Đám cưới của Ngọc Nhi dù đã qua mấy ngày nhưng người dân bên con sông Tiền thơ mộng vẫn chưa hết bàn ra tán vào. Người thì bảo cô tốt số nên lấy được chồng giàu, kẻ lại cho rằng cô ham tiền bạc và chắc gì đã sung sướng khi vớ phải ông chồng dặt dẹo, trói gà không chặt.
Chuyện tình của Nhi với Tấn Nhật chẳng khác gì tiểu thuyết, chỉ có điều kết cục cuả nó thì không lãng mạn chút nào.
Nhi là con út trong gia đình có năm chị em gái, gia cảnh khá nghèo túng nên học hết lớp 6, cô đã phải lên thành phố làm người giúp việc. Lớn lên chút nữa, Nhi theo bạn bè “đầu quân” cho một quán Karaoke của một bà chủ vốn là người đồng hương.
Với ngoại hình ưa nhìn, ăn nói lại dễ nghe nên có khá nhiều khách hàng muốn được Nhi phục vụ. Mới đầu, cô còn ý thức giữ gìn, nhưng sau đó, nhìn trước quay sau thấy bạn bè đều chiều khách "tới bến”, Nhi cũng tặc lưỡi làm liều, miễn sao có nhiều tiền tiêu xài.
Chỉ sau vài tháng làm cái nghề bằng “vốn tự có”, Nhi đã đủ tiền gửi về quê cho ba má xây nhà mới, mua sắm đồ đạc. Trong thâm tâm cô cũng nghĩ đến tương lai, rằng chỉ kiếm tiền bằng nghề này vài ba năm, khi có số vốn kha khá sẽ về quê để lấy chồng.
Nhưng mọi dự định của Nhi đã ngoặt chiều sang hướng khác khi cô gặp một khách hàng đặc biệt.
Người khách này sau vài ba lần được Nhi chăm sóc, chiều chuộng và biết được tâm sự của Nhi nên đã giới thiệu cô với một người bạn chí cốt. Theo giới thiệu thì anh chàng này có lý lịch khá sạch sẽ, gia đình gia giáo và giàu có, chỉ có điều hơi xấu trai một tý.
“Chẳng sao! Miễn là anh ta giàu có và không biết lý lịch của mình”- nghĩ sao làm vậy, vài hôm sau Nhi đồng ý đi gặp mặt người trong mộng với rắp tâm bằng mọi cách phải “đánh gục” chàng trai này.
Gặp được nhau rồi ai cũng thoả lòng mong ước. Chàng trai kia có người yêu đẹp, còn Nhi thì có người chồng tương lai đủ đảm bảo cho mọi nhu cầu vật chất của cô. Hình thức của anh ta cũng chẳng đến nỗi nào, mỗi tội chân đi hơi tập tễnh.
Sau hơn nửa năm quen nhau, họ được đôi bên gia đình tổ chức một đám cưới linh đình. Người dân không ngớt lời khen về nhan sắc của cô dâu, nhiều cô gái còn ghen tỵ với sự may mắn của Nhi. Họ hàng bên nhà gái cũng nở mày nở mặt vì gia đình sui gia khá bề thế, chàng rể lại hiền lành, yêu vợ.
Chỉ có Nhi mới biết, cô đang là diễn viên của một màn kịch khá hoàn hảo mà chính cô là tác giả kịch bản.
Nhưng sau đêm tân hôn, Nhi mới bẽ bàng phát hiện chồng của mình mắc chứng “bất lực”. Đến lúc này người đàn ông trong mộng của Nhi cũng không cần giấu giếm khi cho biết sự thật phũ phàng, anh ta là một dân “gay” đích thực và hoàn toàn không có khả năng làm chồng. Việc cưới vợ là do sức ép của gia đình mà thôi.
Chồng Nhi cũng nói toạc ra rằng, chuyện Nhi làm nghề gì, quá khứ ra sao, anh ta nắm rất rõ.
Vậy ra anh ta không phải là người bị lừa như bấy lâu nay Nhi lầm tưởng. Nhân vật bị cho ăn “quả đắng” mới chính là cô. Quá thất vọng và đau khổ ê chề, Nhi không biết phải xử trí ra sao khi vở kịch của cô hạ màn quá sớm mà chưa thu đủ “số vé” như dự kiến.
Ảnh minh hoạ |
Khỏi phải nói cha mẹ chồng của cô bất ngờ thế nào khi sáng ra không thấy con dâu dậy sớm như mọi khi. Hỏi con trai thì con trai cũng ậm ừ không biết. Và cũng đến lúc này họ mới biết rõ lai lịch của con dâu. Tức tốc sang nhà thông gia hỏi cho rõ ngọn ngành thì cha mẹ đẻ của Nhi cũng bất ngờ không kém khi hay tin con gái mình đã rời nhà chồng từ hồi nào chẳng hay.
Sau một thời gian dò hỏi, cha mẹ Tấn Nhật được biết con dâu đã lên TP.Hồ Chí Minh tìm việc. Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, họ cũng không biết tìm con dâu ở đâu để đòi lại quà cưới. “Phải nắm người có tóc chứ không ai túm kẻ trọc đầu”, với suy nghĩ này, cha mẹ Nhật đã đến nhà sui gia yêu cầu phải trả lại hết vòng vàng, tiền bạc mà họ đã cho cô dâu.
Tất nhiên là phía sui gia đã từ chối thẳng thừng vì họ chẳng quản lý số tài sản này và cũng không phải là đối tượng được tặng vòng vàng, nhẫn cưới để cho gia đình thông gia đến đòi lại.