Hải Dương: Doanh nghiệp bị “tố” gây ô nhiễm môi trường

(PLO) - Báo Pháp Luật Việt Nam liên tục nhận được đơn thư phản ánh của người dân thôn Trung Trấu, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương về việc Công ty TNHH Long Hải (đóng tại Cụm công nghiệp 1, chuyên sản xuất thạch rau câu) xả nước thải bốc mùi khó chịu và làm giảm chất lượng hoa màu khu vực xung quanh.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Thiệt hại hoa màu
Ông Hồ Văn Thịnh, Trưởng thôn Trung Trấu cho biết, trước đây, Công ty TNHH Long Hải (Cty Long Hải) xả nước thải trực tiếp ra môi trường qua con mương dẫn nước tưới tiêu cho cánh đồng nằm phía sau doanh nghiệp (DN). “Nước thải của Cty này hôi thối, đen ngòm. Không biết có chất gì mà khi tưới cho hoa màu thì cây nào không chết cũng héo úa, xác xơ”, ông Thịnh rầu rĩ nói.
Còn bà Nhâm (đội 3, thôn Trung Trấu) cho biết, gia đình bà có gần bốn sào ruộng chuyên trồng đào và hoa màu, mỗi năm cho thu nhập khoảng vài chục triệu đồng. Từ ngày Cty Long Hải về đặt cơ sở sản xuất ở đây rồi xả thải ra cánh đồng thì mức thu nhập đã giảm đi một nửa bởi cây trồng phát triển què quặt do nước tưới từ con mương này. Có lần bà con còn phát hiện ở mương nước có nhiều thạch dừa của Cty bỏ đi trôi nổi lềnh bềnh, bốc mùi thối nồng nặc, tắc cả dòng chảy. 

Để giải quyết các kiến nghị của bà con, cách đây khoảng 6 tháng, Cty Long Hải đã cho xây dựng một đường mương riêng để xả thải. Nhưng dù đã xây đường mương riêng thì theo phản ánh của người dân, Cty Long Hải vẫn xả nước thải “trộm” vào ban đêm, rạng sáng hoặc những hôm trời mưa to. 

“Cứ vài ngày, phía Cty lại xả thải “trộm”, mỗi lần từ 5 đến 6 tiếng.  Hôm sau, chúng tôi đi làm đồng ngửi thấy mùi tanh, hôi thối. Do không bắt được “quả tang” nên chúng tôi đành chịu. Không chỉ Cty Long Hải mà nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn xã Gia Xuyên và phường Thạch Khôi kế cạnh đều xả thải ô nhiễm đến những dòng mương, sông trong vùng”- một người dân cho biết.

Bức xúc trước tình trạng trên, bà con xã Gia Xuyên đã nhiều lần có đơn thư kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết nhưng sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Hồ sơ về môi trường chưa được phê duyệt!
Để xác minh về phản ánh trên của người dân, phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam đã làm việc với ông Nguyễn Văn Thuần, Trưởng phòng Kỹ thuật Cty Long Hải và được ông này cho biết, doanh nghiệp áp dụng công nghệ hóa lý vi sinh (công nghệ tiên tiến nhất trong ngành thực phẩm hiện nay) để xử lý nước thải và không sử dụng bất kỳ hóa chất nào!
Trước phản ánh về việc nước xả thải có mùi khó chịu, ông Thuần cho biết: “Trước đây, cả người dân và nhiều doanh nghiệp tại khu vực này đều xả chung một mương nước. Khi mương bị ô nhiễm, họ “đổ” luôn cho Cty Long Hải vì là doanh nghiệp lớn nhất ở đây. Để “minh oan”, chúng tôi đã cho xây dựng một mương nước riêng và được UBND TP cho phép xả thải ra kênh Thạch Khôi”.

Theo biên bản kiểm tra việc thực hiện những quy định pháp luật trong việc xả nước thải vào công trình thủy lợi của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương (do Đoàn kiểm tra theo Quyết định 1353/QĐ-NN của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương lập) thì Cty Long Hải đã thực hiện đúng các quy định bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc giám sát chất lượng nước thải chưa đầy đủ thông số theo Giấy phép đã được cấp. 

Cụ thể, theo Giấy phép số 779/GP-UBND ngày 16/4/2013 của UBND tỉnh Hải Dương cho phép Cty Long Hải xả nước thải vào hệ thống công trình thủy lợi (kênh Thạch Khôi - PV) với yêu cầu chấp hành lưu lượng, chất lượng và thời gian cho phép. Giới hạn thông số, nồng độ chất ô nhiễm được phép xả thải được quy định theo 40 thông số cụ thể. Trên thực tế, Cty chỉ tiến hành đánh giá 14  đến 15 thông số qua các lần quan trắc.

Cty Long Hải sản xuất và chế biến thạch rau câu, nước rau câu với công suất 5.200 tấn sản phẩm/năm. Hiện Cty đang mở rộng thêm nhà máy sản xuất với công suất dự kiến tăng 1.000 tấn sản phẩm/năm, đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 300m3/ngày đêm. 

Theo quan sát của phóng viên, hệ thống xử lý nước thải này đã đi vào hoạt động. Nhưng theo một chuyên gia về môi trường thì hệ thống xử lý nước thải trên chỉ được vận hành sau khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường). 

Liên quan đến thủ tục pháp lý trên, ông Nguyễn Văn Đức – Trưởng phòng Hành chính quản trị Cty Long Hải cho biết, Cty đã lập và gửi ĐTM tới Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương) để phê duyệt. 
Nhưng khi được hỏi về thời hạn hoàn thiện phê duyệt ĐTM để bổ sung đầy đủ thủ tục pháp lý, ông Đức cho biết: “Chúng tôi không cần hỏi việc này, bao giờ cơ quan chức năng gửi xuống là xong”.
Vì sao Cty Long Hải mặc dù đến nay chưa được cấp Giấy xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn mở rộng nhà máy nhưng vẫn tiến hành hoạt động hệ thống xử lý nước thải mới? Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong thời gian tới./.

Đọc thêm