Bác đơn khởi kiện vụ kinh doanh thương mại tại Hà Nam

(PLO) - Mới đây, TAND tỉnh Hà Nam đã mở phiên tòa  phúc thẩm xét xử vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại và tuyên bác yêu cầu  khởi kiện của  Cty cổ phần Phát triển Hà Nam (Lô D, khu công nghiệp Đồng Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đối với bị đơn là ông Phạm Văn Giang (trú tại xóm 6, thôn Đồng Lư, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Bác đơn khởi kiện vụ kinh doanh thương mại tại Hà Nam

Nhiều bất minh

Theo hồ sơ vụ kiện, ngày 20/12/2006 Cty cổ phần Phát triển Hà Nam (Cty Hà Nam) cùng ông Phạm Văn Giang ký Hợp đồng góp vốn số 25/HĐGV. Theo đó, Cty Hà Nam đồng ý cho ông Giang góp 

vốn cùng đầu tư xây dựng hạ tầng 69 lô đất tại lô KD 09, KD12, KD 13, KD 14, lô NV 15 và lô NV 17 thuộc Dự án khu nhà ở phục vụ khu công nghiệp Đồng Văn II (thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên). Ông Giang phải góp 7 tỷ 720 triệu đồng làm 3 lần trong vòng 18 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Ông Giang có quyền kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn góp. Khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng dự án, Cty Hà Nam sẽ làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng các lô đất trên cho ông Giang. 

Đến ngày 6/4/2007, ông Giang góp hơn 2,3 tỷ đồng (lần một tương đương 30% giá trị của hợp đồng), nhưng qua theo dõi việc sử dụng vốn góp, ông Giang phát hiện Cty Hà Nam không xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại dự án nên tạm dừng góp vốn. 

Sau đó, Cty Hà Nam đã khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì cho rằng bản chất là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất chứ không phải hợp đồng góp vốn?

Ngày 29/9/2015, TAND huyện Duy Tiên đưa vụ án kinh doanh thương mại ra xét xử và tuyên hợp đồng vô hiệu như yêu cầu của Cty Hà Nam. Cty Hà Nam thanh toán trả lại ông Giang hơn 7,5 tỷ đồng.

Ông Giang kháng cáo cho rằng Tòa cấp sơ thẩm thiếu khách quan, vi phạm tố tụng và áp dụng sai quy định của pháp luật. Tiếp đó, VKSND tỉnh Hà Nam cũng kháng nghị đề nghị TAND tỉnh Hà Nam bác yêu cầu khởi kiện của Cty Hà Nam, tuyên bố hợp đồng góp vốn có hiệu lực pháp luật, các bên đương sự nghiêm túc thực hiện các điều khoản của hợp đồng. Cơ quan này chỉ ra hàng loạt vi phạm của cấp sơ thẩm như: vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dân sự, vi phạm điều cấm của pháp luật…

Hợp đồng góp vốn số 25/HĐGV quy định rất rõ đối tượng, mục đích góp vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng 69 lô đất; đồng thời quy định tiến độ, thời hạn góp vốn, quyền và nghĩa vụ các bên… Hơn nữa, ông Giang đã góp lần 1 số tiền trị giá 30% hợp đồng, chưa được hưởng quyền lợi gì…Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố hợp đồng vô hiệu, yêu cầu các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là không chính xác, xâm phạm đến quyền và lợi ích của bên góp vốn.

Phán quyết công minh của cấp phúc thẩm

Ngày 8/3,vụ án được đưa ra xét xử phúc thẩm. HĐXX nhận định Hợp đồng góp vốn số 25/HĐGV giữa Cty Hà Nam và ông Giang về hình thức và nội dung phù hợp với quy định tại Điều 401, Điều 402 Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Do đó, thỏa thuận góp vốn với nguyên đơn và bị đơn theo hợp đồng góp vốn không vi phạm điều cấm của bất kỳ quy định của pháp luật nào về hoạt động huy động vốn…

HĐXX phúc thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của Cty Hà Nam, công nhận Hợp đồng góp vốn số 25/HĐGV ngày 20/12/2006 có hiệu lực, buộc các bên nghiêm túc thực hiện.

Luật sư Nguyễn Văn Học và Luật sư Vũ Huyền Ngọc (Công ty Luật hợp danh Anh Vũ - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Phạm Văn Giang bày tỏ quan điểm:

“Bản án sơ thẩm của TAND huyện Duy Tiên nhận định: “Việc bàn giao 69 lô đất giữa Cty Hà Nam cho ông Phạm Văn Giang thực chất là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất” và tuyên hợp đồng góp vốn vô hiệu hoàn toàn trên cơ sở suy diễn chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở thực tiễn và pháp lý, bởi ngày 20/12/2006, ông Phạm Văn Giang và Cty Hà Nam ký kết Hợp đồng góp vốn và ngày 21/12/2006 Cty Hà Nam và ông Phạm Văn Giang đã ký “Biên bản bàn giao mặt bằng”, trong khi tại thời điểm ký “Biên bản bàn giao mặt bằng”, ông Phạm Văn Giang chưa góp cho Cty Hà Nam một đồng nào.

Vậy, Cty Hà Nam bán đất cho ông Phạm Văn Giang trên cơ sở gì? Chẳng lẽ ông Phạm Văn Giang chỉ cần ký vào một tờ giấy có tên là “Hợp đồng góp vốn” là được bàn giao và sở hữu ngay 69 lô đất thuộc dự án của Cty Hà Nam?! Điều này có thể xảy ra trên thực tế của quan hệ hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không?!

Đọc thêm