Gặp lại “Kiện tướng bèo hoa dâu”
Đã 50 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của người dân Việt Nam, phong trào “Ba đảm đang” luôn là một mốc son trong lịch sử dân tộc nói chung và lịch sử phụ nữ Việt Nam nói riêng.
Theo tiếng gọi của phong trào “Ba đảm đang”, bà Nguyễn Thị Mười (sinh năm 1947, hiện ở xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) mặc dù được giữ lại trường sau khi tốt nghiệp Trung cấp Nông nghiệp, đã xung phong đi thực địa làm cán bộ hướng dẫn bà con về kĩ thuật cùng với chị em góp sức chi viện cho chiến trường miền Nam ruột thịt.
Năm 1965, bà Mười tham gia Hợp tác xã Đại Xuân, xã Ứng Hòe, huyện Ninh Giang, Hải Dương và được cử làm Đội trưởng Đội khoa học kỹ thuật. Với tinh thần “Một người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với khí thế sôi nổi của phong trào “Ba đảm đang”, cô gái trẻ Nguyễn Thị Mười khi đó luôn đi đầu và làm nòng cốt trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: nhân giống mới cho xã viên, hướng dẫn chị em cấy theo lối mới, kinh nghiệm gieo cấy lúa xuân…
Theo bà Nguyễn Thị Mười, trước đó nông dân thường có thói quen cấy úp tay, dùng cả lực cánh tay để cắm cây mạ sâu 5-7cm xuống ruộng khiến năng suất không cao. Khi áp dụng kỹ thuật mới, bà con cấy nông tay, đặt gốc mạ xuống ruộng từ 2-3cm thì cây mạ nhanh bén rễ, sớm đẻ nhánh. Theo kỹ thuật mới, bà con có thể cấy được 2-3 sào/người/ngày trong khi cấy úp tay bà con chỉ cấy được 1-2 sào/người/ngày, năng suất lao động cải thiện trông thấy.
Đầu năm 1970, bà Mười cùng với bà Lư, bà Ngoãn còn được cử vào vùng tuyến lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) hướng dẫn kỹ thuật cấy mới “chăng dây thẳng hàng, ngửa tay nông gốc, cấy nhiều khóm trên 1m2” cho 19 xã trong thời gian 3 tháng. “Chiến tranh bắn phá ác liệt nhưng chúng tôi không thấy sợ gì mà chỉ thấy say sưa lao động. Từ kiến thức của mình góp phần không nhỏ đưa năng suất thâm canh, góp phần nhỏ vào tự sản xuất, tự cung tự cấp cho nhân dân”, bà Mười kể lại.
Trước năm 1960, việc nhân ủ bèo hoa dâu đều phải mua giống ở Thái Bình, các hợp tác xã thường phải lặn lội đến đây để lấy bèo. Từ năm 1965, bà Mười đã có một quyết định hết sức táo bạo là ươm chính giống bèo hoa dâu của địa phương mình để tự cấp tự túc trong sản xuất. Bà Mười cùng với chị em trong Đội kỹ thuật đi khắp các cánh đồng không kể mưa nắng, sớm tối, cùng nhau đi thu gom từng cánh, rễ bèo hoa dâu ẩn dưới gốc rạ đem về thả nhân giống và chăm sóc.
Nhờ có kỹ thuật, kinh nghiệm chăm bón tốt, bèo hoa dâu của Hợp tác xã Đại Xuân trong thời gian ngắn đã phủ kín các cánh đồng trong xã, sau đó giống bèo được cung cấp cho các xã trong huyện, trong tỉnh. Nhờ thả bèo diệt được cỏ lại giữ xốp đất cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất lúa đã tăng từ 2 tấn sau đó lên 5 tấn, rồi 7,916 tấn/ha. Với sáng kiến nhân giống bèo hoa dâu, bà Mười đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn ngành Nông nghiệp giai đoạn 1967-1970 và được vinh danh là “Kiện tướng bèo hoa dâu”.
Hiện dù ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng bà Nguyễn Thị Mười vẫn nhiệt tình tham gia Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh, xuống tận cơ sở gây dựng phong trào, thành lập nhiều câu lạc bộ giúp các hội viên sống vui, sống khỏe, sống có ích. Bà cho biết, chính ngọn lửa “Ba đảm đang” đã tiếp thêm sức mạnh và động lực để bà sống khỏe, sống có ích như ngày hôm nay.
|
Phụ nữ hăng hái tham gia phong trào “Ba đảm đang”. (Ảnh tư liệu) |
Tháng 3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào Phụ nữ “Ba đảm nhiệm” với nội dung: Đảm nhiệm sản xuất, công tác, thay thế cho nam giới đi chiến đấu; Đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Sau này, phong trào “Ba đảm nhiệm” được Bác Hồ đổi tên thành “Ba đảm đang”.
Huyện Đan Phượng (Hà Tây cũ), được coi là quê hương của phong trào “Ba đảm đang”. Năm 1964, đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hầu hết thanh niên “Ba sẵn sàng” nô nức lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ở lại quê hương đa phần là phụ nữ.
