Bệnh nhân tâm thần trắng đêm đánh nhau giành chỗ ngủ

(PLO) - Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức là một trong những nơi có số lượng bệnh nhân đông nhất cả nước. Trung tâm với sức chứa khoảng 600 người mà có tới gần 1.300 bệnh nhân. Chật chội, quá tải nên lan can cũng được tận dụng để đặt giường bệnh. Chỉ những người bị bệnh nặng, bại liệt thì mới được nằm giường. Số lớn bệnh nhân còn lại phải chen nhau nằm dưới đất. Tình trạng chửi, đánh, khóc lóc do tranh giành chỗ ngủ hầu như đêm nào cũng có.
Bệnh nhân tâm thần đứng, ngồi nhốn nháo trong giờ ăn
Bệnh nhân tâm thần đứng, ngồi nhốn nháo trong giờ ăn
Sống và làm việc ở “thế giới người điên”, đội ngũ cán bộ y tế phải làm tất cả mọi việc từ A đến Z, lo lắng cho bệnh nhân từ chuyện ăn mặc, tắm rửa, vệ sinh. Thậm chí đến khi bệnh nhân chết, họ cũng tiếp tục chăm sóc khói hương chu đáo.
Khóc lóc, đánh nhau tranh giành chỗ ngủ
Chúng tôi đến thăm Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức vào một buổi trưa hè nắng gắt. Cái nắng hòa lẫn vào tiếng cười hềnh hệch, tiếng gào thét, khóc rên rỉ vang cả một khung trời. Một nhân viên điều dưỡng đưa khách đi “tham quan” bảy khu trong trung tâm. Khu nào bệnh nhân cũng đông nghịt. 
Bác sĩ Bùi Văn Xây, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức cho biết: “Đây là một trong những trung tâm có số lượng bệnh nhân đông nhất cả nước. Trung tâm có sức chứa khoảng 600 người mà tiếp nhận gần 1.300 bệnh nhân. Mấy năm trở lại đây, nhờ có chính sách quan tâm của Nhà nước nên đời sống vật chất của nhân viên cũng như bệnh nhân ngày càng được đảm bảo hơn. Nhưng bệnh nhân sống trong cảnh chật chội, quá tải. Lan can cũng được tận dụng để đặt giường bệnh. Chỉ những người bị nặng, bại liệt thì mới được nằm giường. Số lớn bệnh nhân còn lại phải chen nhau nằm dưới đất. Tình trạng chửi, đánh, khóc lóc do tranh giành chỗ ngủ hầu như đêm nào cũng có”. 
Bệnh nhân tâm thần trong Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức, mỗi người một hoàn cảnh, được đưa đến từ mọi miền của Tổ quốc, phần lớn thuộc đối tượng “thân cô thế cô”. Họ sống lang thang, đi lạc được cơ quan chức năng đưa vào đây nuôi dưỡng. Khi bệnh nhân dứt cơn “điên”, dần tỉnh táo trở lại, họ bắt đầu nhớ ra địa chỉ, gia đình. Nhân viên điều dưỡng có nhiệm vụ liên lạc tìm người thân cho bệnh nhân. Nhiều trường hợp không liên lạc được do bệnh nhân nhớ sai hoặc người nhà từ chối trách nhiệm. Có người nhà bệnh nhân xác nhận một cách vô tâm: “Đúng là con cháu nhà tôi, nhưng đừng bắt tôi phải lên đón nó về”, rồi tắt rụp máy.
Các bác sĩ cho biết, hàng tuần có rất ít người nhà đến thăm bệnh nhân. Tuần nào nhiều nhất chỉ được 4 - 5 người. Hầu như tâm lý người nhà đều nghĩ đưa vào Trung tâm được chăm sóc đàng hoàng nên không cần phải quan tâm nữa. Nhiều bệnh nhân nằm viện, người nhà cũng không đến thăm. 
