Tài năng đáng kinh ngạc của cậu bé mù

(PLO) - Cậu bé Bùi Ngọc Thịnh (SN 2000, ngụ tổ dân phố 17, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) từ khi sinh ra đã chịu cảnh mù lòa giống như bố mẹ. Nghị lực và tình yêu âm nhạc đã giúp cậu bé phát huy tài năng âm nhạc, chơi thành thạo được 14 loại nhạc cụ khác nhau.
Thịnh đã đem lại hạnh phúc bất ngờ cho cha mẹ
Thịnh đã đem lại hạnh phúc bất ngờ cho cha mẹ
Bệnh di truyền con cùng cảnh mù lòa như cha mẹ
Ông Bùi Văn Lộc (SN 1969, bố của Thịnh) cũng là một người khiếm thị. Khi đang học lớp 11 thì bỗng dưng những cơn đau đầu dữ dội ập đến, thị lực giảm dần, ông phải bỏ học. Năm năm sau, ông không còn nhìn thấy gì nữa.
Đến cuối tháng 10/1993, nghe tin ở Ninh Hòa vừa mới thành lập Hội Người mù, ông nhờ người chở đến tìm hiểu, gặp những người cùng cảnh ngộ và xin chuyển vào ở hẳn nơi đây. Học chữ nổi Brai, học nghề bó chổi, chẻ tăm tre, ít năm sau ông được bầu làm Chủ tịch Hội Người mù Ninh Hòa.
Trong số những người khiếm thị lúc đó, có chị Lê Thị Thủy (SN 1974) là con gái của một gia đình nông dân nghèo ở xã Ninh Bình. Bị mù bẩm sinh nên những lúc rảnh rỗi, chị Thủy thường tìm đến ông Lộc để nhờ kể lại những hình ảnh đã nhìn thấy trong cuộc sống đời thường lúc chưa bị mù. 
Chị Thủy tâm sự: “Lúc đầu tôi chỉ xem ảnh như anh em vậy thôi, nhưng rồi thời gian, qua những câu chuyện kể giàu sức truyền cảm về chính cuộc đời của ảnh đã làm cho tôi có cảm tình với ảnh. Lúc đó tôi là con gái nhưng mạnh dạn tỏ tình trước. Yêu nhau được 6 năm, chúng tôi bày tỏ ý định kết hôn thì gia đình hai bên đều can ngăn vì một người mù đã khổ, cả hai cùng mù thì khổ hơn nhiều. Nhưng chúng tôi vẫn nhất quyết đến với nhau, nên vợ nên chồng”.
Đôi vợ chồng mù sống trong một căn phòng nhỏ ở cơ sở sản xuất chổi, tăm tre của Hội. Mang thai đứa con đầu lòng, chị Thủy ngày đêm cầu nguyện cho con được lành lặn khỏe mạnh, để sau này con lớn lên làm đôi mắt cho mẹ, chỗ dựa cho cha. Đến tháng thứ bảy của thai kỳ, trên đường đi bán chổi, chị Thủy bị sụp xuống lề đường. Cú ngã đó ảnh hưởng lớn đến cái thai. Các bác sĩ đã phẫu thuật và cậu bé Bùi Ngọc Thịnh ra đời sớm hơn những đứa trẻ bình thường 2 tháng.
Thịnh chơi đàn organ
 Thịnh chơi đàn organ
“Lúc mới sinh, Thịnh nhỏ như con mèo, phải nuôi trong lồng kính. Đến 6 tháng tuổi cháu vẫn chưa biết lật, đưa đồ chơi cháu không cầm, tôi cứ nghĩ con mình yếu lắm…”, chị Thủy kể.
Thịnh được 9 tháng tuổi, nhiều người phát hiện đôi mắt cậu bé đờ đẫn lạ thường và dường như không hề nhìn thấy mọi vật. “Đau đớn quá, cha mẹ mù đã khổ quá rồi, giờ con cũng bị như vậy. Ban đầu mọi người nhìn đã biết thằng bé bị mù nhưng không ai dám nói, sợ vợ chồng tôi buồn. Rồi mọi người động viên, vợ chồng tôi mới cố gượng dậy”, chị Thủy nhớ lại.
Biết hoàn cảnh vô cùng đáng thương của gia đình mù, nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ hơn 64 triệu đồng cho vợ chồng ông Lộc đưa con đi chạy chữa. Bao nhiêu bác sĩ giỏi nhất trong các bệnh viện ở TP.HCM và Viện Mắt TW tại Hà Nội đều lắc đầu. Cậu bé bị mù bẩm sinh, không “phép lạ” nào giúp em được. 
Đau đớn ôm con trở về trong nỗi tuyệt vọng, chị Thủy ngất lên ngất xuống mấy lần. Ông Lộc nhớ lại: “Vợ chồng không nói được lời nào, chỉ ôm nhau khóc, mọi người trên xe ai cũng hoảng hồn, nghĩ là vợ tôi mang bệnh gì trong người. Tài xế còn bảo, nếu bệnh nặng quá thì ảnh dừng xe để đón cho vợ chồng tôi đi ngược lại bệnh viện…”.
