Ba năm khiếu nại đòi 4 cái răng giả

(PLO) - Hơn 30 năm gánh chịu nỗi đau vì 15 cái răng bị giặc bắn rụng người cựu chiến binh còn gánh thêm sự ấm ức khi bị hỏi xoáy. Và đó cũng là lý do để ông đằng đẵng theo vụ kiện đòi tiếp 4 chiếc răng chưa được… đền bù.
Cựu chiến binh Tiến chỉ vết thương xuyên từ má trái sang má phải năm xưa.

Uất ức vì bị cán bộ “hỏi khó”

Theo trình bày của ông cựu chiến binh Trịnh Xuân Tiến (SN 1959, ngụ tại thôn 5, xã Ea Ral, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk). Năm 1977, ông nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Campuchia, giúp nước bạn chống lại chế độ diệt chủng Pôn-Pốt.
Ngày 18/1/1979, sau một trận đánh lớn, ông cõng đồng đội đã hy sinh trở về nơi quân ta tập kết thì bất ngờ bị giặc bắn xuyên từ gò má trái sang má phải, rụng tổng cộng 15 chiếc răng. Sau khi trúng đạn, ông nằm bất tỉnh 3 ngày, phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật mới giữ được tính mạng.
Năm 1984, ông ra quân và được xếp hạng thương binh loại 3/4 (loại A), tỉ lệ thương tật 45%. Đến năm 2010, ông Tiến đọc được Thông tư liên tịch số 17/2006 hướng dẫn chế độ chăm sóc sức khỏe đối với người có công với cách mạng, trong đó có quy định về chế độ cấp tiền mua phương tiện trợ giúp dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng. Bởi vậy, ông liền đi khám để xác nhận lại vết thương.
Khoa Răng – Hàm - Mặt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk đã khám và xác nhận ông Tiến bị mất 11 chiếc răng hàm trên, 4 chiếc răng hàm dưới. Khi lấy được kết quả, ông đem đến Sở LĐ-TB-XH tỉnh xin được hưởng chế độ cấy ghép răng như quy định.
Tuy nhiên, cán bộ tiếp dân “hỏi khó” ông rằng: “Sao ông mất nhiều răng thế? Có phải già nên rụng thêm không?”. Sau đó, vị cán bộ nhất quyết không cho ông được hưởng chế độ.
Quá bức xúc trước thái độ dửng dưng trên, ông liền viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình. Ngày 15/7/2011, Cục Người có công thuộc Bộ LĐ-TB-XH gửi công văn “đề nghị Sở LĐ-TB-XH tỉnh giới thiệu ông Tiến đến bệnh viện chuyên khoa Răng – Hàm - Mặt của bệnh viện cấp tỉnh trở lên để khám, kết luận rõ số răng đã mất do thương tật. Căn cứ vào kết luận của bệnh viện, Sở xem xét việc giải quyết chế độ cấp răng giả đối với ông Tiến.
Tới ngày 17/11/2011, ông Tiến được Sở giới thiệu đến bệnh viện tỉnh lắp 11 chiếc răng giả ở hàm trên. Nhận thấy quyền lợi của mình chưa được giải quyết thỏa đáng, suốt 3 năm qua, ông Tiến tiếp tục gửi đơn khiếu nại đòi 4 chiếc răng còn lại.
Ngày 28/10/2014, Sở gửi công văn trả lời ông Tiến rằng: “Trong giấy chứng nhận bị thương ghi “bị thương từ gò má trái sang gò má phải, làm gãy xương hàm trên không nhai được”…Căn cứ vào hồ sơ thương binh, Sở LĐ-TB-XH đã giải quyết kinh phí trồng 11 răng hàm trên là đúng quy định”.
“Tuổi thanh xuân không tiếc, “ăn gian” làm gì bốn cái răng?”
Không đồng ý với văn bản trả lời của Sở, ông Tiến tiếp tục viết đơn khiếu nại. Trong buổi trò chuyện với PLVN, người cựu chiến binh không giấu được sự bất bình: “Tôi chỉ yêu cầu được giải quyết thỏa đáng những quyền lợi mà chúng tôi được hưởng. Tuy nhiên, các cán bộ tiếp tôi, người thì nói tại tôi già nên rụng răng, người thì nói bị bắn ở hàm trên, sao lại rụng cả răng hàm dưới.
Họ không hề biết đạn thường đi xoáy, khi trúng đạn ở xa, vết thương sẽ nặng hơn ở cự ly gần. Hôm đó, tôi bị bắn ở cự ly rất gần, rụng thêm 4 cái răng ở hàm dưới là còn ít. Nếu bị bắn ở cự ly xa, có lẽ tôi đã chết ở chiến trường rồi”.
“Nếu tôi già cả, răng sâu, rụng, tôi chẳng mất công đi đòi làm gì. Tuổi thanh xuân không tiếc, “ăn gian” làm gì bốn cái răng? Chỉ vì quyền lợi của mình mà không được giải quyết thỏa đáng nên tôi thấy ấm ức trong lòng”. – ông tâm sự.
Cũng theo người cựu binh, sau khi bị thương, sức khỏe ông yếu hẳn. Đặc biệt, việc mất tới 15 chiếc răng khiến ông “dở khóc dở cười” khi nói chuyện và ăn uống. Hơn 30 năm trời, ông phải móm mém nhai cơm, thều thào nói chuyện với người khác.
Ông kể: “Tôi quê gốc ở Thanh Hóa. Khi vào Đắk Lắk lập nghiệp, tôi chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng. Mất quá nhiều răng, tôi nói chẳng rõ, nhiều người chọc tôi là ông móm. Đôi khi cũng buồn, muốn vay mượn tiền đi lắp răng giả nhưng nghĩ đến 6 đứa con tôi lại thôi.
Khi nghe nhà nước có chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng, tôi mừng lắm. Nào ngờ, xin hoài, đòi hoài mà vẫn chưa được giải quyết trọn vẹn. Mỗi cái răng giả bây giờ giá tầm 1 triệu/ chiếc. Cái giá đó không cao với nhiều người. Tuy nhiên, với gia đình tôi đó là con số quá lớn”.
Chia tay người cựu binh, chúng tôi cứ áy náy câu hỏi, không hiểu tại sao cơ quan chức năng lại không giải quyết sự việc thấu đáo với một người đã từng vào sinh ra tử vì đất nước, đã được nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy chương, công nhận là người có công với cách mạng như ông Tiến./.

Đọc thêm