Hôm qua, UBND thành phố Đà Nẵng trao tặng cho anh Khoa và mẹ - bà Nguyễn Thị Tần một căn hộ giữa trung tâm thành phố.
Đại diện chính quyền dẫn bà Tần và anh Khoa đến căn hộ tại chung cư Hòa Thuận Đông để trao chìa khóa nhà. Khi đám đông cán bộ, nhà báo rút về, còn lại bà Tần lặng phắc bên ban công. Tôi thấy bà len lén đưa khăn lau nước mắt.
Giọt lệ vẫn đọng lại nơi khóe mắt người phụ nữ xứ Thanh. Mấy chục năm qua, tảo tần sớm hôm nuôi 2 con trai khôn lớn, có lẽ chưa lúc nào bà xúc động như vậy. Thước phim ngày xưa lại hiện về, thước phim về một cuộc đời bi thương.
Nỗi niềm bất tận
Những năm 1960 thế kỷ trước, làng Nga (Quảng Khuê, Quảng Xương, Thanh Hóa) là nơi đôi bạn Vũ Phi Trừ - Nguyễn Thị Tần cùng lớn lên, chăn trâu cắt cỏ… Tình bạn lớn dần thành tình yêu để rồi một đám cưới nghèo diễn ra năm 1982.
“Đám cưới cũng là đám tang”, bà Tần mắt đỏ hoe nấc nghẹn khi kể về tình cảnh ngặt nghèo đầu tiên của hai vợ chồng. Yêu chàng hải quân lênh đênh sóng cả, cô gái làng Nga đành chấp nhận đến sát ngày cưới, chàng mới được cất phép trở về, cởi binh phục khoác tay cô dâu.
Bà Nguyễn Thị Tần |
Đó là dịp cận Tết năm 1982, ngày 24 tháng Chạp, nhà trai sang xin lễ, ngày 25 diễn ra lễ cưới đơn sơ giữa quê nghèo. Ngày 26, bà nội của anh Trừ mất. Niềm vui chưa trọn, nước mắt tiễn người thân đã tuôn rơi.
“Kể từ đây, cuộc đời tôi là chuỗi bi thương bất tận. Nhưng tôi chưa bao giờ gục ngã, kể từ khi anh ấy ra đi”. Một năm sau ngày cưới, bà Tần sinh người con trai cả, anh Vũ Xuân Đăng, đến 1986 sinh người con trai út, là anh Vũ Xuân Khoa.
Cưới nhau được 6 năm thì anh Trừ hy sinh. Những lần cắt phép gặp nhau giữa hai vợ chồng đếm không đủ ngón tay trên một bàn tay. “Tội nhất thằng Khoa, nó gặp bố lần đầu cũng là lần cuối khi 15 tháng tuổi, hầu như chưa biết gì. Còn đứa lớn cũng gặp bố độ vài lần”.
Đó là năm 1987, trong kỳ nghỉ phép kéo dài 2 tháng, anh Trừ được về nhà gặp vợ con. Mới được hơn 1 tuần, bỗng nhiên anh được lệnh khẩn trương trở về đơn vị.
“Tôi linh cảm có điều gì đó bất thường. Đêm trước khi anh ấy đi, anh dặn đủ thứ, nào là cố gắng sống, chăm sóc con cái khôn lớn thành người, phải can đảm đương đầu với số phận…”. Nước mắt bà Tần rơi lã chã: “Những lời anh ấy nói, không phải là từ biệt thông thường như lần trước”.
Làng Nga mùa thu 1987, hai người đàn ông trên một chiếc xe đạp rời khỏi làng. Đó là anh Trừ và bố vợ đưa anh ra bắt xe đến ga tàu vào Nam. Không đưa tiễn, chị Tần cố níu kéo hy vọng anh sẽ lại trở về, bình an vô sự. Thế rồi tin trên đài về trận chiến 14/3/1988 khiến chị chết lặng. Anh không về.
"Con của cha, dòng nào máu ấy"
Một mình vất vả nuôi 2 con, kiêm luôn việc thờ tự chồng ở quê, bà Tần chưa một lần được ăn ngon, ngủ tròn giấc. Thời gian thấm thoắt, rồi một hôm, con trai lớn Vũ Xuân Đăng lại khiến bà Tần giật thót mình khi nói với bà tâm nguyện phục vụ trong lực lượng hải quân.
“Tôi gạt ngay, đời tôi 6 năm cưới chồng chỉ ở với nhau được mấy tháng, tôi đã thề sau này lớn lên không để con dâu phải chịu cảnh đó nữa. Nhưng rồi cũng bị nó thuyết phục. Con của cha, dòng nào máu ấy, không thay đổi được. Nó bảo bây giờ là thời bình, mẹ đừng lo quá. Nói thế chứ, năm 1988 cũng đã kết thúc chiến tranh rồi còn gì”.
Hai mẹ con trong căn nhà mới. |
Năm 2003, Vũ Xuân Đăng nhập Lữ đoàn 125, đơn vị vận tải chủ lực Trường Sa. Anh đi trên từng mét biển Trường Sa, Gạc Ma, Côlin, Len Đao…, nơi máu của cha mình đổ xuống. Bà Tần lo lắng, mấy năm trước không sao, cứ thấy con đi biển 1 tháng là về, dạo gần đây, không hiểu làm sao cứ mỗi chuyến đi là 3 tháng.
“Tôi xem báo thấy tình hình biển Đông, Trường Sa, Hoàng Sa căng thẳng là ngực nhói đau”. Giọt lệ đọng trên khóe mắt người mẹ già. Chồng hy sinh khi bà mới 28 xuân xanh, nhưng trong đầu chưa một lần xuất hiện 2 từ “tái giá”. Với bà, anh hùng Vũ Phi Trừ vẫn luôn hiển hiện trong từng bữa ăn, giấc ngủ.
“Anh Vũ Phi Trừ mãi mãi ở lại với biển đảo tổ quốc, để lại người vợ và hai con thơ, con lớn 3 tuổi và con nhỏ chỉ mới một tuổi. Thế mà chị Nguyễn Thị Tần đã vượt qua bao khốn khó của cuộc sống, nuôi hai con khôn lớn, nên người.
Khi tôi hay tin cháu Khoa hiện chuẩn bị cưới vợ, song chưa có nhà ở, chưa có nơi chăm sóc mẹ già nên muốn bố trí cho gia đình một căn hộ, trước là một nén nhang lòng với anh Vũ Phi Trừ, sau là cùng gia đình vượt qua khó khăn trong cuộc sống” - ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói.
“Anh Vũ Phi Trừ hẳn cũng rất ấm lòng. Việc làm của UBND thành phố Đà Nẵng là rất tuyệt vời, làm vững lòng những chiến sĩ hải quân ngày ngày làm nhiệm vụ nơi đảo xa”
Đại tá Lê Văn Quyến, Chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh vùng 3 Hải quân