Những người tỉnh ở “thế giới người điên”
Sống và làm việc ở “thế giới người điên”, đội ngũ mang áo bluese trắng phải làm tất cả mọi việc từ A đến Z, từ chuyện ăn mặc, tắm rửa, vệ sinh. Thậm chí đến khi bệnh nhân chết, các y, bác sĩ tiếp tục chăm sóc khói hương. Trong trung tâm có một khu nhà thờ để hài cốt của những bệnh nhân không tên tuổi.  
Chuyện tắm rửa, vệ sinh vất vả hơn nhiều. Nhiều bệnh nhân tiểu tiện ngay tại chỗ, nhân viên điều dưỡng, hộ lý lại tất bật tắm rửa, thay quần áo, dọn dẹp sạch sẽ. Trong giờ hành chính, mỗi người được phân công làm một việc khác nhau. Đến giờ ăn, tất cả nhân viên từ bác sỹ cho đến hộ lý đều tập trung để cho bệnh nhân ăn. 
Đối với bệnh nhân nặng, thức ăn phải được cắt nhỏ, xay nhuyễn rồi đút từng thìa một. Bệnh nhân không chịu ăn uống thì phải ngồi dỗ dành như một đứa trẻ. Đối với các bệnh nhân lên cơn lại càng khổ cực hơn, họ không chịu ăn lại quấy phá, các chị phải “đè” bệnh nhân ra “ép” họ ăn cho bằng được. Mỗi lần cho ăn cũng mất hơn một tiếng đồng hồ. Khi bệnh nhân ăn xong thì đã qua mất giờ ngủ trưa.
Trực đêm là thời điểm khổ cực nhất. Chỗ ngủ cho nhân viên chật chội. Đêm đến, bệnh nhân la hét, quậy phá cả đêm làm cho bệnh nhân cả khu nháo nhào thức giấc. Nhân viên trực phải mơn trớn, dỗ dành, “ru” cho bệnh nhân ngủ. Nhiều đêm bệnh nhân lên cơn đau đột ngột, bóng áo “blouse trắng” lại tất bật đưa lên bệnh viện, làm hồ sơ, chăm sóc bệnh nhân như một người nhà. 
Y sĩ Nguyễn Thị Phượng có thâm niên ở Trung tâm lâu nhất
Y sĩ Nguyễn Thị Phượng có thâm niên ở Trung tâm lâu nhất
Từ lãnh đạo đến nhân viên đều “ăn đòn” của 
bệnh nhân
Chăm sóc bệnh nhân đã khó, chăm sóc bệnh nhân bị các chứng bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Đội ngũ điều dưỡng, y bác sĩ và kể cả những người bảo vệ nơi đây đang ngày đêm làm việc thầm lặng để điều trị và chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho các bệnh nhân. Làm việc ở đây, ngoài lòng yêu nghề đặc biệt thì cần phải có lòng kiên nhẫn, chịu đựng, sự cảm thông và tình thương người đặc biệt. Khi người bệnh đau ốm, họ buồn, lo lắng; nghe những câu nói vu vơ, nụ cười khanh khách, đánh nhau… của bệnh nhân mà họ lại rơi nước mắt.  
Điều dưỡng viên Nguyễn Thị Mỹ Duyên (SN 1962), có thâm niên 35 năm gắn bó với người bệnh tâm thần cho biết: “Ra trường là mình được phân bổ về Trung tâm làm luôn. Mới đầu vào làm, mình khiếp sợ đến nỗi mỗi ngày vào trung tâm là một ngày mình bị ức chế. Nghe tiếng cười hềnh hệch, những hành động “bất thường”, rồi la hét, đánh nhau mà mình cứ ngỡ không làm nổi. Ngày nào đi làm về đầu cũng đau như búa bổ. Mọi bực tức trong lòng đều “trút” lên đầu người nhà. Đêm nào cũng mất ngủ vì bị ám ảnh bởi những hình ảnh điên dại của bệnh nhân. Nhưng cũng chính từ những giọt nước mắt của người bệnh mà tình thương, lòng yêu nghề của mình ngày một “lớn lên”. Giờ mà bảo phải nghỉ việc ở đây, mình càng không chịu nổi”.
