Buổi lễ chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho phía Việt Nam có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền, đại diện Bộ Công an Việt Nam và đại diện Bộ Ngoại giao Pháp, đại diện UNESCO.
Đây là thành quả sau hơn một năm đàm phán, thương thảo và thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan về việc dừng đấu giá công khai Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” tại Paris, hồi tháng 11/2022 và cùng thỏa thuận thống nhất các yêu cầu liên quan đến việc chuyển giao Ấn vàng cho phía Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát biểu tại lễ chuyển giao Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo.” (Ảnh: tienphong.vn). |
“Sau nhiều cuộc họp đàm phán, thương lượng, hai bên đã thống nhất việc chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho phía Việt Nam trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nhà nước Việt Nam và Pháp, thống nhất thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý để có thể đưa ấn vàng về Việt Nam theo quy định pháp luật của hai nước”, bà Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết.
Trước đó, tại thời điểm Đoàn công tác liên ngành làm việc tại Pháp, tháng 11/2022, chỉ có ông Nguyễn Thế Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, tham gia với mục đích mua để bổ sung sưu tập cá nhân, dự kiến trưng bày tại bảo tàng ngoài công lập Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng, Bắc Ninh.
Để có cơ sở tham mưu, Lãnh đạo Bộ VHTTDL đã lựa chọn Công ty TNHH Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng (Bắc Ninh) là đại diện thực hiện các thủ tục tài chính về quyền lợi các bên liên quan đến ấn vàng Hoàng đế chi bảo theo pháp luật của Cộng hòa Pháp và thực hiện việc lưu giữ, trưng bày, phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia bảo vệ, phát huy giá trị của ấn vàng tại Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Chia sẻ tại buổi lễ bà Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh, buổi lễ Chuyển giao Ấn vàng là một sự kiện có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11. Đó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta ký sắc lệnh số 65 bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp.
Lễ chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo cho phía Việt Nam có sự tham gia của nhiều đại diện cơ quan chuyên ngành (Ảnh: TTXVN). |
Thành công của việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là kết quả của sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, các bộ, ngành và cơ quan chức năng, sự phối hợp nhịp nhàng của các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan tham gia vào quá trình thương lượng, đàm phán, sự hợp tác của các cơ quan chức năng sở tại, đối tác, bạn bè, cộng đồng tại Pháp để giúp đỡ, hỗ trợ Đoàn công tác liên ngành và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.
Trong thời gian tới, Cục Di sản văn hóa sẽ tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng danh mục cổ vật của Việt Nam bị đưa ra khỏi đất nước bất hợp pháp trong quá khứ và tham vấn Ban thư ký công ước Công ước 1970 của UNESCO về Danh mục để làm cơ sở tìm kiếm giải pháp đưa cổ vật Việt Nam từ nước ngoài về nước.