Ăn mà như nuốt nhục

(PLO) - Sẽ không ngoa khi nói rằng, một bộ phận giới trẻ ngày nay coi đồng tiền có giá trị hơn cả nhân phẩm của chính mình. Họ sẵn sàng bán rẻ danh dự và lòng tự trọng, thậm chí tự biến mình thành… chó hoặc ăn như kiểu chó chỉ để nhận về 2 triệu đồng...
Nếu cho rằng việc các nam thanh nữ tú đua nhau trèo qua hàng rào sắt (đến nỗi thủng cả nội y) để được vào tắm miễn phí tại công viên nước Hồ Tây là hành động thiếu văn hóa, xem thường nhân phẩm thì việc một thanh niên bò xuống đất rồi cúi xuống ăn như chó không biết phải dùng ngôn từ nào để diễn tả? Đây có phải là hành động lệch chuẩn và lối suy nghĩ nông cạn, bất chấp tất cả. 
Được biết, việc làm của thanh niên này bắt nguồn từ lời thách đố “làm chó để được 2 triệu đồng” của một người bạn. Đoạn clip ghi lại hình ảnh anh này bò bằng hai tay, hai chân tiến đến bát bún đặt dưới đất và ăn hết. Trong khi đó, giọng một nam thanh niên trong clip liên tục vang lên: “Mày ăn hết thì mới được cầm 2 triệu, ăn như một con chó thì mới được cầm tiền”. 
Cảnh quay trên diễn ra tại một nhà hàng ăn uống tại Mộc Châu (Sơn La) và nam thanh niên chấp nhận làm trò cười cho mọi người có tên Đinh V.A.  
Vì 2 triệu đồng, thanh niên này đã phải bò xuống đất để ăn (ảnh minh họa từ Internet) 
Diễn ra chưa đầy 2 phút nhưng đoạn video trên đã gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng. Có không ít người xem bức xúc vì cho rằng hành động của người thách đố đã xúc phạm và coi rẻ nhân phẩm bạn của mình; còn nam thanh niên cúi xuống đất ăn thì xem danh dự của bản thân không bằng 2 triệu đồng.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên những hình ảnh thiếu văn hóa được chia sẻ một cách rộng rãi. Mới đây, dân mạng lại truyền tay nhau đoạn clip dài tới 7 phút ghi lại cảnh một thanh niên ăn đồ ăn thừa của khách trong quán với phong cách của một …con chó. 
Những người bạn của thanh niên này bỏ ra số tiền cược là 1 triệu đồng để anh chàng thực hiện hành động trên một cách thoải mái, vui vẻ.
Để lấy được 1 triệu đồng tiền cược, một thanh niên đã ăn đồ thừa của khách với tâm thế thoải mái và vui vẻ (ảnh minh họa từ Internet)
Cũng là việc ăn, tại một quán phở có tiếng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã nghĩ ra một chiêu thu hút khách và đánh bóng thương hiệu bằng cách cược 1 triệu đồng cho thực khách nào ăn hết tô phở khổng lồ của quán. Nếu ăn không hết, khách sẽ chịu thua và phải trả tiền cho bát phở mình ăn dở là hai trăm ngàn đồng. 
Khách đến thử vận may khá đông, sẽ là quy chụp và phiến diện nếu nói tất cả thực khách đến đây chỉ với mục đích vì tiền thưởng. Trong số những thực khách đó cũng có người chỉ muốn kiểm tra xem khả năng ẩm thực của mình đến đâu. Với họ, thời gian thưởng thức tô phở cũng là thời gian họ thư giãn, thắng - thua không quan trọng, nghĩa là họ thấy tò mò, thấy hấp dẫn thì thử, chứ không phải vì số tiền treo thưởng.
Nhưng cũng không ít người đến quán chỉ với mục đích kiếm tiền: vừa muốn được thưởng 1 triệu đồng, vừa không phải mất hai trăm nghìn-  trị giá của tô phở. Chính vì tâm lý thắng thua đó nên họ đã cố gắng nhồi thức ăn vào dạ dày bằng mọi cách. Ăn đến nỗi nôn thốc nôn tháo, tuôn ra cả mật xanh, mật vàng cũng chưa chịu dừng lại, chỉ vì chưa cầm được 1 triệu đồng tiền thưởng trong tay.
Một bát phở với khoảng 750 gram bánh kèm theo vài lạng thịt bò và 2 lít nước dùng thì có gọi là thưởng thức nữa hay không? Ăn đến đâu "đau" đến đó, ăn mà như nuốt nỗi nhục vào người. 
Xem ra tâm lý của nhiều người dân mình là cứ nghe ở đâu có miễn phí (dù là miễn phí ăn uống hay miễn phí vui chơi) đều tìm đến và bằng mọi giá phải đạt cho bằng được. Tất nhiên miễn phí chẳng có gì là xấu, chỉ buồn cho cách mọi người bất chấp cả sức khỏe và nhân phẩm của mình để có được món “hàng” miễn phí trong tay mà thôi.
Nhiều người cho rằng màn thách đố của quán phở xem ra còn có đạo đức và văn hóa hơn mấy trò của đám thanh niên thách đố bạn mình phải bò bằng hai tay, hai chân rồi cúi xuống đất để ăn. Đạo đức và văn hóa hơn vì họ không buộc người chơi phải biến mình thành chó và ăn như kiểu một con chó. 
Nhưng đến con chó cũng biết dừng lại khi nó đã ăn đủ no và biết bỏ đi khi đồ ăn bị bẩn, còn nhiều người dù biết là no, biết là mất vệ sinh, nhưng vẫn cố để ăn, bởi có ăn mới lấy được tiền. 
Ngoài mục đích kiếm tiền, cũng không loại trừ tư tưởng thích được nổi tiếng của những người tham gia trò thách đố nói trên. Vì muốn được nhiều người biết đến nên họ đã hạ thấp lòng tự trọng và dẫm đạp lên danh dự, nhân phẩm của chính mình. 
Khi chính mình không còn tôn trọng bản thân thì đừng mong gì người khác sẽ làm điều ấy với mình./.