Mới 27 tuổi nhưng Trần Thu Hằng có một quá khứ “bất hảo”. Tuổi thơ của Hằng không được học hành đến nơi, đến chốn và phải sớm bươn chải với cuộc sống. Hằng va chạm với nhiều thói xấu ngoài xã hội, nên biết hút thuốc và uống rượu như đàn ông.
Đánh cả cảnh sát
24 tuổi, Hằng đã sở hữu 4 tiền án, tiền sự. Ra tù không lâu, cô kiếm sống bằng nghề bán trà đá ở khu vực quận Tây Hồ. Năm 2013 và 2014, Hằng sinh lần lượt 2 đứa con với những người đàn ông khác nhau. Cô thường mang theo đứa nhỏ đi bán nước, còn đứa lớn để ông bà ngoại chăm sóc.
Sau những lần vào tù, Hằng không xa rời được men rượu và thường uống mỗi lúc thấy thèm. Sáng một ngày cuối tháng 12/2014, Hằng mang theo con ra quán nước ở đường An Dương (P.Yên Phụ, Q.Tây Hồ) uống rượu.
Ngồi nhâm nhi đến tận trưa, tới lúc say khướt, Hằng đã đập chai bia, cầm chiếc cổ chai nham nhở dọa những người xung quanh quán, khiến mọi người hoảng sợ. Cậu bé đi theo mẹ không ai trông coi, nên đi ra đường đúng lúc chiếc ô tô chạy tới. Rất may, người tài xế đã phanh gấp nên đứa bé thoát nạn. Tuy nhiên, Hằng lao ra, cầm cổ chai bia vỡ gây gổ với lái xe. Cô ta đập kính, đá vào ô tô khiến tài xế phải điện thoại cho lực lượng cảnh sát tới hiện trường giải quyết. Trong cơn say, Hằng giật cầu vai áo của một cảnh sát, nên bị đưa về trụ sở công an phường.
Thời điểm đó, Hằng đang nuôi hai con nhỏ nên được cơ quan chức năng “tha” về. Tuy nhiên, gần nửa năm sau, đầu tháng 6/2015, người đàn bà này lại tiếp tục Chống người thi hành công vụ và bị bắt. Hôm đó, Hằng xách đứa con thứ 2, quăng qua quăng lại và định ném xuống đường.
Hai nữ công nhân của xưởng đá thấy vậy đã giằng cậu bé, đưa vào xưởng, đồng thời điện thoại báo cảnh sát. Khi bị can thiệp, Hằng đòi lại con và đấm một cảnh sát. Với 2 lần tấn công người thi hành công vụ, tháng 8/2015, Hằng bị TAND Q.Tây Hồ tuyên phạt 30 tháng tù giam. Tuy nhiên, nêu lý do là mong được sớm về với các con, Hằng đã chống án xin giảm nhẹ hình phạt.
Vào tù mới thương con
Ra tòa lần 2, tại phiên phúc thẩm do TAND Hà Nội mở vào đầu tháng 11/2015, Hằng lặng thinh không trả lời được câu hỏi của chủ toạ phiên phúc thẩm về việc vì sao là một phụ nữ lại uống rượu rồi say. Phần đầu thẩm vấn, Hằng giữ bình tĩnh, nhưng khi đề cập đến 2 đứa nhỏ, bị cáo khóc nức nở. Người đàn bà này trình bày, lúc mới bị tạm giam, bọn trẻ còn được ông bà chăm sóc. Nhưng đến thời điểm hiện tại ông bà cháu đã mất, nên bị cáo không biết tình hình của các con ra sao.
Chủ tọa cho hay, với tội chống người thi hành công vụ, thì khó có thể được án treo, cấp sơ thẩm còn chưa xét đến tình tiết bị cáo phạm tội nhiều lần. Nghe vậy, Hằng vừa khóc vừa nói lớn: “Tôi không biết các con tôi ra sao nên kháng cáo. Chứ bây giờ chủ tọa nói vậy, tôi không cần giảm án nữa”.
Lúc này chủ tọa và lực lượng cảnh sát dẫn giải phải nhiều lần động viên bị cáo, khiến phòng xử trở nên nặng trĩu, chỉ có tiếng khóc của Hằng. Trấn tĩnh lại tinh thần, Hằng trình bày, vì bọn trẻ không có ai chăm sóc và không có hộ khẩu nên chắc chắn sẽ bị đưa vào trại trẻ mồ côi, nên đề nghị tòa xem xét, để cô ta được nuôi con trong trại giam.
Xét thấy tại phiên phúc thẩm không có tình tiết mới, nên tòa đã bác đơn kháng cáo, tuyên y án 30 tháng tù giam với Hằng tội chống người thi hành công vụ. Việc có cho con Hằng vào trại cùng mẹ hay không, sẽ được cơ quan chức năng tiếp tục xem xét.