góp 1,2 triệu đủ trả tiền nhà.

Ông Lê Văn Vinh đã 80 tuổi, quê ở Hải Dương, phấn khởi nhận quà (Ảnh: Mỵ Châu)

Ông Lê Văn Vinh đã 80 tuổi, quê ở Hải Dương, phấn khởi nhận quà (Ảnh: Mỵ Châu)

Ông tâm sự, bình thường cuộc sống đã rất khó khăn rồi, phải chắt chiu từng bữa, dịch bệnh lại không đi làm nên cuộc sống hàng ngày càng chật vật hơn. Thế nhưng hôm nay ông vui lắm, có khi trong cái rủi lại có cái may, được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ hơn, lại còn có thêm đồ ăn ngon.

“Tôi rất biết ơn và cảm ơn chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, mạnh thường quân đã không bỏ lại chúng tôi trong những giai đoạn khó khăn này, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc những chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội và chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, và cũng mong rằng Hà Nội sớm hết dich, bình yên trở lại để chúng tôi còn được đi làm”, ông Vinh xúc động nói.

Ông cho biết hôm nay về nhất định sẽ nấu một bữa cơm thật ngon.

Những túi gaọ, mớ rau xanh được trao tận tay người lao động mất việc trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội tại phường Phúc Xá (Ảnh: Mỵ Châu)

Những túi gaọ, mớ rau xanh được trao tận tay người lao động mất việc trong thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội tại phường Phúc Xá (Ảnh: Mỵ Châu)

Xúc động cầm những món quà như gạo, rau, lạc, thịt… anh Phùng Văn Hùng kể Hà Nội một thân một mình. Dịch bệnh không đi làm cũng không về Lạng Sơn được. Bản thân lại là trụ cột chính trong nhà, ở quê 1 vợ 1 con ở đều trông chờ vào tiền anh gửi về hàng tháng.

"Nghĩ đến gia đình mà đau lòng và buồn lắm khi thời gian này không về thăm và gửi tiền về được. Nhưng cũng không thể làm gì hơn, ngay cả mình ở trên này cũng thiếu ăn, rồi tiền nhà trọ vẫn phải đóng hàng tháng. Khó khăn chồng chất khó khăn”, anh bày tỏ. “Những nhu yếu phẩm hôm nay, thực sự nếu để quy ra tiền không nhiều nhưng nó lại rất thiết thực đối với những người lao động tự do đang mất việc vì dịch bệnh như tôi. Đây cũng là động lực giúp mỗi người như tôi cố gắng vươn lên, sống tốt”.

Ai cũng phấn khởi khi nhận quà từ chợ "0" đồng (Ảnh: Mỵ Châu)

Ai cũng phấn khởi khi nhận quà từ chợ "0" đồng (Ảnh: Mỵ Châu)

Lên Hà Nội làm lao động tự do tại chợ Long Biên được 6 ,7 năm nay, chị Phạm Thị Sá quê Hà Nam hôm nay cũng phấn khởi đến “Chợ 0 đồng” từ rất sớm để nhận quà của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm. Tại đây chị Sáng được hướng dẫn thực hiện đầy đủ quy định phòng chống dịch như giữ khoảng cách, rửa tay, sát khuẩn và đeo khẩu trang.

Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh, cuộc sống gia đình chị Sáng thường ngày đã rất vất vả, nay còn buồn hơn khi cả hai vợ chồng đều không có việc làm.

Chia sẻ về lý do phải lên Hà Nội làm thuê, chị nghẹn ngào nói: “Con cái của tôi cũng lớn hết rồi nhưng nhà không có điều kiện, các con lại đang đi học ở dưới quê, nên chúng tôi phải đi lên thành phố để làm thuê, kiếm sống, nuôi các con, bằng tuổi này mà hai vợ chồng đi làm thuê mà vẫn không đủ ăn, giờ lại dịch bệnh lại càng khổ hơn. Giờ chỉ mong sao dịch bệnh qua nhanh, lại đi làm để kiếm tiền còn nuôi các con".

Cầm phần quà được hỗ trợ, chị Sáng cảm kích: “Tôi không dám đòi hỏi gì thêm đâu. Chính quyền và các nhà hảo tâm giúp đỡ như thế này là tốt lắm rồi. Giờ tôi cũng phần nào yên tâm ở trong nhà theo chỉ thị giãn cách xã hội, mong sao hết dịch thật nhanh để được đi làm lại thôi”.

Bà Trần Thị Tố Tâm, Bí thư Đảng uỷ phường Phúc Xá trực tiếp trao quà cho người dân tại chợ (Ảnh: Mỵ Châu)

Bà Trần Thị Tố Tâm, Bí thư Đảng uỷ phường Phúc Xá trực tiếp trao quà cho người dân tại chợ (Ảnh: Mỵ Châu)

Cùng cảnh lên thành phố mưu sinh, vợ chồng chị Phạm Thị Huế quê Nam Định và 1 người con đại học năm thứ 2, đang làm thuê tại chợ Long Biên, đang phải cố gắng bám trụ qua từng ngày tại Hà Nội.

Chị Huế kể trước hai vợ chồng cùng làm lao động tự do ở chợ Long Biên, tháng nhiều cả gia đình có thể kiếm được 6 triệu, ít thì 4 đến 5 triệu. Giờ dịch bệnh phức tạp, vợ chồng không có thu nhập. “Về quê gần anh chị em, giúp đỡ nhau bát gạo mớ rau cũng đỡ tủi, nhưng dịch giã thế này về sao được. May chính quyền địa phương luôn quan tâm, giúp đỡ và thấu hiểu nên cũng an lòng và xúc động lắm”, chị nói.

Những món quà tuy không có giá trị nhiều về vật chất, nhưng phần nào giúp người dân tạm gác lại nỗi lo mưu sinh, yên tâm đồng lòng của cả nước chống dịch. (Ảnh: Mỵ Châu)

Những món quà tuy không có giá trị nhiều về vật chất, nhưng phần nào giúp người dân tạm gác lại nỗi lo mưu sinh, yên tâm đồng lòng của cả nước chống dịch. (Ảnh: Mỵ Châu)

Thể hiện rõ tinh thần “giãn cách nhưng không xa cách”, vậy là những người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh này có thể tạm gác lại nỗi lo về mưu sinh trước mắt, yên tâm đồng lòng của cả nước chống dịch. Hi vọng ngày gần nhất Hà Nội sẽ lấy lại được dáng vẻ yên bình như vốn có, để hàng trăm, hàng nghìn lao động tạm thời bị mất việc nơi đây lại được tiếp tục công việc của mình, được tiếp tục tình yêu với Hà Nội!

Chợ 0 đồng” là chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố với Bộ Tư lệnh Thủ đô. Chương trình sẽ được triển khai tại các quận, huyện nơi có đông người dân, người lao động, sinh viên, đặc biệt là những người lao động đang tạm trú trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chợ 0 đồng” không chỉ triển khai tại những điểm cố định, mà những “Túi hàng 0 đồng” sẽ được MTTQ các cấp chuyển tới hỗ trợ tận nơi ở của những người có hoàn cảnh khó khăn.

Người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà chưa nhận được sự hỗ trợ có thể gọi điện thoại theo đường dây nóng của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố và MTTQ 30 quận, huyện, thị xã hoặc liên hệ trực tiếp với Ủy ban MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn nơi mình đang cư trú.

Đọc thêm