Những đứa trẻ boomerang
Theo thống kê của Ngôi nhà Bình yên, từ năm 2007 đến tháng 10/2013 đã có 379 người tạm trú (bao gồm phụ nữ, trẻ em) là nạn nhân BLGĐ. 71% người tạm trú đến Ngôi nhà Bình yên khi đã bị cả 3 hình thức bạo lực là thể chất, kinh tế, tình dục. Bạo lực tinh thần là yếu tố đi kèm không thể thiếu với cả ba hình thức trên. Đáng lo ngại hơn nữa, 52% nạn nhân đã chịu bạo lực từ 1-5 năm; 25% chịu từ 5-10 năm và 13% chịu trong thời gian rất dài, từ 10-30 năm.
Là cơ sở y tế chuyên tiếp nhận nạn nhân BLGĐ, Trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ, Bệnh viện Đức Giang, Long Biên, Hà Nội sau gần 11 năm đã tiếp nhận trên 26.000 lượt người là nạn nhân bạo hành giới, trong đó nạn nhân BLGĐ chiếm 75%. Nạn nhân nhỏ nhất là 5 tuổi, cao nhất là 86 tuổi.
Bao giờ vòng tròn khép kín?
Ở trên đỉnh của hình chóp nón sơ đồ hỗ trợ nạn nhân BLGĐ (tức là sau khi đã đi qua các tầng cấp như tác động gia đình, hòa giải địa phương, tư vấn tâm lý, pháp lý, can thiệp của công an, tư pháp…), nhưng mô hình nhà tạm lánh cũng đang gặp những khó khăn riêng của mình. Đó là thời gian nạn nhân ở nhà tạm lánh càng lâu thì hiệu quả hỗ trợ càng lớn do quá trình can thiệp toàn diện, nhưng hầu hết các nhà tạm lánh, kể cả Ngôi nhà Bình yên cũng chỉ có thể thu xếp được tối đa 3 tháng cho người tạm trú. Mặt khác, hầu hết người tạm trú đều gặp những vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần nhưng thiếu dịch vụ hỗ trợ tâm lý chuyên biệt phù hợp cũng như vấn đề xác định tỷ lệ thương tật.
Về phía ngành Y tế, bà Nguyễn Thị Vân Anh (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, ứng xử và tư vấn tâm lý cho nạn nhân BLGĐ là kiến thức mà các nhân viên y tế chưa hề được đào tạo trong các trường của ngành Y, do đó khi làm việc gặp không ít khó khăn. Mặt khác, 85% nạn nhân BLGĐ không có thẻ BHYT, cơ sở y tế cũng chỉ giúp đỡ họ được một phần chi phí giường bệnh, chăm sóc, còn thuốc men, bông băng đành chịu vì không biết lấy ở đâu, tính vào khoản nào. Cũng có nạn nhân có BHYT nhưng hiện nay rất nhiều cơ sở y tế lại từ chối thanh toán cho người bệnh là nạn nhân BLGĐ, lý do vì chưa hướng dẫn, dù rằng Luật Phòng chống BLGĐ đã quy định.
Thế nên, “Bao giờ vòng tròn khép kín?” vẫn sẽ mãi là một câu hỏi!