Tài năng âm nhạc tỏa sáng  
Khi Thịnh hơn 3 tuổi, được bố mẹ đưa đi nghe chương trình văn nghệ, ngồi ở một góc phòng, cậu bé mù đã cao hứng dùng tay gõ lên bàn theo nhịp trống. Vài hôm sau, bỗng dưng Thịnh “xuất chiêu” dùng đũa gõ trên bát theo nhịp điệu tiếng hát của mẹ.
Khi lên 4 tuổi, Thịnh thường được mẹ đưa về nhà ngoại chơi. Nghe ông ngoại chơi đàn, cậu bé thích quá đòi học. Ông ngoại cười, xoa đầu đứa cháu mù, nói rằng còn nhỏ không thể học được. “Để chứng minh mình có thể học được, Thịnh nhờ ông ngoại lấy cái mũ sắt, cái xoong, cái nắp vung và hai ba cái lon làm bộ trống; lấy đôi đũa làm dùi trống rồi bắt đầu đánh. Thịnh đánh đến đâu, ông ngoại bất ngờ đến đó. Tôi ngồi nghe cũng bất ngờ, không tin con mình có thể đánh được như vậy”, chị Thủy cho biết.
Cậu bé xin bố mẹ cho đi học trống. Thịnh kể: “Lúc đầu thầy không nhận, nói cháu bị khiếm thị, lại còn rất nhỏ. Cháu năn nỉ xin thầy cho học nhưng thầy vẫn không chịu. Mấy ngày ngồi lì ở nhà thầy nên thầy dạy 3 điệu bolero, slow và rumba để cháu học thử xem có được hay không. Trong một buổi, cháu học được 3 điệu đó. Vậy là thầy nhận dạy”.
Cùng thời điểm này, chuyên mục đờn ca tài tử của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa đã cuốn hút cậu bé mù nghĩ tới chuyện khám phá các loại nhạc cụ khác trong thế giới âm nhạc. Mỗi ngày, Thịnh bám xe ôm người hàng xóm đến nhà ông Lê Hồng Thiên (một nghệ sĩ đờn ca tài tử ở xã Ninh Phụng) để học ghi ta cổ. 
Giấy chứng nhận của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập Thịnh là cậu bé mù chơi nhiều nhạc cụ nhất.
Giấy chứng nhận của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập Thịnh là cậu bé mù chơi nhiều nhạc cụ nhất.  
Ông Lộc cho biết: “Mặc dù có tố chất thông minh, tiếp thu tốt các tiết tấu, thanh âm, nhưng do bị mù, Thịnh phải mò mẫm từng dây đàn nên những ngày đầu mới đi học, các ngón tay tứa máu, cháu vẫn không nản”. Một năm sau, cậu bé mù đã đàn hát được bằng cây guitar phím lõm.
Thịnh còn trở thành “ca sĩ”. Với chất giọng trầm ấm, năm 2005, Thịnh tham gia và đoạt giải thưởng giọng hát hay của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa. Năm 2006, cậu bé “rinh” huy chương vàng guitar cổ điển và huy chương bạc với ca khúc “Đứa bé” trong liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” lần thứ IV của Hội Người mù Việt Nam.
Ngày ngày, ngoài thời gian ở lớp học, đêm nào Thịnh cũng ôm đàn tập. Năm 9 tuổi, cậu bé mù nghe người ta chơi đàn organ hay quá nên xin bố mẹ đi học. Cậu bé thổ lộ: “Cháu học để mỗi khi đi biểu diễn, người ta chơi nhạc hiện đại, cháu cũng biết chơi; khi người ta chơi đàn cổ thì mình cũng hòa tấu được bằng đàn cổ”.
Một năm sau, Thịnh tập chơi đàn sến, đàn nhị, sau đó là đàn tranh, đàn kìm. Thịnh bắt đầu biểu diễn phục vụ cho người dân ở Ninh Hòa, rồi bước lên những sân khấu lớn ở Hà Nội, TP.HCM…biểu diễn trước hàng ngàn khán giả.
Năm 2011, Thịnh được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập và trao bằng kỷ lục Việt Nam, cậu bé mù chơi nhiều nhạc cụ nhất. Ngày 26/5/2012 tại khách sạn Rex, TP.HCM, Thịnh được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục là trường hợp đầu tiên của châu Á nhỏ tuổi nhất, bị mù, chơi được nhiều loại nhạc cụ. Ngoài khả năng chơi thành thạo 14 loại nhạc cụ, Thịnh còn có thể sáng tác. 
Bố mẹ mù lòa, con sinh ra cũng bất hạnh như bố mẹ, nhưng vẫn vượt lên số phận, lạc quan yêu đời, tự mình có thể mưu sinh. Nghị lực sống và tình yêu âm nhạc đã giúp cậu bé vượt qua bóng tối../.

Đọc thêm