Bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa để không bị “lãng quên”

(PLVN) - Với bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, Việt Nam có hàng nghìn di tích lịch sử nằm ở nhiều tỉnh, địa phương trên cả nước. Hiện nay, có không ít các di tích đang bị đe dọa bởi thiên nhiên và những mặt trái của sự phát triển xã hội. Nếu không được tu bổ, sửa chữa kịp thời những di tích này có khả năng “biến mất”.
Tháp Hòa Lai (thuộc xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích cấp Quốc gia đặc biệt, tuy nhiên, Khu di tích này đang bị xuống cấp.

Nguy cơ “biến mất” nhiều di tích lịch sử

Trải dài theo thời gian, hiện nay, có nhiều di tích lịch sử đang dần xuống cấp do chịu ảnh hưởng từ thiên tai, bão lũ, sự phát triển kinh tế - xã hội. Mới gần đây nhất, di tích Đền Cả ở Hà Tĩnh đang bị đe dọa do hiện tượng sạt lở bờ sông kéo dài. Được biết, đây là di tích có tuổi đời lên đến hàng trăm năm (tương truyền từ thời nhà Hậu Lê). Vào khoảng những năm trước đây, mưa lớn kéo dài dẫn đến sạt lở hàng chục mét kéo theo nhiều vùng đất đá, cây cối bị cuốn trôi. Di tích Đền Cả đã nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Đến năm 2024, sau đợt mưa bão kéo dài trong vài tuần vừa qua, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, đạt mức báo động cao.

Vào đầu tháng 8, trao đổi với báo chí, ông Tôn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng dự án khắc phục sạt lở kênh thượng lưu cống Trung Lương, bờ sông Minh (đoạn qua địa phận phường Trung Lương), với tổng kinh phí đầu tư 14,6 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện dự án trong năm 2024 - 2025.

Có thể thấy, không ít công trình kiến trúc hay di tích lịch sử ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước gần như không được bảo vệ một cách bền vững, khả năng bị xuống cấp, xâm hại là rất lớn. Ngay cả khi có bằng công nhận di tích, di sản thì cũng chưa nhận được những nguồn lực hỗ trợ, bảo vệ kịp thời. Ngày qua ngày, dưới sự tác động của thời tiết, thiên nhiên, thậm chí có những nơi còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ con người.

Cần bảo vệ di tích, di sản văn hóa bằng biện pháp thiết thực

Thực tế, văn hóa là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển đất nước bền vững ngang bằng kinh tế, chính trị, xã hội. Có nhiều di tích văn hóa, lịch sử đã “chắp cánh” giúp các tỉnh, địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.

Như tại Bắc Giang, với lợi thế sở hữu nhiều di tích văn hóa độc đáo như chùa Vĩnh Nghiêm, khu khởi nghĩa Yên Thế, chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà, điểm du lịch chiến thắng Xương Giang, khu du lịch Tây Yên Tử,... Mỗi năm, tỉnh thu về hàng chục nghìn lượt khách đến tham quan. Bắc Giang đang đưa du lịch tâm linh thành hướng phát triển mạnh mẽ của tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay, ở nhiều nơi, các giá trị phi vật thể, giá trị cảnh quan chưa được quan tâm đúng mức trong cả quá trình đánh giá di sản và quá trình thực hiện bảo tồn. Điều này dẫn đến sự lúng túng, chậm trễ, hoạt động chưa hiệu quả của công tác bảo tồn. Chỉ đến khi các di tích lịch sử đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ biến mất hoặc đã bị “xóa sổ” mới được các cấp chính quyền địa phương chú ý. Như vậy, rất nhiều di tích lịch sử văn hóa không được trùng tu, bảo vệ kịp thời. Đây là một tổn thất rất lớn cho các tỉnh, địa phương.

Vì vậy, việc đầu tiên đó là nâng cao nhận thức của người dân về di tích, di sản, ý thức pháp luật để tránh xảy ra hiện tượng vi phạm di tích và thắng cảnh. Đặc biệt cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính của Nhà nước dành cho các tỉnh, địa phương, những tổ chức và cá nhân có đóng góp đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; thiết lập đội ngũ cán bộ chuyên môn tại cơ sở,...

Ngoài ra, việc xã hội hóa hoạt động bảo tồn, sử dụng di tích văn hóa làm nguồn lực để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo rất quan trọng. Đây là một hướng đi đang được nhiều tỉnh, thành phố thực hiện. Ngoài việc đóng góp tiền và hiện vật, Nhân dân địa phương còn đóng góp ngày công lao động, tham gia thu dọn, tháo dỡ, vận chuyển vật liệu xây dựng… giúp giảm chi phí xây dựng.