Cổng Mặt Trời - kiến trúc cổ đại bí ẩn thách thức sự hiểu biết của nhân loại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cổng Mặt Trời thuộc di tích Tiwanaku - một thành phố cổ xưa và bí ẩn. Đây là một cổng vòm đá nguyên khối nằm gần hồ Titicaca ven thành phố La Paz.
Cổng Mặt Trời.
Cổng Mặt Trời.

Công trình cao khoảng 3m, rộng gần 4m với tổng trọng lượng khoảng 10 tấn. Nó được biết đến như một trong những minh chứng tốt nhất cho mức độ hoàn hảo mà nền văn minh cổ đại làm ra nó đạt được, cả về nghệ thuật cũng như trình độ công nghệ.

Biểu tượng của nền văn minh cổ đại

Cổng Mặt Trời là một cổng vòm bằng đá hoặc khối đá khổng lồ được xây dựng bởi nền văn hóa Tiwanaku cổ đại của Bolivia. Nó nằm gần hồ Titicaca - hồ nước ngọt cao nhất thế giới. Di tích Tiwanaku là một quần thể di tích lớn, rải rác trên một dải đất cao, dài 1.000m, rộng 400m, án ngữ đoạn đường quan trọng từ Thái Bình Dương vào đất liền.

Di tích này bị một con đường lớn chia cắt làm hai nửa. Một bên là kim tự tháp Agabana cao 15m, diện tích 210m2. Còn bên kia là công trình kiến trúc đền Kalasasaya dài 118m, rộng 112m. Kiến trúc này đến nay vẫn nguyên vẹn, chưa bị tổn hại gì, tường đá bốn bề kiên cố, bên trong có bậc thang dẫn xuống sân trong.

Từ một tảng đá dài nguyên khối nặng hàng trăm tấn được tạo hình, chạm khắc trang trọng, tỷ lệ cân đối mà hình thành “Cổng Mặt Trời”. Nó cao 3,048m, rộng 3,962m, nặng hơn 10 tấn, ở giữa đục thành một cửa thông. Phần phía trên cổng được trang trí bằng những nét chạm khắc rất tinh xảo. Ở giữa cổng là bức tượng thần Viracocha, bao xung quanh là 48 hình vuông tượng trưng cho 48 nhân vật có cánh. Trong số 48 ô vuông này, một số nhân vật có khuôn mặt con người, số còn lại có đầu kền kền khoang cổ Nam Mỹ hoặc mèo. Tất cả đều quay đầu hướng về phía tượng thần Viracocha.

Viracocha là vị thần sáng tạo vĩ đại trong nền văn minh tiền Inca và Inca ở vùng núi Andes thuộc Nam Mỹ. Theo truyền thuyết, thần Viracocha sinh ra từ hồ Titicaca. Sau đó, ngài đã tạo ra Mặt trời, Mặt trăng và các ngôi sao. Vị thần cổ đại này được cho là đã tạo ra con người từ đá, nhưng loài người đầu tiên ngài tạo ra là những người khổng lồ không có não. Điều này khiến ngài không hài lòng, vì vậy ngài đã tiêu hủy họ bằng một trận lũ và tạo ra loài người mới từ những hòn đá nhỏ hơn.

Hình ảnh thần Viracocha được chạm khắc trên cánh cổng Mặt Trời.

Hình ảnh thần Viracocha được chạm khắc trên cánh cổng Mặt Trời.

Sở dĩ người ta gọi nó là Cổng Mặt Trời vì vào ngày 21/9, tiết Thu phân hàng năm, những tia nắng bình minh đầu tiên luôn chiếu rọi xuống mặt đất ở giữa cửa tảng đá này.

Nhưng vấn đề được đặt ra, vào thời kỳ đó, lực lượng sản xuất rất nguyên thuỷ làm sao có thể đưa được tảng đá nặng hàng trăm tấn từ nơi khai thác đến để lắp đặt. Để hoàn thành công việc đó, mỗi tấn trọng lượng phải cần đến 65 người và hàng cây số dây thừng bền chắc. Như vậy thì phải có tổng cộng 26.000 người tham gia vận chuyển và để có chỗ ăn ở cho một đội ngũ như vậy thì cần phải có một thành phố lớn. Mà những điều kiện như vậy thì lúc bấy giờ đều chưa có.

Ngoài ra, một số người lại cho rằng, lúc đầu, họ dùng thuyền đáy phẳng từ chỗ khai thác chuyển đá qua hồ Titicaca. Nếu như quan điểm này đúng thì chiếc thuyền được sử dụng lúc đó còn lớn hơn gấp mấy lần thuyền của những người thực dân Tây Ban Nha sau đó mấy thế kỷ. Điều đó cũng là việc không có khả năng vào lúc bấy giờ.

