Triều đại nhà Nguyên bị diệt vong dưới tay một thái giám ngoại quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhờ mối cơ duyên với vị Hoàng hậu nhà Nguyên mà Phác Bất Hoa từ một thái giám ngoại quốc vô danh trở thành kẻ nắm trong tay quyền lực khiến nhiều người ghen tị. Với tham vọng quyền lực và âm mưu muốn tạo ra một cuộc chính biến Phác Bất Hoa đã làm loạn triều chính khiến thiên hạ đại loạn, nhà Nguyên diệt vong.
Hình tượng thái giám ngoại quốc Phác Bất Hoa trong phim cổ trang Trung Quốc.
Hình tượng thái giám ngoại quốc Phác Bất Hoa trong phim cổ trang Trung Quốc.

Thái giám ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa

Theo sách sử ghi lại, dưới triều đại nhà Nguyên, có một vị thái giám ngoại quốc tên là Phác Bất Hoa, người xứ Cao Ly (Triều Tiên ngày nay). Ông ta sinh vào thời vua Nguyên Văn Tông (1304-1332). Cuộc đời thái giám của Phác Bất Hoa bắt đầu từ năm 7 tuổi, khi ông ta tịnh thân và vào cung làm nô tài chuyên lo quét dọn, trà nước. 

Cùng vào cung với ông Phác Bất Hoa lúc đó còn có cô bé đồng hương tên là Kỳ Lạc sau này trở thành Kỳ Hoàng Hậu (?-1369). Kỳ Lạc cùng nhiều thiếu nữ khác bị vua Cao Ly là Trung Huệ Vương lên danh sách cống cho nhà Nguyên theo chính sách “Cống nạp con người”, vì sau chiến tranh Mông Cổ - Cao Ly, các vị vua của Cao Ly được yêu cầu gửi một số lượng nhất định các cô gái trẻ tuổi xinh đẹp đến Đại Nguyên để hầu hạ như vợ lẽ.

Kỳ Lạc khi sang nhà Nguyên được giao cho việc may vá, thêu thùa trong cung. Ở chốn hậu cung xa lạ, đầy rẫy những quy tắc khắt khe, hai đứa trẻ đã trở thành đôi bạn thân. Hai người đã cùng nhau chia sẻ mọi buồn vui của cuộc sống và nỗi nhớ quê hương. Những ngày tháng khổ cực trong cung, hai đứa trẻ luôn biết quan tâm và nương tựa vào nhau. Vì thế, cuộc sống trong cung đối với hai người họ cũng vui vẻ và dễ thở hơn rất nhiều. 

Chân dung nhị hoàng hậu Kỳ Lạc. (Ảnh: Baidu).
Chân dung nhị hoàng hậu Kỳ Lạc. (Ảnh: Baidu).  

Dần dần, Kỳ Lạc lớn lên trở thành một thiếu nữ xinh đẹp kiều diễm. Khi đó, con trai của vua Nguyên Văn Tông là Thỏa Hoan Thiệp Mộc Nhĩ một lần chơi đùa trong cung đã nhìn thấy Kỳ Lạc bèn đưa nàng về phủ. Không lâu sau, Thỏa Hoan lên ngôi lấy hiệu Nguyên Thuận Đế (1320-1370). 

Từ khi được hưởng ân sủng, Kỳ Lạc ngày càng được lòng Nguyên Thuận Đế, ân sủng của bà còn vượt hơn cả Hoàng hậu của Huệ Tông là Đáp Nạp Thất Lý. Điều này khiến Hoàng hậu ghen ghét mà căm giận Kỳ Lạc, thường xuyên ra lệnh đánh đập. Theo ghi chép thì Huệ Tông không có thái độ gì cả.

Năm Nguyên Thống thứ 3 (1335), huynh trưởng của Đáp Nạp Thất Lý nổi loạn mà bị giết chết, Hoàng hậu vì cứu anh trai mà bị Huệ Tông sai giam cầm ở nơi khác, cuối cùng Thừa tướng Bá Nhan hạ độc chết. Lúc này, Huệ Tông muốn lập Kỳ Lạc làm Chính cung Hoàng hậu, nhưng Thừa tướng Bá Nhan khuyên can nên không thành, Bá Nhan liền bị bãi nhiệm. Đến năm Chí Nguyên thứ 3 (1337), Huệ Tông lập Bá Nhan Hốt Đô làm Kế hậu. Tuy nhiên, Nguyên Thuận Đế vẫn luôn sủng ái bà nên sang năm thứ 6 (1340), Kỳ Lạc được lập làm Đệ nhị Hoàng hậu.

Mặc dù trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ, hưởng thụ mọi vinh hoa phú quý nhưng Kỳ Lạc vẫn luôn nhớ đến người bạn cũ là Phác Bất Hoa. Bà điều Phác Bất Hoa tới Hưng Thánh Cung của mình, phong làm Vinh Lộc Đại Phu kiêm Tư Chính Viện Sứ.

Tư Chính Viện là bộ phận chuyên quản lý tài chính trong nước dưới thời Nguyên. Được hoàng hậu ban cho cơ hội tốt, họ Phác không hề bỏ qua. Sự thông minh, nhanh nhạy và gian manh đã giúp thái giám họ Phác nhanh chóng sở hữu gia tài kếch xù, đồng thời chia chác tiền của cho Kỳ Hoàng hậu. Hành vi tham ô của Phác Bất Hoa vô cùng cẩn thận, khéo léo nên không bị triều đình phát hiện.

