Băn khoăn chọn “cửa” đầu tư

Giao dịch chứng khoán ngày đã xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua; thị trường bất động sản tranh thủ xả hàng; vàng, USD ngóng chờ chính sách... Thời điểm hiện tại, bức tranh tiền tệ đang diễn biến thế nào, dòng tiền đang chảy vào đâu?.

Giao dịch chứng khoán ngày đã xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua; thị trường bất động sản tranh thủ xả hàng; vàng, USD ngóng chờ chính sách... Thời điểm hiện tại, bức tranh tiền tệ đang diễn biến thế nào, dòng tiền đang chảy vào đâu?

Tiền chưa thành...  dòng

Ngày 13/4, quyết định tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 2% và áp trần lãi suất huy động USD ở mức 3% của NHNN chính thức có hiệu lực. Đồng loạt  các ngân hàng thương mại hạ lãi suất USD. Theo dự báo chung, dưới tác động kép này, tiền gửi VND từ hệ thống dân cư vào ngân hàng sẽ  tăng từ 9 – 10%. 

Tuy nhiên, trao đổi với PLVN, Phó tổng giám đốc một lãnh đạo của ngân hàng TMCP lớn cho hay: khó kỳ vọng tình hình sẽ vụt sáng ngay. Theo ông, hiện điểm “vướng” lớn nhất chính là  rào cản lãi suất VND ở mức 14%/năm.

“Tiền đồng hiện vẫn khó vào mà dù có vào ngân hàng thì theo ông này, cũng chỉ một lượng hữu hạn vì phần lớn tiền của dân vẫn  đang “đọng” trong vàng và USD, thậm chí có thể để cất giữ ngay tại nhà họ. Ngay cả với ngoại tệ kiều hối gửi về dân cũng không bán ngay. Thời gian vừa rồi. do có sóng bất động sản, nên nhiều người vẫn tranh thủ mua lướt sóng kiếm lời”, ông này nói.

 Theo nhiều ngân hàng thương mại, hiện lượng tiền đang không đủ mạnh ở tất cả các lĩnh vực. Trước việc chính sách tín dụng đang thắt chặt, cách tốt nhất là doanh nghiệp cần sử dụng tiền đang có sao cho  hiệu quả theo hướng hạn chế vay nợ, quay vòng tiền trong tài khoản một cách tối đa.

Phó giám đốc Cty chứng khoán Tràng An Nguyễn Trí Dũng cũng nói, quan sát những ngày này  thấy dòng tiền vào chứng khoán không nhiều. “Thanh khoản cả hai thị trường Hose và HNX đều ở mức rất khiêm tốn.

Giá trị giao dịch ở mức thấp, ngay cả các nhà đầu tư ngoại cũng e dè. Nhiều nhà đầu tư đã “cháy túi, cạn tiền”, chỉ còn một số ít rủng rỉnh chờ. Hiện dòng tiền vào thị trường vẫn khá yếu”- ông Dũng cho biết.

Còn tại bất động sản, ghi nhận trên thị trường cho thấy những ngày qua, một loạt các dự án đang chạy nước rút khâu huy động vốn. Dù luật bất động sản đã cấm doanh nghiệp được huy động vốn nhất là với dự án nhà chung cư khi chưa xong phần móng, hầm nhưng trên thực tế một loạt các dự án đang “lách” dưới hình thức hợp đồng góp vốn. Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản thừa nhận đang rất khó khăn khi “cung” tiền từ phía ngân hàng bị siết. Theo ông, chỉ có cách đẩy nhanh tiến độ để bán hàng, huy động vốn trong dân.

Nhìn nhận từ các chuyên gia,  dòng tiền đang chảy vào đâu. PGS- TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ, thận trọng: “Bản thân tiền lúc này không đủ mạnh để chảy thành dòng. Tôi đã quan sát và thấy không có luồng vốn mới nào. Chúng ta thắt chặt đầu tư công, như vậy sẽ hạn chế danh mục thanh toán (vốn có tiền chạy đi chạy lại trong tài khoản các doanh nghiệp). Hiện tượng đầu cơ trên thị trường hiện không nhiều, nhất là với vàng và ngoại tệ”, ông Ngân khẳng định.
 
Có tiền nên làm gì?

Phân tích của ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI), “lãi suất tiền gửi USD quá cao thời gian qua đã tạo chỗ trũng cho việc đầu tư, đầu cơ găm giữ USD từ khu vực dân cư và doanh nghiệp và từ đó làm căng thẳng nguồn cung ngoại tệ cho khu vực sản xuất kinh doanh”. Theo ông Hải, thời gian tới, nhiều khả năng người gửi tiền sẽ không mua USD nữa mà lựa chọn gửi VND. “Hiệu ứng của chính sách là làm cho VND có giá trị hơn, từ đó có cơ sở để từng bước hạ lãi suất huy động VND và góp phần giảm lạm phát”, ông Hải nhận xét.

Tỷ giá ổn định, thị trường ngoại tệ hạ nhiệt là điều tốt cho các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. Ông Nguyễn Trí Dũng lại đánh giá, thị trường chứng khoán sẽ khó khăn đến hết quý II vào bắt đầu giai đoạn tích luỹ trong quý 3.

“Rất nhiều  cổ phiếu xuống dưới mệnh giá mặc cho doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt, chỉ riêng phần thặng dư cũng đủ để chia. Nếu có tiền, có thể mua dần những cổ phiếu tốt từ bây giờ”- ông Dũng khuyên. Tuy nhiên, từ góc độ kinh tế, ông Dũng cũng thừa nhận, “câu chuyện tỷ giá không còn là mối quan tâm của chứng khoán  mà hướng sang vấn đề lạm phát và lãi suất. Kiểm soát giá cả, điều hành linh hoạt cung tiền sẽ đem lại hiệu ứng tốt thời gian tới”.

“Nhiều người dân đang kỳ vọng thị trường bất động sản  nhiều cung hàng và giảm giá. Theo quan sát,  do nguồn vốn tín dụng vào bất động sản đang bị thắt chặt nên có khả năng thời gian tới sẽ có một loạt dự án dở dang. Người dân có tiền thực sự nhàn rỗi để đầu tư vào bất động sản họ sẽ khôn ngoan chờ một đợt  giảm giá tiếp đến. Còn hiện tại,  chưa nên nhảy vào ngay”, ông Ngân nói.

Nhật Linh

Đọc thêm