Khi chúng tôi hỏi: “Chị đã bao giờ bị bệnh nhân đánh chưa?”, điều dưỡng Duyên cười hiền bảo: “Ở đây, từ lãnh đạo đến bác sĩ, điều dưỡng, bảo vệ bị bệnh nhân đánh, bị chửi tục là “chuyện thường ngày ở huyện”. Vừa ngồi kết tóc cho một bệnh nhân nữ, chị Duyên kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm đáng nhớ nhất: “Hôm đó mình đang cho bệnh nhân ăn thì có một bệnh nhân lên cơn nặng. Mình hoảng quá, chạy lại hỏi han thì bị bệnh nhân đánh đến ngất. Khi tỉnh dậy nằm trong bệnh viện mới biết mình bị bệnh nhân đánh gãy xương gò má”.
Khốn khổ bệnh nhân yêu bác sĩ
Y sĩ Nguyễn Thị Phượng (SN 1960) kể cho chúng tôi cái duyên đến với nghề. Thời đó, vào làm ở Trung tâm mình xác định chỉ làm tạm thời. Nghe đến bệnh nhân tâm thần là sợ “xanh” mặt. Sáng nào đi làm, trước khi bước vào cổng Trung tâm là phải thở dài, tự động viên bản thân vứt hết mọi khó khăn hôm qua để hôm nay nở nụ cười lấy tinh thần làm việc. Thế mà, nơi đây giống như một loại thuốc gây nghiện, càng làm càng thấy gắn bó. 
Có những kỷ niệm mà chị không thể nào quên: “Trong khu C tôi quản lý có một bệnh nhân nữ thích đi cắn người khác. Chị phải cách ly bệnh nhân riêng một phòng. Một lần, bệnh nhân đó khóc, gào thét: “Cho tui ra, tui nhớ mọi người lắm. Tui không cắn nữa đâu”. Nghe bệnh nhân nói vậy mà thương, chị liền mở cho ra. Không ngờ, vừa mở cửa bệnh nhân đã chạy xồng xộc tới cắn một bệnh nhân khác đến nỗi rơi cả thịt. 
“Cảnh tượng đó khiến tôi ớn đến tận chân tóc. Thấy bệnh nhân chảy nhiều máu, tôi hoảng quá nén cơn buồn nôn lại đưa đi băng bó. Mấy ngày sau, mỗi lần nhìn thấy trên bàn ăn có thịt là tôi lại không ăn nổi. Vì tình huống đó mà tôi gầy đi trông thấy” - chị Phượng kể.
Không chỉ làm việc, các y, bác sĩ phải luôn dành thời gian tâm sự, chia sẻ với bệnh nhân. Có em sống trong cảnh bố mẹ luôn cãi cọ nhau, có những em phát điên vì mối tình không được đền đáp, rồi học giỏi thi không đậu… Mỗi em một hoàn cảnh. Chính những sự quan tâm đặc biệt đó, nhiều bệnh nhân đem lòng yêu “tấm áo blouse trắng”. Mỗi lần gặp trường hợp như vậy, họ luôn phải khéo léo tìm cách định hướng lại cảm xúc cho bệnh nhân, nếu khuyên bảo không tốt sẽ làm cho bệnh nhân suy nghĩ tiêu cực. Giống như cô bé ở khu C đã tự tử không thành vì tình yêu bác sĩ không được đáp trả.
Sống với “thế giới người điên” dù khổ cực nhưng ai cũng có lòng thương người đặc biệt. Chính những tình yêu thương, chăm sóc chân thành như người nhà đã giúp biết bao bệnh nhân bình thường trở lại để trở về nhà. Thành quả của họ được đền đáp bằng sự cảm kích, lòng biết ơn của bệnh nhân, như một “người điên” đã khỏi bệnh hồn nhiên nói: “Tui biết ơn cô Phượng nhiều lắm. Tui ước chi cô Phượng giống như Tôn Ngộ Không, có thể biến thành 100 cô Phượng khác. Mỗi lần cô về nhà lại có cô Phượng khác ở đây chơi với tui”.

Đọc thêm