Ông ta thường mang lễ vật tặng giới quyền quý hoặc hoàng thân quốc thích, khiến mọi người đều tán thưởng. Vua Nguyên bấy giờ vô cùng tín nhiệm họ Phác, thường phái ông đi vi hành, cứu tế.

Phác họa chân dung thái giám ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. (Ảnh: Baidu).
Phác họa chân dung thái giám ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa. (Ảnh: Baidu).  

Khuynh đảo triều đại

Có Hoàng hậu nâng đỡ, hoạn quan người Cao Ly này chiếm được cả lòng tin của Hoàng đế, nhanh chóng bước vào con đường tắt để đi tới trung tâm quyền lực của Nguyên triều.

Sau khi con trai hoàng hậu Kỳ Lạc được phong Thái tử, họ Phác đặt hết kỳ vọng vương quyền vào đó. Bữa ăn giấc ngủ của Thái tử đều do đích thân ông ta chăm sóc. Thuận Đế vốn chán ghét chính sự, yêu thích hưởng lạc, Nguyên Thuận Đế giao hết quyền lực cho Thái tử. Vua còn phong cho Sóc Tư Giám, người được Phác Bất Hoa tiến cử, làm Tể tướng. 

Phác Bất Hoa càng được dịp can dự sâu vào chuyện triều chính, thậm chí trở nên chuyên quyền, độc đoán. Lúc bấy giờ, phàm là việc thăng quan, bãi chức của các quan lại lớn nhỏ, đều phải qua tay Phác Bất Hoa. Ngay tới các chế định của Nguyên triều cũng nằm trong quyền quyết định của thái giám ngoại quốc này.

Cũng bởi vây cánh của hoạn quan ỷ thế làm bậy, Nguyên triều lúc bấy giờ không có lấy một ngày yên ổn, triều chính rối ren, các thế lực phản loạn liên tục nổi dậy, bách tính lầm than...

Bởi sự lũng loạn của Phác Bất Hoa mà đã góp phần làm sụp đổ triều Nguyên.
 Bởi sự lũng loạn của Phác Bất Hoa mà đã góp phần làm sụp đổ triều Nguyên.

Sau khi Hậu vị của mình trở nên ổn định, Kỳ Lạc dần bộc lộ ra dã tâm thao túng triều chính của mình. Khi ấy Kỳ Hoàng hậu và con trai là Thái tử đã tính kế cướp ngai vàng, nên ra chỉ dụ cho Phác Bất Hoa lôi kéo Thừa tướng Thái Bình làm đồng minh, nhưng Thái Bình không đáp ngay mà im lặng. Sau đó, Kỳ hậu lại triệu Thái Bình vào cung, nâng rượu ban cho, lại tự mình dâng rượu trước mặt Thái Bình cầu thỉnh, rốt cuộc Thái Bình cũng chấp thuận, do vậy bà và Thái tử rất cảm kích. 

Sau đó Nguyên Thuận Đế nghe biết tâm kế của bà, ông bèn giận giữ mà xa lánh bà, hai tháng liền không triệu gặp. Khi ấy Phác Bất Hoa vì có Kỳ hậu nên mới được sủng ái, nay bị phe cánh đối lập kể tội, Kỳ hậu bèn dùng Ngự sử đại phu Phật Gia Nô khuyên can biện minh, sau Phật Gia Nô lại mưu tấu thêm tội trạng của Phác Bất Hoa, Kỳ hậu biết trước, bèn đày Phật Gia Nô đến Triều Hà.

Phác Bất Hoa, Sóc Tư Giám và nhị Hoàng hậu Kỳ Lạc đều ủng hộ Thái tử, bắt đầu lập mưu tạo phản. Nguyên Thuận Đế sau đó phát hiện ra âm mưu của họ, bèn lập tức tống họ vào đại lao. Nhân lúc thái tử xuất kinh, Bình La Mộc Nhĩ, một kẻ vốn ghen ghét Phác Bất Hoa và Sóc Tư Giám, đã tranh thủ giết chết hai kẻ này.

Bấy giờ, Chu Nguyên Chương đem quân tiến đánh kinh thành nhà Nguyên. Nguyên Thuận Đế thấy đại cục sắp mất, hối hận trách thái tử: “Giang sơn Đại Nguyên của ta đã mất trong tay mẹ con ngươi”. Tuy vậy, lòng vua cũng biết rằng, tất cả đều do mình gián tiếp giao hết quyền vào tay Phác Bất Hoa. 

Khi bị 25 vạn quân Bắc tiến tấn công vào kinh đô nhà Nguyên, Hoàng đế Nguyên Thuận Đế sai Khoách Khuếch Thiếp Mộc Nhi điều động binh lực nghênh chiến nhưng thất bại tan tác. Cùng đường, Nguyên Thuận Đế mang quần thần và gia quyến chạy khỏi Đại Đô đến Thượng Đô, Mông Cổ. Tại đây, ông lập ra nhà Bắc Nguyên và xưng Khả hãn.

Năm sau (1369), Kỳ Hoàng hậu qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi. Cũng trong năm đó quân Minh đánh đến Thượng Đô, Huệ Tông phải chạy lên Ứng Xương. Sau đó, Huệ Tông vì kiết lỵ mà qua đời, Thái tử Ái Du Thức Lý Đạt Lạp kế vị, tức Nguyên Chiêu Tông, truy thụy hiệu cho bà là Phổ Hiển Thục Thánh Hoàng hậu. 

Đọc thêm