Không chỉ Cổng Mặt Trời, quần thể đền Kalasasaya cạnh đó cũng được bao quanh bởi một bức tường thành bằng đá hình chữ nhật có diện tích khoảng 128,74 x 118,26m, được làm từ các phiến đá sa thạch đỏ, có phiến nặng đến 130 tấn và chỉ có một cổng vào. Cổng vào có các bậc được làm bằng đá, có bậc chỉ làm từ một phiến đá nguyên khối dài khoảng 10m.

Các khối đá ở đây được cắt với cạnh góc vuông hoàn hảo đến nỗi khi ráp lại với nhau, chúng tạo thành các liên kết khít đến nỗi không thể nhét một tờ giấy mỏng vào giữa.

Công trình tiền sử thách thức khoa học hiện đại

Xét từ đặc điểm tia nắng Mặt Trời đầu tiên xuyên qua Cổng Mặt Trời và tia nắng Mặt trời đầu tiên xuyên qua Cổng Mặt Trời trong tiết thu phân thì rõ ràng đây là một kiến trúc có liên quan đến lịch pháp. Rất nhiều học giả cho rằng, hầu hết các hình và ký hiệu được khắc trên Cổng Mặt Trời đều có liên quan đến lịch pháp.

Trong cuốn “Hiện tượng ngẫu nhiên của Tiwanaku”, hai nhà khoa học Bellermi và Aluan đã nghiên cứu tỉ mỉ các đồ án và ký hiệu của Cổng Mặt Trời. Họ cho rằng, phía trên của Cổng Mặt Trời đã ghi lại số lượng lớn kiến thức thiên văn, sớm nhất và vào 2.700 năm về trước, mà những tri thức này được tạo nên trên cơ sở Trái đất là hình tròn.

Khi khảo sát Cổng Mặt Trời, học giả Hanke người Anh đã phát hiện thấy trên Cổng Mặt Trời còn khắc những hình động vật thời kì tiền sử kỳ dị không ngờ tới. Loại động vật này có hình thể khỏe khắn, bốn chân hơi thô, dường như nó là dường như nó là loài tạp giao giữa hà mã và trâu. Trong giới động vật ngày nay, dường như từ lâu đã không tồn tại loài động vật nào giống như vậy. Nhưng các nhà sinh vật cổ vừa nhìn thấy chúng đã nhận ra ngay loại động vật hình thù chậm chạp trong hình vẽ là thú răng hở - một loài động vật thời tiền sử đã tiệt chủng.

Thú răng hở là loài động vật có móng phổ biến nhất ở đại lục châu Mỹ đương thời. Nó dài khoảng 2,8m; cao 1,4m; có 3 ngón chân giống trâu nhưng lại thấp và không có sừng, giữa răng cửa có kẽ hở lớn, do vậy được gọi là thú răng hở. Nhưng nó sớm bị tuyệt chủng từ 12.000 năm trước. Ngày nay, những hiểu biết của con người có được về loài động vật này là từ các hóa thạch đã được phát hiện. Do vậy, Hanke đưa ra phán đoán, niên đại xây dựng Cổng Mặt Trời không thể muộn hơn từ cuối thời kỳ canh tân đến trước 1 vạn năm trước Công nguyên.

Nhà khảo cổ học người Áo ngài Aspotmanxco lại đưa ra một giả thuyết, cho rằng nền văn hoá Tiwanaku có niên đại vào khoảng 13.000 năm trước. Nó được hình thành nhờ băng hà tan chảy đọng nước lại. Cổng Mặt Trời thực chất là một bộ lịch đá. Về sau lửa hoặc những thiên tai nào đó đã huỷ diệt mất thành phố và nền văn minh tiên tiến đó.

Còn nhà khảo cổ học người Mỹ Beneto lại cho rằng nơi đây nguyên là một thánh địa tôn giáo. Những người hành hương đã vượt núi băng sông để đến đây làm lễ. Có thể khi hành lễ người ta đã đem theo vật liệu đến để xây dựng và họ đã xây dựng nên những công trình kiến trúc hùng vĩ như vậy.

Cũng có ý kiến khác cho rằng, đây không phải là là nơi hoạt động tôn giáo, mà đơn giản là một trung tâm thương nghiệp lớn, một trung tâm văn hoá lớn. Những phù điêu nằm bên trên Cổng Mặt Trời và những tia bức xạ trên đó là biểu thị của nước mưa. Những tượng nhỏ hai bên đang đi về phía thần mưa, biểu thị sự thừa nhận uy quyền của thần mưa.

Những phân tích trên chỉ chứng tỏ nền văn minh cổ đại này có nền khoa học - kỹ thuật đã đạt đến trình độ rất cao. Sau đó vì một lí do nào đó, có thể là biến đổi khí hậu, động đất,… đã khiến nền văn minh này bị hủy diệt.

Trải qua hơn 400 năm nghiên cứu tìm tòi khám phá, văn hoá Tiwanaku và Cổng Mặt Trời vẫn là một trong vô vàn điều bí ẩn tới nay nhân loại vẫn chưa có lời giải.

Đọc thêm