Trong không khí sôi sục của cả nước, tháng 3/1965 Hội nghị Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đan Phượng đã gửi thư lên Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Đông lúc đó, hứa sẽ quyết tâm vận động phụ nữ huyện thực hiện tốt 3 nhiệm vụ:
Gánh vác thêm phần việc của chồng con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương để chồng con, anh em yên tâm lên đường chiến đấu; Khuyến khích chồng con, anh em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại chiến trường chiến đấu cho đến ngày không còn một tên lính Mỹ trên đất nước ta; Tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, sẵn sàng gia nhập quân đội, chiến đấu giết giặc khi Tổ quốc cần.
Từ đó, phụ nữ Đan Phượng được nhân dân cả nước biết đến với tên gọi “Quê hương người gái đảm” và trở thành nơi khởi nguồn của phong trào “Ba đảm đang”.
Bà Nguyễn Thị Quýnh, nguyên cán bộ Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng kể lại: “Thời chống Mỹ cứu nước, lúc phải huy động quân ra chiến trường để chiến đấu thì vợ bí thư, chủ tịch là hay cản trở chồng. Chúng tôi tiến hành họp hội nghị vợ bí thư, chủ tịch thì đi được 30 người. Từ đó, chúng tôi họp tiếp một hội nghị nữa, mời cả vợ bí thư, chủ tịch và chủ nhiệmlên họp để phát động phong trào “Ba sẵn sàng”. Sau hội nghị đó, đi kiểm tra các xã, những người dự kiến đi bộ đội thì vợ con vui vẻ. Chúng tôi làm tiếp hội nghị vào dịp mùng 8/3 phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”.
“Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ cứu nước”
Do đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, phong trào “Ba đảm đang” đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ nông thôn tới thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, trên mọi lĩnh vực hoạt động; biến tiềm năng cách mạng của phụ nữ thành hiện thực sinh động, thành nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Chỉ trong 3 tháng sau khi hoạt động, đã có 1,7 triệu chị em đăng ký Phụ nữ “Ba đảm đang”.
Trong sản xuất nông nghiệp, với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí”, chị em nữ nông dân “tay cày, tay súng” đã sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tham gia quản lý hợp tác xã, nhiều chị là chủ nhiệm giỏi.
Trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ... với khẩu hiệu thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với quyết tâm “tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng chục vạn nữ công nhân “tay búa, tay súng” đã sôi nổi tham gia phong trào thi đua “luyện tay nghề, thi thợ giỏi” nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; nhiều chị liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiều năm liền...
Thi đua với phụ nữ công nhân, nông dân trên mặt trận lao động sản xuất, chị em công tác trong các ngành y tế, giáo dục, thương nghiệp, văn hoá nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, công tác chính quyền, đoàn thể… luôn nêu cao tinh thần phục vụ, nhiều chị nêu gương sáng tận tuỵ hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ…
Với vai trò người vợ, người mẹ đảm đang chăm lo việc gia đình, chị em đã hết lòng chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ các con trưởng thành, tận tình chăm sóc cha mẹ già, giữ trọn đạo thuỷ chung. Giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được nhân lên gấp bội bởi ý thức giác ngộ cách mạng sâu sắc, đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ vững tay súng nơi chiến trường.
Tha thiết với hạnh phúc gia đình, nhưng để giành được độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, hàng triệu phụ nữ đã gác tình riêng vì nghĩa lớn. Các bà, các chị hiểu rằng nơi trận mạc lành ít, dữ nhiều, nhưng vẫn động viên, khuyến khích chồng, con, người thân lên đường ra trận. Nhiều người mẹ tiễn chồng, con rồi lại tiễn cháu tiếp bước cha ông lên đường đánh giặc.
Thi đua với phụ nữ miền Nam, hàng chục ngàn nữ thanh niên miền Bắc đã hăng hái gia nhập các đơn vị dân quân tự vệ trực tiếp cầm súng chiến đấu với tinh thần gan dạ thông minh, phối hợp cùng các đơn vị bộ đội, dân quân bắn rơi nhiều máy bay Mỹ.
Hàng chục ngàn nữ thanh niên tình nguyện tham gia bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các mặt trận, lập nên những chiến công vẻ vang. Hình ảnh chị em nữ thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến với tinh thần “Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm” ngày đêm bám trụ dưới bom rơi đạn nổ, sửa đường thông xe, hàng chục lần bị bom vùi, bị thương vẫn không rời vị trí, tình nguyện làm lễ truy điệu sống để đi phá bom nổ chậm, nhiều chị đã hy sinh oanh liệt giữa tuổi thanh xuân...
“Phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang” đã phát huy trí tuệ, tài năng phụ nữ, chị em không những bảo đảm là lực lượng to lớn giữ vững hậu phương ổn định để chồng con yên tâm đi chiến đấu mà còn là lực lượng cơ bản bảo đảm nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu tại tiền tuyến, đóng góp cho Tổ quốc bao kỳ tích” - bà Lê Chân Phương, nguyên Phó Bí thư Đảng đoàn, Ủy viên Thường trực Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam, người đề xuất và chỉ đạo phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang”.