Bảo tồn, phát triển Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long: Thấy gì từ việc UNESCO thông qua đề xuất của Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ủy ban Di sản thế giới đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong quá trình thực hiện toàn bộ các cam kết của Chính phủ Việt Nam từ khi di sản được ghi danh năm 2010 đến nay. Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thông qua mở ra việc khơi thông trục Hoàng Đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên.
Không chỉ người dân, du khách, nhiều học sinh hào hứng tham quan, tìm hiểu Hoàng thành Thăng Long - di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. (Nguồn: Bảo Châu)
Không chỉ người dân, du khách, nhiều học sinh hào hứng tham quan, tìm hiểu Hoàng thành Thăng Long - di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. (Nguồn: Bảo Châu)

Hoàng thành Thăng Long - hành trình di sản

Thủ đô Hà Nội là “thành phố di sản” với những trầm tích vô cùng phong phú, đa dạng, gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt. Đặc biệt, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010.

Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh và tỉnh thành Hà Nội bắt đầu từ thời kì tiền Thăng Long (An Nam đô hộ phủ thế kỷ VII) qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn.

Theo các tài liệu lịch sử, kinh thành Thăng Long được xây dựng với ba vòng thành. Vòng ngoài cùng là La thành, là vòng thành nằm theo các con đường Đại Cồ Việt, Đê La Thành, Bưởi... hiện nay. Vòng thành thứ hai là Hoàng thành, giữa hai lớp thành này là nơi dân cư sinh sống, buôn bán. Lớp thành trong cùng là Cấm thành, nơi sinh sống và làm việc của nhà vua cùng hoàng tộc. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.

Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá đã phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010 - 1945).

Các nhà khoa học khẳng định đây không chỉ là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Ðại Việt qua nhiều thế kỷ, mà còn khẳng định nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc, có tính liên tục qua các thời kỳ. Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, TP Hà Nội đã phối hợp các cơ quan thực hiện nghiêm túc 8 cam kết của Chính phủ với UNESCO, thực hiện nghiên cứu khoa học, bảo tồn sự an toàn của di sản, các giải pháp phát huy giá trị... Những cuộc khai quật giúp các nhà khoa học không chỉ khẳng định đây là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Ðại Việt qua nhiều thế kỷ, mà còn khẳng định nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc, có tính liên tục qua các thời kỳ.

Các nhà khoa học khẳng định, bảo tồn di sản không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc của di tích - di vật và đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức, chuyên gia quốc tế và Việt Nam… Những vấn đề về phát huy giá trị di sản, nghiên cứu xây dựng bảo tàng tại chỗ và đưa giáo dục di sản trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn kế tiếp.

Hồ sơ “ưu tiên của mọi ưu tiên”

Ngày 24/7 vừa qua, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi (Ấn Độ), vào 10 giờ 30 phút giờ địa phương (tức 12 giờ Hà Nội), tại Kỳ họp lần thứ 46, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đã gõ búa thông qua Quyết định số 46 COM 7B.43, chính thức đồng thuận với các nội dung đề xuất của Việt Nam về định hướng, tầm nhìn nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hồ sơ “ưu tiên của mọi ưu tiên”; nhấn mạnh các thành viên Ủy ban Di sản thế giới đánh giá cao tinh thần cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác, đồng hành với Trung tâm Di sản thế giới, ICOMOS để hiện thực hoá nguyện vọng của dân tộc trên cơ sở bảo đảm đúng các quy định của Công ước Di sản thế giới, tuân thủ cam kết của Việt Nam, phát huy hơn nữa giá trị nổi bật toàn cầu của di sản.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhấn mạnh, việc hồ sơ được thông qua như một nén tâm nhang để thành kính dâng lên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Người luôn quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Hoàng thành Thăng Long - biểu tượng thiêng liêng của dân tộc, trung tâm quyền lực chính trị liên tục trong 13 thế kỷ của Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thị Thu Hà cho biết, kết quả đạt được tại Kỳ họp lần này đánh dấu sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ VH,TT&DL và của các nhà khoa học trong, ngoài nước với TP Hà Nội trong quá trình xây dựng, đệ trình và vận động cho Hồ sơ khoa học, cũng như sự tư vấn tận tình của các cơ quan chuyên môn của UNESCO là Trung tâm Di sản thế giới và ICOMOS.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo khẳng định, hồ sơ có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Việt Nam mà còn với thế giới, gắn với những vấn đề mới liên quan tiến trình phát triển của di sản; coi đây là hình mẫu hợp tác giữa quốc gia thành viên với UNESCO và cơ quan tư vấn và cũng là điển hình của việc bảo tồn di sản thế giới.

Các đối tác đều đánh giá cao hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với UNESCO và các quốc gia thành viên, cũng như nhấn mạnh Việt Nam là mẫu mực, điển hình cho hợp tác giữa quốc gia thành viên với cơ quan tư vấn trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững.

Đọc thêm