Bản lĩnh và linh hoạt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu phải có câu trả lời về giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của “thuế suất tối thiểu toàn cầu”.
Ảnh minh họa. (Nguồn: VCI-legal)
Ảnh minh họa. (Nguồn: VCI-legal)

Thuế suất tối thiểu toàn cầu là chính sách phát sinh từ bên ngoài có ảnh hưởng, tác động sâu sắc nhiều mặt đến Việt Nam với tư cách một quốc gia thu hút, tiếp nhận đầu tư. “Vì thế, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước liên quan (kể cả các nước “nguồn” cũng như nước tiếp nhận đầu tư), đặc biệt là những nước có hoàn cảnh, điều kiện tương tự như Việt Nam, cần có đánh giá kỹ lưỡng tất cả các tác động, nhất là tác động bất lợi để có các giải pháp ứng xử phù hợp”. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Thông báo số 120/TB-VPCP về thuế suất tối thiểu toàn cầu, tác động và ảnh hưởng đối với Việt Nam.

Câu chuyện cho thấy rằng, “thuế suất tối thiểu toàn cầu” là vấn đề không nhỏ, nếu không muốn nói là rất quan trọng.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới. Nếu cắt nghĩa về khái niệm kinh tế hiện đại, thì chúng ta đang cố gắng để tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhà đầu tư đến Việt Nam ngoài lòng yêu đất nước Việt Nam; cũng như Việt Nam hội nhập như thế nào; cũng đều có lợi ích kinh tế là một trong các mục đích. Nhà đầu tư nước ngoài, dù “chim sẻ” hay “đại bàng” đến với bất cứ nước nào, cũng vì một trong những mục đích là lợi nhuận.

Do vậy, nhiệm vụ phân tích, đánh giá thật đầy đủ, kỹ lưỡng tác động của việc áp dụng “thuế suất tối thiểu toàn cầu”, nhất là những tác động bất lợi với những đối tượng nhà đầu tư mà Việt Nam đã cam kết ưu đãi, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn, cạnh tranh thu hút đầu tư của môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; đang là vấn đề vừa vi mô, vừa vĩ mô của Việt Nam.

“Thuế suất tối thiểu toàn cầu” là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng và hiện đã được hơn 140 quốc gia đồng thuận. Với loại thuế này, các tập đoàn, Cty lớn có doanh thu từ 750 triệu Euro trở lên sẽ đều phải đóng thuế 15%, dù là ở bất kỳ quốc gia nào. Rõ ràng, đây là chính sách thuế từ bên ngoài, nhưng đã hội nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam không thể không tính đến.

Tại Thông báo, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu phải có câu trả lời về giải pháp ứng phó của Việt Nam trước tác động của “thuế suất tối thiểu toàn cầu”.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề “Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023”, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh đến nhiệm vụ phản ứng chính sách kịp thời, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế. Hội nhập kinh tế quốc tế là tham gia “sân chơi” chung, luôn đòi hỏi bản lĩnh, linh hoạt.

Đọc thêm