Áp thuế kiểu nào mới đúng?

 Doanh nghiệp nhập linh kiện về lắp ráp, cơ quan chức năng cho rằng một số linh kiện không đáp ứng độ rời rạc theo quy định pháp luật và đề nghị áp thuế nguyên chiếc. Cùng một văn bản, mỗi người hiểu một kiểu khiến cả hai bên đứng trước một cuộc tranh cãi pháp lý.

Doanh nghiệp nhập linh kiện về lắp ráp, cơ quan chức năng cho rằng một số linh kiện không đáp ứng độ rời rạc theo quy định pháp luật và đề nghị áp thuế nguyên chiếc. Cùng một văn bản, mỗi người hiểu một kiểu khiến cả hai bên đứng trước một cuộc tranh cãi pháp lý.

Linh kiện hay nguyên chiếc?

Cách đây chưa lâu, TCty Công nghiệp ôtô Việt Nam nhập khẩu 2 lô hàng gồm 90 bộ linh kiện đồng bộ xe ôtô Hyundai County 29 chỗ ngồi và 180 bộ linh kiện xe ôtô tải Hyundai Mighty (tải trọng 2,5 và 3,5 tấn). Sau khi kiểm hóa, cơ quan hải quan cho rằng một số chi tiết chưa phù hợp với các quyết định 05/2005/QĐ-BKHCN (QĐ 05) của Bộ Khoa học và Công nghệ về mức độ rời rạc. Hệ quả là thay vì phải nộp khoảng 25,5 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu (NK) cho cả 2 lô hàng, Tcty phải nộp tới 85,5 tỷ đồng. Số tiền thuế chênh lệch ước tính lên tới hơn 60 tỷ đồng.

Tình trạng tương tự lại xảy ra đối với Cty TNHH Đông Phong. Đầu tháng 4/2011, Cty Đông Phong nhập lô hàng 100 bộ linh kiện không đồng bộ xe ô tô tải ben, tài thùng 7,5 tấn.  Hai trong số các mục hàng nhập về được cơ quan Hải quan cho rằng chưa đủ tiêu chuẩn đáp ứng độ rời rạc, đó là cánh cửa bên phải, cánh cửa bên trái và tấm cạnh B cabin. Xin được nói thêm, nếu các mục hàng này được xác định không đáp ứng độ rời rạc, lô hàng trên sẽ được áp thuế như đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc với mức thuế cao gấp nhiều lần.

Mục hàng này, cơ quan hải quan cho là “không đủ độ rời rạc”, DN cho rằng đã đáp ứng đúng QĐ 05

Phải chẳng văn bản chưa rõ ràng…?

Nhìn bản mô tả chi tiết mức độ rời rạc các linh kiện ô tô tải, có thể dễ dàng nhận thấy, bộ khung cánh cửa được mô tả có hình hộp rỗng. Hình vẽ này phù hợp với (linh kiện) cánh cửa mà Cty Đông Phong nhập về.  Vì thế, trong khi gửi mẫu 02 mục hàng đi phân tích phân loại, DN vẫn khẳng định lô hàng nhập khẩu trên hoàn toán đáp ứng QĐ 05 về độ rời rạc.

Trong suốt những năm vừa qua, hầu hết các DN nhập khẩu linh kiện ô tô như Cty Cửu Long – Hưng Yên, Cty Việt Trung – Hải Dương, Cty Xuân Kiên – Vĩnh Phúc, Cty Trường Hải – Quảng Nam… đều nhập các bộ kinh kiện ô tô có 02 mục hàng trên như Cty Đông Phong. Điều này được các DN cho là hiển nhiên, vì thứ nhất, nó phù hợp với mô tả của QĐ 05. Thứ hai, thực tế xuất bán linh kiện ở cơ sở sản xuất cũng cung cấp những sản phẩm như vậy, phù hợp với hoạt động chuyên môn của nền công nghiệp phụ trợ và điều kiện sản xuất lắp ráp ở Việt Nam.

Đại diện Cty Đông Phong cho rằng, nếu cơ quan chức năng cho rằng linh kiện công ty nhập về không đáp ứng độ rời rạc như quy định của pháp luật thì cũng phải có trả lời cụ thể bằng văn bản để đủ tính thuyết phục. “Cty sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ tài chính nếu nhà nước yêu cầu. Nhưng để đảm bảo tính công bằng trong việc thực hiện nhập khẩu đúng pháp luật, công bằng cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh, Cty Đông Phong đề nghị cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra các lô hàng của các DN nhập khẩu bộ linh kiện ô tô, kể cả những lô hàng đã nhập về và đang sản xuất lắp ráp, để có kết luận cuối cùng khách quan nhất cho các DN” – vị này nói.

Trên thực tế, khung cánh cửa được ép dán bởi mặt trong và mặt ngoài của cánh cửa, có hình hộp rỗng. Dựa trên bộ khung này, cơ sở lắp ráp sẽ lắp mô tơ, kính, tay quay, ốp nội thất… để tạo nên một chiếc cửa ô tô thành phẩm.

Dây chuyền dập khung cửa ô tô ước tính khoảng 1 triệu USD cho mỗi mẫu cửa. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, công suất lắp ráp nhỏ, mẫu mã ca bin liên tục thay đổi, không DN nào ở Việt Nam có thể đầu tư được dây chuyền ép khung cửa ô tô trị giá triệu đô chỉ để ép vài trăm cánh cửa rồi bỏ. Nếu có đầu tư, việc tìm thị trường ở Việt Nam cũng vô cùng khó khăn, bởi mỗi mẫu xe, thường chỉ khoảng từ vài trăm tới ngàn xe, của các doanh nghiệp khác nhau lại có yêu cầu về hình thức cánh cửa khác nhau.

H.Thủy

Đọc thêm