Năm 2007, cùng với một trong những hãng dược lớn nhất nhì nước Anh là GlaxoSmithKline, AstraZeneca cũng bị đưa vào diện điều tra vì có liên quan đến bê bối tham nhũng trong chương trình đổi dầu lấy lương thực tại Iraq thời cố Tổng thống Saddam Hussein.
Chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên Hợp quốc được tiến hành sau khi tổ chức này ra lệnh cấm vận đối với Iraq, cho phép chính quyền Baghdad bán dầu mỏ để đổi lấy nhu thực phẩm thiết yếu. Song, Ủy ban Điều tra của Liên Hợp quốc đã phát hiện vụ hối lộ trị giá tới 1,8 tỷ USD cho quan chức Iraq của 2.200 công ty tới từ 66 quốc gia tham gia chương trình này.
Trong số đó, kết quả điều tra của văn phòng điều tra Anh xác định, trong 3 năm tham gia chương trình đổi dầu lấy lương thực, cả GlaxoSmithKline và AstraZeneca đã chi tới 44 triệu USD để mua chuộc một số quan chức Iraq và các nhân viên của Liên Hợp quốc để được hưởng những chính sách ưu đãi với họ.
Năm 2012, kết quả một cuộc nghiên cứu độc lập đã chỉ ra rằng một số công ty dược phẩm đa quốc gia hàng đầu như GlaxoSmithKline (GSK), Johnson & Johnson và AstraZeneca đã có những hành vi vi phạm đạo đức y khoa trong các nghiên cứu thử nghiệm thuốc mới. Cụ thể, báo cáo kết quả nghiên cứu khẳng định, khi thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc chữa ung thư vú, hưng cảm cấp tính và tâm thần phân liệt, 3 công ty nói trên đã lợi dụng những bệnh nhân không có điều kiện để hưởng bất kỳ sự chăm sóc y tế nào cũng như không có khả năng xác lập sự đồng ý thử nghiệm, ví dụ như các bệnh nhân tâm thần phân liệt để dụ họ tham gia thử nghiệm.
Tệ hơn, nghiên cứu cũng tố cáo GSK, Pfizer và AstraZeneca đã bí mật thử nghiệm thuốc mới tại Trung tâm Nghiên cứu và Bệnh viện Tưởng niệm Bophal (BMHRC) - cơ sở được thành lập năm 1984 với mục đích điều trị cho những nạn nhân của thảm họa rò rỉ khí độc ở Bophal nhưng các công ty này lại chỉ thử nghiệm các loại thuốc chữa bệnh khác chứ không phải những loại thuốc có thể điều trị cho các nạn nhân của thảm họa Bophal! Kết quả của việc làm này là 14 người đã bị chết trong những cuộc thử nghiệm tại BMHRC.
Không những thế, gia đình của tất cả các nạn nhân đều không nhận được khoản tiền bồi thường này. Kết quả nghiên cứu trên được đưa ra sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố một báo cáo cho hay, kể từ năm 2008 đến năm 2011, ngành thử nghiệm dược phẩm tại Ấn Độ đã kiếm tiền trên việc bưng bít thông tin và lạm dụng bệnh nhân, dẫn đến việc đã có hàng ngàn bệnh nhân thiệt mạng. Theo một nghiên cứu của WHO, những ca thử nghiệm thuốc thời kỳ 2008 - 2011 đã làm chết trung bình tới 10 người một tuần.
Hàng loạt những thông tin như vậy đã khiến Chính phủ Ấn Độ phải mở cuộc điều tra về tỷ lệ tử vong trong những chương trình thử nghiệm thuốc được tiến hành tại nước này. Năm 2016, AstraZeneca cũng đã đồng ý trả 5,5 triệu USD để dàn xếp những cáo buộc cho rằng công ty này đã vi phạm Đạo luật chống tham nhũng ở nước ngoài, cụ thể là trả tiền hối lộ để thúc đẩy việc bán các loại thuốc của họ.
Trong trường hợp này, công ty đã bị cáo buộc thanh toán cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Nga và Trung Quốc không đúng quy định. Cùng với đó, từ năm 2005 đến ít nhất là năm 2010, AstraZeneca đã không duy trì đủ các biện pháp kiểm soát kế toán nội bộ để theo dõi các tương tác giữa các công ty con ở Trung Quốc và Nga với các quan chức chính phủ ở các quốc gia đó.
Nhân viên bán hàng và tiếp thị của AstraZeneca cùng với các giám đốc công ty tại các công ty con của công ty bị tố đã thiết kế và tiến hành một số chương trình tặng quà, chi phí hội nghị, du lịch và tiền mặt cùng nhiều thứ khác để gây ảnh hưởng tới doanh số bán hàng các loại thuốc của AstraZeneca. Các nhân viên trong công ty con của công ty ở Trung Quốc cũng bị cáo buộc đã thực hiện các khoản thanh toán bằng tiền mặt cho các quan chức địa phương để giảm hoặc tránh các khoản tiền phạt đối với họ. AstraZeneca sau đó đã ghi sai tất cả các khoản thanh toán không chính đáng của các công ty con là chi phí kinh doanh hợp pháp trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty.