Tuy nhiên, nếu nhìn xa khỏi làn sương khói đó, bạn sẽ phát hiện một kho tàng những thần thoại, những điều kỳ thú và những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Tổ tiên bí ẩn
Nằm lọt thỏm giữa những đỉnh núi của dãy Himalaya, làng Malana được bao bọc bởi những vách núi dựng đứng và những sườn núi quanh năm tuyết phủ. Khách du lịch từ lâu đã kéo đến ngôi làng chỉ có gần 1.700 dân này và ở lại trong nhiều ngày để tận hưởng thứ mà dân địa phương xem là thảo dược thần kỳ, trong khi người ngoài xem là một cách để giải thoát tâm hồn, đó là kem Malana nổi danh. Loại nhựa cần sa này nổi tiếng cả nhờ kỹ thuật sản xuất bằng cách chà tay và công dụng làm người ta túy lúy của nó.
Tuy nhiên, đó không phải là thứ duy nhất khiến Malana trở nên nổi tiếng và thu hút du khách. Nhiều người đến đây để cố giải thích những huyền thoại bao quanh ngôi làng. Truyền thuyết kể rằng, vào năm 326 trước Công nguyên, đạo quân của Alexander Đại đế sau khi quân lính bị thương trong trận chiến với Porus (một thủ lĩnh ở vùng Punjab của Ấn Độ) đã trú ẩn ở ngôi làng hẻo lánh này.
Chính những binh sĩ của Alexander Đại đế đó được cho là tổ tiên của dân làng Malana dù mối liên hệ huyết thống giữa dân làng với những người quân lính xưa kia đến nay vẫn chưa từng được nghiên cứu và xác lập.
Dù vậy nhưng việc những di chỉ có từ thời kỳ này đã được tìm thấy trong làng, ví dụ như một thanh gươm được cho là được cất giữ bên trong một ngôi đền nổi tiếng của làng, vẫn được xem là bằng chứng chứng minh cho việc người dân ở làng chính là hậu duệ của Alexander Đại đế.
“Giả thiết cho rằng dân Malana có nguồn gốc từ đạo quân của Alexander Đại đế đã trở thành một sự thật được thừa nhận rộng rãi nhưng tôi không tìm thấy bất cứ bằng chứng thực sự nào để hỗ trợ cho giả thuyết này. Người ta đã tìm thấy một số vũ khí và những thứ khác vốn chỉ ra mối liên hệ này nhưng tôi chắc rằng điều đó không phải là bằng chứng”, ông Amlan Datta - một nhà làm phim đã dành cả một thập niên làm việc ở Malana cho biết.
Ngôn ngữ kỳ lạ
Trên thực tế, giả thiết về tổ tiên của người dân làng Malana được hình thành dựa trên những khác biệt rất dễ nhận thấy trong đặc điểm thể chất cũng như ngôn ngữ của người dân địa phương với những người dân các khu vực xung quanh.
Người Malana có đặc trưng nhận diện là mái tóc màu nâu nhạt, mũi cao và nước da ngăm hoặc nâu vàng. Đa số họ ăn vận theo kiểu truyền thống với áo choàng nâu nhạt, mũ và giày đế bệt. Nhiều người cho rằng người Malana trông giống người Địa Trung Hải hơn là người ở Himachal của Ấn Độ.
Chính sự khác biệt này càng làm tăng thêm bí ẩn xung quanh người Malana và bản sắc của họ. Người Malana nói tiếng Kanashi - thứ ngôn ngữ được cho là thiêng liêng và không dạy ngôn ngữ này cho người ngoài. Ngôn ngữ này không hề được nói ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới.
Vài năm trước, trường Đại học Uppsala ở Thụy Điển dưới sự chủ trì của giáo sư ngôn ngữ học Anju Saxena đã tiến hành một nghiên cứu về tiếng Kanashi. “Tiếng Kanashi đủ điều kiện để được xem là ngôn ngữ có nguy cơ bị đe dọa vì nó là một ngôn ngữ không có văn bản viết và gần như là không được mô tả.
Ngôn ngữ này thuộc hệ ngôn ngữ Hán-Tạng và trong số tất cả các ngôi làng xung quanh, người dân nói các ngôn ngữ thuộc hệ Ấn-Âu vốn hoàn toàn không có liên hệ gì với tiếng Kanashi. Điều này đặt ra câu hỏi thú vị liên quan đến lịch sử trước đây và cấu trúc ngôn ngữ của nó”, ông Saxena cho hay.
Ngay cả việc đi đến làng Malana cũng là hành trình ít người biết. Không có con đường nào xe có thể chạy đến ngôi làng được. Để đến được đây, du khách sẽ phải mất vài tiếng đồng hồ đi bộ từ làng Jari ở tận cùng thung lũng Parvati. Khi đến gần ngôi làng, du khách sẽ phải băng qua một quãng đường dốc và đáng sợ đến nghẹt thở.
Thiết chế quản lý gây đau đầu
Dù cần sa lâu nay vẫn là xương sống trong nền kinh tế của làng Malana nhưng nó cũng đã dẫn đến một loạt các vấn đề văn hóa-xã hội cho chính người dân trong làng, ví dụ như tình trạng trẻ em bị lôi kéo vào việc buôn bán chất kích thích. Đây được cho là lý do vào năm 2017, vị thần bảo hộ cho làng là Jamdagni Rishi, còn có tên khác là Jamlu Devta, đã chỉ dụ yêu cầu đóng cửa tất cả các nhà nghỉ trong làng, khiến ngôi làng chỉ còn tiếp đón người ngoài vào ban ngày.
Chế độ dân chủ độc đáo của Malana được cho là nằm trong số lâu đời nhất trên thế giới, với nhiều nét tương tự như hệ thống dân chủ Hy Lạp cổ đại. Thể chế của họ cũng bao gồm Thượng viện và Hạ viện. Tuy nhiên, chế độ ở đây có một điểm nhấn tâm linh độc đáo, đó là quyền quyết định cuối cùng nằm ở thượng viện vốn bao gồm ba nhân vật quan trọng, mà một trong số đó là Jamlu Devta - người đại diện của vị thần của làng.
Thiết chế chính trị của làng lâu nay đã làm đau đầu các nhà nghiên cứu và các du khách, khiến họ không thể hiểu tại sao một cơ chế quản lý tân tiến như thế có thể có ở một ngôi làng Himalaya xa xôi và kỳ lạ như vậy. “Devta là tiếng nói cuối cùng và chúng tôi có tổ chức bao gồm một hội đồng và ba nhân vật chính trị mà một trong số đó là thị giả Gur - người thần Jamlu nhập vào để truyền đạt cho chúng tôi quyết định của Jamlu Devta”, một thiếu niên bán thuốc lá tên Rohan cho hay.
Dân địa phương lâu nay vẫn lưu truyền truyền thuyết cho rằng Jamlu Devta đã từng cư trú ở làng Malana - ngôi làng mà ông được Thần Shiva ban cho. Trong làng Malana hiện có 2 ngôi đền, một là để thờ ông, ngồi đền còn lại thờ vợ ông là bà Renuka Devi.
Trong đó, đền thờ Jamlu Devta có nhiều cột gỗ rộng, với những cánh cửa với họa tiết tinh vi và một số xương, hộp sọ và những bộ phận cơ thể động vật được hiến tế được treo trên một bức tường. Để chạm tay vào nơi được cho là linh thiêng của thần Jamdagni Rishi, du khách sẽ phải trả số tiền lên đến gần 50 USD.
Người dân Malana rất hạn chế tiếp xúc với người ngoài, nhất là tiếp xúc cơ thể trực tiếp. Họ luôn cảnh báo du khách về việc giữ khoảng cách. Dù cũng có một số người trẻ ôm hôn hay bắt tay, đa số người dân ở đây vẫn hết sức tuân theo điều cấm kỵ là không được đụng vào người ngoài. Ví dụ, khi khách muốn trả tiền cho một chai nước, người chủ quán sẽ yêu cầu họ để tiền trên quầy thay vì đưa trực tiếp. Tại ngôi làng này, người dân bắt buộc phải lấy người trong làng, ai vi phạm nguyên tắc này sẽ bị cộng đồng tẩy chay.
Khác với những người Himachal vốn nổi tiếng là nồng ấm và thích trò chuyện, thích chia sẻ những câu chuyện và đồ ăn với khách ở xung quanh, người Malana bản địa hiếm khi chuyện lâu với khách đến thăm. Chính những truyền thuyết, những câu chuyện về nguồn gốc và những phong tục, tập quán, cũng như phong cách sống khép kín của người Malana càng khiến cho họ trở nên bí ẩn và thu hút với thế giới bên ngoài.