Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Diên Khánh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thành cổ Diên Khánh là công trình di tích văn hoá có giá trị nhiều mặt về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử và quân sự tại thị trấn Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Cùng với sự bào mòn của thời gian, tòa thành đã bị rêu phong và xói mòn mất nhiều đoạn tường đất, hào thành. Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) vừa ban hành Văn bản số 728/DSVH-DT về việc thỏa thuận “Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa” của Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) tỉnh Khánh Hòa.
Thành cổ Diên Khánh được xây dựng theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ thứ XVII, XVIII của Tây Âu. (Ảnh: Ngọc Phúc)
Thành cổ Diên Khánh được xây dựng theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự phổ biến vào thế kỷ thứ XVII, XVIII của Tây Âu. (Ảnh: Ngọc Phúc)

Thành cổ Diên Khánh chứng kiến thăng trầm của lịch sử

Nằm cách thành phố Nha Trang khoảng 10km về phía Tây đến địa phận khóm Đông Môn, thị trấn Diên Khánh, Thành cổ Diên Khánh do Nguyễn Phúc Ánh xây đắp năm Quý Sửu (1793). Từ thời Gia Long đến cuối thời Pháp thuộc, thành Diên Khánh là nơi đóng cơ quan đầu não của địa phương và nhà Nguyễn. Thành cổ Diên Khánh được đắp đất, chu vi 336 trượng 4 thước, cao 8 thước 5 tấc. Trổ 6 cửa ra vào, xây gạch kiên cố, trên có vọng lâu tứ diện thông phong. Đặc biệt, ngoài thành có hào sâu luôn luôn nước đầy do sông Cái đổ vào.

Trong thành có hành cung của nhà vua, dinh thự của các quan thủ hiến và có những ty, tào, đồn trại. Theo sách Xứ Trầm Hương của Quách Tấn, đến cuối triều Hàm Nghị, nghĩa binh Cần Vương lấy thành làm cơ sở kháng chiến. Quân Pháp nã súng đại bác vào tàn phá hết một số dinh thự. Và sau khi chiếm trọn lãnh thổ nước ta, Pháp phá hủy vòng lũy, lấp cạn vòng hào ở quanh thành, triệu hạ cửa tiền và cửa hậu. Mãi đến mùa xuân năm Ất Dậu (9/3/1945), Nhật đảo chính Pháp, quyền cai trị giao cho triều đình Huế. Cơ quan tỉnh Khánh Hòa bỏ thành Diên Khánh, dời xuống Nha Trang.

Trải qua lịch sử hơn 200 năm, Thành cổ Diên Khánh đã chứng kiến bao biến động, thăng trầm của xã hội thời phong kiến cũng như cuộc đấu tranh của Nhân dân Khánh Hòa trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ.

Năm 1988, Thành cổ Diên Khánh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2010, Sở VH,TT&DL tỉnh Khánh Hòa tiến hành dự án tu bổ thành Diên Khánh và khoanh vùng các khu vực bảo vệ nhằm tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Cuối năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định di dời các cơ quan hành chính, quân sự khỏi nội thành Diên Khánh để biến nơi đây thành phố đi bộ và dần phục hồi các công trình mang dấu tích lịch sử để phục vụ du lịch.

Những năm gần đây, khi Khánh Hòa trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước, Thành cổ Diên Khánh được thiết kế trong hành trình tour khám phá văn hóa, lịch sử ở ngoại ô thành phố.

Bảo tồn giá trị nguyên gốc của di tích

Cùng với sự bào mòn của thời gian qua hơn 2 thế kỷ, tòa thành đã bị rêu phong và xói mòn mất nhiều đoạn tường đất, hào thành. Trước thực tế đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Thành cổ Diên Khánh với 12 hạng mục. UBND tỉnh giao Ban Quản lý các dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu dự án.

Cục Di sản văn hóa, Bộ VH,TT&DL vừa ban hành Văn bản số 728/DSVH-DT về việc thỏa thuận “Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa” của Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa.

Cụ thể, Cục Di sản văn hóa đã thỏa thuận Thiết kế bản vẽ thi công tu bổ, tôn tạo di tích Thành cổ Diên Khánh với 12 hạng mục và để triển khai các bước tiếp theo, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTT tỉnh Khánh Hòa phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư thành lập Hội đồng đánh giá di tích theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2019 của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích nhằm bảo tồn tối đa các yếu tố gốc, giá trị lịch sử của di tích. Kinh phí thực hiện dự án hơn 166 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Trong đó, 70 tỉ đồng là chi phí xây dựng, hơn 67 tỉ đồng là tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, Cục Di sản văn hóa lưu ý, quá trình dọn dẹp mặt bằng chuẩn bị thi công và thi công các hạng mục của dự án cần có sự giám sát của cán bộ chuyên môn khảo cổ nhằm kịp thời đề xuất bổ sung việc thăm dò, khai quật khảo cổ hoặc phát hiện, xử lý hiện vật khảo cổ (nếu có) theo quy định. Các cơ quan liên quan tại địa phương chịu trách nhiệm đối với phương án đền bù, giải phóng mặt bằng khu vực thực hiện dự án theo quy định của pháp luật. Đối với việc phục hồi tuyến thành đất và nạo vét, chống thấm hào phải ưu tiên phương pháp thủ công, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới (máy ủi, máy đào), nhất là tại các vị trí gần cổng thành, góc thành…