Vụ nổ san phẳng hơn 2.000 km²
Ngày 30/6/1908, lúc 7h17, bên bờ sông Tunguska yên tĩnh miền tây Siberia nước Nga, xuất hiện một cột sáng chói lòa rạch ngang trời, vang lên một tiếng nổ cực mạnh, trời long đất lở, mặt đất rung lắc bần bật. Vụ nổ san phẳng hơn 60 triệu cây cối trong một khu vực rộng hơn 2.000 km².
May mắn thay, khu vực xảy ra tai nạn không có người ở. Không báo cáo chính thức nào cho thấy thương vong, dù rằng người ta có ghi lại một trường hợp người chăn hươu bị văng vào cây rồi tử vong do sức ép lớn. Tại hiện trường vụ nổ, hàng trăm con hươu cháy xém nằm la liệt trên nền đất, kế bên là những thân cây lớn bị sức ép quật ngã nằm song song như những que diêm quá khổ.
Dân cư trong phạm vi ảnh hưởng kể lại những dữ kiện rùng mình của mặt đất rung chuyển và kính cửa sổ vỡ vụn, có những người bị thổi bay khỏi mặt đất. Thị trấn cách trung tâm vụ nổ 60 km cảm nhận rõ sức mạnh của vụ nổ thông qua những mảnh thủy tinh vương vãi khắp nơi, có người còn thấy cả sức nóng tỏa ra từ viên đá trên trời rơi xuống.
Còn người dân du mục quanh vùng vẫn cảm thấy run lên cầm cập khi trải qua những trận cuồng phong, lều vải của họ bị cuốn bay cách xa cả cây số. Cách trung tâm vụ nổ về phía Nam có một thị trấn tên Vanavara, vào sáng sớm hôm xảy ra vụ nổ, cùng với tiếng nổ vang trời, những cửa kính của các nhà cửa, công trình kiến trúc đều bị vỡ tan, khung cửa, cánh cửa sổ,... bị chấn động lắc lư rã rời hết. Tiếp đến là sóng khí từ mặt đất cuộn lên, cuồng phong ập đến, làm bốc mái toàn bộ các ngôi nhà. Cây cối trên đường phố và trong vườn hoa bị bật cả gốc rễ lên.
S. Semenov, một người dân sống trong khu vực vào thời điểm đó kể lại: "Lúc buổi sáng tôi đang ngồi cạnh nhà. Bỗng nhiên tôi thấy bầu trời chia làm hai và cột lửa lớn, cao xuất hiện bên trên khu rừng. Đoạn chia tách trên bầu trời ngày càng lớn, và toàn bộ phía bắc đều bị lửa bao trùm. Khi ấy tôi thấy nóng tới mức không chịu nổi, cứ như áo sơ mi bắt lửa, hơi nóng ngày càng mạnh phả tới từ vệt phía bắc. Tôi đã có ý định xé rách áo và ném nó đi, nhưng sau đó bầu trời bỗng tối sầm lại, và một tiếng vang lớn phát ra, tôi bị đẩy bắn đi vài mét".
Vụ nổ đó gây ra sóng địa chấn rất mạnh truyền tận sang đến Trung Âu. Các trạm quan trắc địa chấn của Đức và Anh đều ghi lại được tình trạng Trái Đất chịu những chấn động rất mạnh. Thậm chí cả đến đảo Java ở Indonesia và bên kia Trái Đất, tại thủ đô Washington của Mỹ cũng ghi nhận được những chấn động tương tự.
Những rừng cây bị cháy trơ trọi sau vụ nổ. |
Sau khi vụ nổ lớn xảy ra các nơi trên thế giới đều có những phản ứng tự nhiên. Tại London, toàn bộ đèn điện bỗng nhiễn bị tắt hết, dân chúng chìm trong bóng tối dày đặc. Tại Hà Lan thì ban đêm mà lại rực lên ánh sáng trắng như ban ngày. Còn người dân nước Mỹ thì cảm thấy rõ mặt đất rung chuyển.
