Thông tin gây chấn động giới khoa học thế giới trên được công bố vào những năm cuối cùng của thế kỷ XX, khi hai nhà khoa học M.F. Robinson và R.J. Timmins thuộc Tổ chức Bảo tồn Động thực vật quốc tế (FFI) thu được 12 mẫu của một loài thú gặm nhấm rất kỳ lạ có tên địa phương là “kha nượu” do người dân bày bán ở chợ thuộc huyện Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Lào)…
Loài chuột đá huyền bí
Các mẫu trên rất nhanh chóng được chuyển đến Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) để phân tích. Nhóm nghiên cứu của nhà nữ sinh vật Paulina D. Jenkins nhận thấy, chúng hoàn toàn khác xa với các loài thú gặm nhấm hiện đại khác trên thế giới. Bởi vậy, họ đã xếp loài thú này vào một họ mới (tên khoa học là Laonestidae), giống mới (Laonestes) và loài mới (Aenigmanus) với tên tiếng Anh là Laotian Rock Rat, tức là Chuột đá Lào vào năm 2005.
Một năm sau, nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Dawson đã tiến hành so sánh các đặc điểm hình thái của loài thú mới này với các hóa thạch gặm nhấm cổ đại. Nghiên cứu khoa học phát hiện rằng, Chuột đá Lào chính là đại diện còn sống duy nhất của họ thú cổ Diatomyidae đã bị tuyệt chủng cách đây 11 triệu năm. Bởi vậy, Chuột đá Lào được xem là “hóa thạch sống” của họ Diatomyidae.
Đến tháng 9/2011, FFI thông báo đã phát hiện Chuột đá Lào ở vùng rừng núi của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng (địa phận xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) và đây là “thủ phủ” của chúng. Công bố này là một bí ẩn gây chấn động khoa học nghiên cứu động vật và mọi ánh mắt bắt đầu đổ dồn về Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.
“Do có vùng phân bố hẹp và đang bị tác động mạnh bởi con người nên Chuột đá Trường Sơn được đưa vào Danh lục Đỏ IUCN (2012) ở bậc EN- Nguy cấp.
Những hiểu biết về sinh học, sinh thái của loài này hiện còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với quần thể mới phát hiện ở VQG Phong Nha – Kẻ Bàng.
Rất nhiều bí ẩn chưa thể lý giải hết và tất cả vẫn đang chờ sự khám phá của con người…”
Trong báo cáo “Xác định vị trí phân loại, vùng phân bố và đánh giá các đe dọa để bảo tồn loài Chuột đá Trường Sơn (Laonastes sp.) ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng” năm 2014 của Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học hàng đầu Việt Nam và Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, khẳng định việc tìm thấy một quần thể chuột đá đang sinh sống tại xã Thượng Hóa - khu vực mở rộng của Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng.
Nhưng các kết quả phân tích so sánh đặc điểm hình thái (chiều dài các bộ phận cơ thể như đuôi, thân đầu, sọ, xương chẩm…) và các xét nghiệm, nghiên cứu chuyên sâu khác, nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, quần thể chuột đá ở Phong Nha – Kẻ Bàng là loài mới, mặc dù đều cùng một giống Laonastes nhưng độc lập với Chuột đá Lào. Và các nhà khoa học Việt Nam cũng đã đặt tên cho loài thú huyền bí này là “Chuột đá Trường Sơn” (Annamite Rock Rat) để khẳng định sự khác biệt đó.
Theo dấu Knê-củng
Phóng viên tìm đến “vương quốc” của Chuột đá Trường Sơn – khu vực rừng vùng đệm của Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, thuộc địa phận xã Thượng Hóa để tìm hiểu về loài thú bí hiểm này. Nơi đây là “thủ phủ” của đồng bào dân tộc Rục – nhóm tộc người ít ỏi được Bộ đội Biên phòng phát hiện vào năm 1959. Lúc ấy, người Rục sinh sống hoang dại giữa đại ngàn miền Tây Quảng Bình. Họ lấy hang đá làm nhà, bột nhúc, bột cây đoác thay cơm, lấy thú rừng, cá khe làm thực phẩm, vỏ cây rừng làm quần áo.
Trò chuyện với chúng tôi về loài chuột đá bí ẩn, anh Cao Xuân Tiến (49 tuổi, ở bản Ón, xã Thượng Hóa) cho biết: “Thì ra là Knê-củng! Xưa đói khổ người Rục mình đánh bẫy ăn mãi dù thịt nó vị hơi đắng… Nay nhờ có Bộ đội Biên phòng, chính quyền hỗ trợ, bày cho cấy lúa, làm mùa nên người dân không bẫy bắt nó nữa rồi” – anh Tiến cho hay.
Một cá thể Chuột đá Trường Sơn được chăm sóc để phục vụ việc nghiên cứu tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng |
Theo đồng bào Rục vùng Thượng Hóa, Knê-củng xuất hiện nhiều nhất vào khoảng tháng 6 - 9 âm lịch và gần như chỉ hoạt động vào ban đêm. Chúng sống và tìm thức ăn quanh quẩn hang trú ngụ. Còn theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu Việt Nam, Knê-củng thường bị bẫy bắt ở các khu vực chân núi đá vôi có nhiều tảng đá lớn và cả trong một số hang núi trên sườn dốc cao. Thức ăn chủ yếu của Knê-củng là thực vật và chúng chỉ mang một thai duy nhất.
Mặc dù hiện đang sinh sống ngay trong vùng phân bố tự nhiên của tổ tiên 11 triệu năm trước, nhưng giống chuột đá này hiện phân bố trong vùng diện tích không quá 500.000ha trong vùng giao thoa của Khu bảo tồn Hin Nậm Nô (Lào) và khu vực rừng vùng đệm của VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Tại hai khu vực này, loài Knê-củng đều đang chịu áp lực mạnh của việc bẫy bắt, sự quấy nhiễu và suy thoái sinh cảnh do sự khai thác lâm sản, phá rừng làm nương rẫy của người dân địa phương. Bởi vậy, vấn đề nỗ lực để bảo tồn loài Laonestes cần phải được ưu tiên cao nhất.