Liên tiếp cháy tàu đi biển thiệt hại hàng tỷ đồng: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng“

(PLO) -Mặc dù nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất lớn nhưng vẫn còn nhiều ngư dân chủ quan, lơ là trong việc trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng chống cháy nổ trên tàu thuyền. Vụ cháy 5 tàu cá tại tỉnh Quảng Ngãi chỉ trong 2 ngày một lần nữa khiến nhiều người giật mình về lỗ hổng này và hậu quả nặng nề do cháy nổ gây ra đối với ngư dân.
Chỉ trong nháy mắt, tất cả cơ sản của 4 ngư dân xã Phổ Quang đã tiêu tan
Chỉ trong nháy mắt, tất cả cơ sản của 4 ngư dân xã Phổ Quang đã tiêu tan

Thiệt hại hàng chục tỷ đồng

Nhiều ngư dân tại xã Phổ Quang (huyện Đức Phổ) như đang ngồi trên đống lửa vì không biết bám víu vào đâu để ra khơi kiếm tiền trả nợ khi những con tàu tiền tỷ đã cháy thành tro. 

Theo đó, rạng sáng ngày 31/12/2017, tại một cơ sở sửa chữa tàu thuyền ở xã Phổ Quang xảy ra cháy lớn làm 3 tàu cá cháy rụi, 1 tàu bị hư hỏng nặng. 

Ngồi buồn rầu, ngư dân Võ Xuân Trọng cho biết, đây là lần đầu tiên anh có ý định sửa tàu có công suất lớn để đi biển dài ngày ở Hoàng Sa. Không ngờ tất cả đã tan biến thành mây khói chỉ trong nháy mắt. 

7 năm trước, gia đình anh vay mượn tiền của bà con và ngân hàng gần 500 triệu đồng để mua một chiếc tàu công suất 400CV cùng ngư lưới cụ để hành nghề đánh bắt gần bờ. Đầu năm ngoái, vợ chồng anh đã thế chấp giấy tờ nhà, mượn một sổ đỏ của người anh để vay ngân hàng hơn 350 triệu đồng sửa chữa tàu và mua thêm dụng cụ đánh bắt.

Cuối năm vừa rồi, vợ chồng anh Trọng vay mượn được gần 120 triệu đồng sửa tàu để đi chuyến đầu những ngày cuối năm với mong có tiền trang trải nợ nần và kiếm chút tiền tiêu tết. Không may xảy ra sự cố, mất cần câu cơm, không những vợ chồng anh mà 10 bạn thuyền cũng đang chịu cảnh đứng ngồi không yên khi Tết đang cận kề.

Trong khi đó, ngư dân Lê Hồng Hải như người mất hồn khi kể lại sự việc cháy tàu. Khi nghe bà con hô hoán, gia đình anh cũng có mặt để dập lửa cứu tàu nhưng không cứu được. Ngọn lửa cháy nhanh rồi lan ra 3 tàu bên cạnh.

“Mất mát quá lớn. Đây là chuyện không ai muốn cả. Cháy tàu của mình đã đành rồi, còn lan ra 3 tàu khác nữa gây thiệt hại toàn tiền tỷ nên giờ không biết phải làm sao. Cháy thì cũng cháy rồi, giờ mấy chủ tàu kia có kiện gì thì kiện chứ biết làm sao. Mình lo sửa tàu sớm được ngày nào hay ngày đó để ra khơi kiếm tiền trả nợ, riêng tàu tôi đã cháy mất hơn 1,1 tỷ đồng”, anh Hải nói như khóc.

Một ngày sau đó, con tàu mang số hiệu QNg 95409TS của ngư dân Nguyễn Thùy (xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) cũng bốc cháy cuốn theo toàn bộ tài sản trên tàu trị giá hơn 3 tỷ đồng. Dù đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi xảy ra vụ việc, anh Thùy vẫn chưa hết bần thần. Anh bảo, tàu cháy không những khiến gia đình anh rơi vào cảnh trắng tay mà còn phải đối diện với số nợ quá lớn, không có cách nào giải quyết được.

Ông Võ Xuân Cẩm - Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang, cho biết: “Ngư dân chỉ biết bám vào tàu cá mà sống, tàu cháy là coi như hết. Chính vì thế, ngay sau vụ việc xảy ra, Nghiệp đoàn nghề cá xã Phổ Quang cùng với chính quyền địa phương đã đến động viên, chia sẻ với gia đình các ngư dân”.

Cơ sản đã hóa thành than sau trong hỏa hoạn của ngư dân Trọng
Cơ sản đã hóa thành than sau trong hỏa hoạn của ngư dân Trọng

Quy định pháp luật còn bất cập

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy tàu là do trên tàu chứa nhiều chất dễ cháy như can nhựa, gỗ, mút xốp, dầu, khí gas hoặc do sự cố thiết bị điện... cộng với sự chủ quan, mất cảnh giác, không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC của con người. Bên cạnh đó, quy định của pháp luật trong công tác PCCC đối với tàu cá còn nhiều sơ hở, bất cập.

Thượng tá Võ Việt Dũng - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: “Qua công tác khám nghiệm hiện trường các vụ cháy tàu cá trên địa bàn tỉnh cho thấy, sự cố về điện là nguyên nhân chính gây cháy tàu. Thực tế, bà con ngư dân thường chủ quan trong việc lắp đặt và sử dụng điện, nên nguy cơ cháy nổ tàu cá là rất lớn”.

Thiệt hại do cháy tàu cá gây ra là rất lớn, nhưng những quy định của pháp luật về công tác PCCC cho loại tàu này chưa được chặt chẽ. Qua rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thì chưa có văn bản nào quy định về công tác quản lý về PCCC đối với các loại tàu khai thác cá. Vì không có chế tài để xử lý, nên Cảnh sát PCCC tỉnh chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn kỹ năng, kiến thức về PCCC trên tàu cá cho ngư dân là chủ yếu.

Thiết nghĩ, để phòng chống cháy nổ trên tàu, trước hết ngư dân cần tự nâng cao ý thức phòng ngừa bằng cách trang bị đầy đủ kiến thức PCCC cho người lao động và thiết bị PCCC trên tàu, thường xuyên kiểm tra, phát hiện những hư hỏng để kịp thời khắc phục. Ðồng thời, các địa phương ven biển cần tổ chức rà soát, đánh giá các điều kiện an toàn về PCCC đối với tàu thuyền.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 5.500 tàu cá, hầu hết thân tàu được làm bằng gỗ. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên tổ chức tuyên truyền PCCC, vận động các chủ tàu, người điều khiển tàu, người phục vụ trên tàu thủy tham gia huấn luyện PCCC; vận động chủ tàu trang bị phương tiện chữa cháy cho tàu. Cảnh sát PCCC tỉnh cũng đã cấp phát 10.000 khuyến cáo, 3.000 sổ tay PCCC cho chủ tàu khai thác cá và ngư dân; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC đối với các loại tàu, tại cảng cá Sa Huỳnh, Sa Kỳ và vũng neo trú tàu thuyền Mỹ Á, Tịnh Hòa.

Đọc thêm