Đặc biệt, vùng Tunguska thì suốt 3 ngày đêm kể từ vụ nổ xảy ra, không xuất hiện bóng đêm nữa. Trong mấy ngày đó người ta trông thấy ánh sáng mặt trời lọt qua tầng mây bỗng chiếu ra những tia sáng kỳ lạ màu xanh lục. Trong mấy đêm sau đó, bầu trời cũng sáng hơn rất nhiều so với bình thường. Dần dần cho đến cuối tháng 8, bầu trời mới trở lại trạng thái bình thường.
Hàng loạt giả thuyết được đưa ra
Năm 1934, các nhà khoa học Xô viết công bố một loạt giả thuyết khác nhau trong nghiên cứu của Kulik. Họ cho rằng một sao chổi, chứ không phải thiên thạch, đã tấn công Tunguska. Do sao chổi có thành phần chủ yếu là băng, nên nước đã bay hơi hoàn toàn sau khi va chạm và không còn dấu vết nào để lại.
Năm 1965, Cowan, Atluri và Libby cho rằng sự kiện Tunguska do sự hủy diệt của một khối phản vật chất rơi xuống từ vũ trụ gây nên. Tuy nhiên, họ lại không tính được lượng rác khoáng chất còn lại trong vùng sau vụ nổ. Hơn nữa, không hề có bằng chứng thiên văn học nào cho thấy những khối phản vật chất như vậy hiện diện trong vùng vũ trụ của chúng ta.
Năm 1973, Jackson và Ryan đã đưa ra giả thuyết rằng sự kiện Tunguska do một hố đen “nhỏ” đi qua Trái Đất gây nên. Không may cho giả thuyết này, không hề có bằng chứng về một vụ nổ thứ hai như vậy xảy ra khi hố đen rời khỏi Trái Đất và nó cũng không được chấp nhận rộng rãi. Hơn nữa, giả thuyết sau đó của Stephen Hawking về việc các hố đen bức xạ năng lượng cho thấy một hố đen nhỏ như vậy sẽ bốc hơi từ lâu trước khi nó có thể chạm tới Trái Đất.
Những người ủng hộ Vật thể bay không xác định (UFO) từ lâu lại tuyên bố rằng sự kiện Tunguska là kết quả một vụ nổ tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh hay thậm chí là một loại vũ khí của người ngoài hành tinh được sử dụng để “cứu Trái Đất khỏi một mối đe dọa sắp tới”.
Tuy nhiên, kịch bản cho sự kiện này được nhiều người tin tưởng nhất là cú va chạm của một sao chổi hay tiểu hành tinh với Trái Đất. Nhưng điều đáng nói là trên sông Tunguska, ngay cả ở vùng trung tâm của vụ nổ cũng không hề có dấu vết của va chạm cũng như những mảnh vụn còn sót lại của sao chổi hay tiểu hành tinh.
Các nhà khoa học đi đến giả định rằng sao chổi đã không hề va chạm với mặt đất, nó đã lao qua khí quyển Trái Đất với vận tốc hơn 50.000 km/giờ, ma sát với không khí nóng, lớp vỏ của nó lên tới 44.500 độ F. Ở độ cao 8,5km, nhiệt độ này làm sao chổi/thiên thạch tự đốt cháy và phân hủy khiến nó nổ tung trên không. Đó là lý do tại sao những người chứng kiến nhìn thấy bầu trời sáng lên trước khi mọi thứ bị hủy diệt và cũng vì thế mà không có những dấu vết của cú va chạm trên mặt đất.
Mặc dù đa số các nhà khoa học nói riêng cũng như dư luận nói chung tin vào kịch bản về cú va chạm của sao chổi hoặc thiên thạch, việc thiếu những bằng chứng cuối cùng vẫn làm cho sự hiếu kì của nhân loại với sự kiện này không thể chấm dứt, ngay cả giả thuyết về sự tấn công của những người ngoài hành tinh cũng đã được một số người giàu trí tưởng tượng phác họa lại, mô tả nó là một vụ nổ do một loại vũ khí hủy diệt đặc biệt nên không hề để lại dấu vết.
Tóm tại, vụ nổ Tunguska xảy ra tại Siberia năm 1908 cho đến nay vẫn là một bí ẩn của thế giới. Tuy rằng liên tục có những suy luật mới được đưa ra, nhưng ý kiến nào có thể trở thành kết luận cuối cùng thì còn phải chờ các nhà khoa học các nước trên thế giới đi sâu khảo sát thăm dò và nghiên cứu.