Bác sỹ gia đình có giảm tải được áp lực cho ngành Y?

(PLO) - Chủ trương đưa mô hình Bác sỹ gia đình (BSGĐ) vào áp dụng trong thực tế, đặc biệt là việc Bộ Y tế dự kiến sẽ đưa bảo hiểm y tế (BHYT) vào thanh toán trong hệ thống phòng khám BSGĐ, kể cả các phòng khám BSGĐ tư nhân. TS Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, trao đổi những vấn đề liên quan.
- BSGĐ là một chủ trương, chính sách rất hay, ông có thể nói rõ hơn về ý nghĩa của Đề án này?
- Xuất phát từ thực tế quá tải tại các bệnh viện công, đặc biệt là bệnh viện  tuyến Trung ương (TƯ) và một số tỉnh, thành phố lớn; năng lực khám chữa bệnh ở tuyến quận, huyện, xã còn nhiều hạn chế thì giải pháp mang tính chiến lược, lâu dài và bền vững chính là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế. 
Mô hình này đã được thực hiện ở rất nhiều nước trên thế giới. Đây chính là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ở tuyến cơ sở. Theo đó, mỗi  bác sĩ (BS) sẽ phụ trách khoảng 100 hộ gia đình. 
Mỗi khi có vấn đề về sức khỏe, các gia đình này sẽ gọi BS đến khám và điều trị các bệnh thông thường, hoặc tư vấn cách bảo vệ sức khỏe; đặc biệt giúp họ khám và phát hiện sớm bệnh. Việc khám sức khỏe cũng sẽ được các BSGĐ thực hiện theo định kỳ, nếu phát hiện bệnh nặng, BSGĐ sẽ chuyển họ lên tuyến trên giải quyết. 
Nhờ vậy, các bệnh thông thường sẽ được xử lý ngay ở tuyến cơ sở, tránh tình trạng quá tải cho tuyến trên, người dân cũng sẽ đỡ tốn kém hơn khi phải đi xa khám chữa bệnh . Tóm lại, có thể nói BSGĐ chính là “màng lọc phân loại bệnh hiểm nghèo ở các địa phương”.
- Tuy có rất nhiều ưu điểm, nhưng để triển khai có hiệu quả Đề án này là cả một vấn đề?
 - Đúng vậy, mô hình BSGĐ nếu được triển khai rộng rãi sẽ là mô hình đầu tiên triển khai tại Việt Nam, mà lại phù hợp với hệ thống y tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ không tránh khỏi những khó khăn và thách thức. 
Thứ nhất, hiện nay chuyên khoa về BSGĐ chưa được đào tạo trong hệ thống đào tạo của nước ta. Ngoài một số trường vừa tiến hành đào tạo chuyên khoa BSGĐ, chúng ta vẫn chỉ đào tạo đại trà BS đa khoa, BS chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt, Sản khoa…. 
Thứ hai, BSGĐ phải gắn với y tế cơ sở, trong khi trạm y tế các địa phương lại không đáp ứng được các điều kiện của mô hình này. Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực. Để có đội ngũ BSGĐ đủ điều kiện trải dài tất cả các cơ sở y tế đã là một vấn đề rất nan giải, chưa kể các điều kiện khác (trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất…). 
- Trong Dự thảo Thông tư quy định về BSGĐ, Bộ Y tế dự kiến sẽ đưa BHYT vào thanh toán trong hệ thống phòng khám BSGĐ, kể cả các phòng khám BSGĐ tư nhân. Trước thực tế khâu quản lý và thanh toán BHYT của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập như hiện nay, để triển khai có hiệu quả Đề án này, cần phải có những giải pháp như thế nào, thưa ông?
- Để thực hiện BHYT toàn dân, hiện nay một số trạm y tế đã triển khai việc khám chữa bệnh  BHYT. Còn việc đưa phòng khám BSGĐ tư nhân vào diện được thanh toán BHYT là một vấn đề vô cùng khó khăn. Nhưng nếu được triển khai, nó sẽ là nguồn chi trả mang tính chất đón đầu, góp phần giảm chi phí BHYT cho tuyến trên. 
Tuy nhiên, thách thức hiện nay là làm thế nào để có một cơ chế giải quyết. Để triển khai tốt Đề án này, theo tôi, phải có một cơ chế tài chính BHYT đảm bảo. Chính vì vậy, Bộ Y tế đã tiến hành sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ BSGĐ. Ngoài ra, cơ chế tài chính cũng phải được minh bạch hóa, cụ thể hóa theo hướng BHYT sẽ chi trả cho cả hệ thống BSGĐ. 
Mặt khác, công tác công nghệ thông tin hóa ngành Y tế cũng phải bổ sung thêm mô hình BSGĐ. Cùng với đó, cơ chế giám sát, thanh kiểm tra, chế độ thông tin báo cáo… cũng phải được đặt ra và hoàn thiện. Đặc biệt, mối quan hệ giữa BSGĐ và các trạm y tế xã, phường với nhau và với tuyến trên cũng phải được thiết lập. Đây là vấn đề Bộ Y tế đang quan tâm giải quyết.
- Xin cám ơn TS về cuộc trao đổi!
Bác sỹ Bùi Đức Hồng, Phòng khám Đa khoa Hồng Hà, Hà Nội: 
"Rất gay go nếu quản lý không chặt"
Cái lợi của mô hình BSGĐ thì ai cũng đã biết, vấn đề đáng quan tâm ở đây là việc đưa hệ thống BSGĐ vào diện thanh toán BHYT. Việc làm này chắc chắn sẽ có lợi cho người dân, nhưng với điều kiện chúng ta làm tốt. Ngược lại, nếu không quản lý được thì lại rất gay go. Thực tế, chúng ta đã thấy những hạn chế trong khâu quản lý Quỹ BHYT đã dẫn đến việc không ít cán bộ y tế, nhân viên BHYT câu kết với nhau lạm dụng xét nghiệm, “nhân bản” xét nghiệm, lạm dụng thuốc… Bởi vậy, để triển khai tốt lĩnh vực này, cần có một cơ chế cụ thể, rõ ràng và rất chặt chẽ.   

Đọc thêm