Pháp hướng tới việc bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận hạ tầng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù là điểm đến hấp dẫn, nước Pháp cũng như Thủ đô Paris ngày nay vẫn bị xếp hạng thấp về vấn đề thuận tiện cho người khuyết tật so với mặt bằng các thành phố du lịch toàn cầu.
Bức ảnh chụp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngồi trên xe lăn chơi quần vợt với các vận động viên khuyết tật.
Bức ảnh chụp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngồi trên xe lăn chơi quần vợt với các vận động viên khuyết tật.

Nhiều giải pháp đã và đang được giới chức nước này triển khai để hướng tới Thế vận hội Olympic và Thế vận hội cho người khuyết tật 2024.

Nhiều tiến bộ rõ rệt

Để chuẩn bị cho việc đăng cai tổ chứcThế vận hội Olympic và Thế vận hội cho người khuyết tật, đến nay, giới chức Pháp đã triển khai nhiều chương trình hành động để cải thiện khả năng tiếp cận tại các khu vực diễn ra các sự kiện, trong khu vực nội đô Paris và vùng phụ cận.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, so với những mục tiêu đặt ra từ khi luật về Bình đẳng về quyền, cơ hội, quyền tham gia và quyền công dân của người khuyết tật ra đời năm 2005 đến nay, dù đã có những thay đổi đáng kể được ghi nhận, Pháp vẫn còn nhiều việc cần phải làm ở phía trước.

Trong vấn đề di chuyển, giao thông, theo thống kê, hiện nay ở riêng vùng Paris, tỉ lệ người khuyết tật ảnh hưởng đến khả năng đi lại ước tính chiếm 12%, bao gồm khuyết tật vận động, thị giác, thính giác, tâm thần, nhận thức.

Từ năm 2005, luật về Bình đẳng cho người khuyết tật ở Pháp đã đặt ra mục tiêu trong vòng 10 năm, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng phải dễ tiếp cận với người khuyết tật. Sau khi luật trên ra đời, các tuyến đường mới xây dựng, tuyến tàu điện trên mặt đất và mạng lưới xe bus đều đã được thiết kế đạt tiêu chuẩn này.

Tuy nhiên, các tuyến tàu điện ngầm đã có tuổi đời hơn 100 năm và các ga đường sắt không đáp ứng được yêu cầu đề ra trong khi việc cải tạo lại không hề đơn giản. Trong khi đó, 2 loại phương tiện này chiếm đến 53% phương tiện sử dụng của người khuyết tật. Đến năm 2019, mới chỉ có 38% các tuyến giao thông công cộng ở Paris có thể đảm bảo để người dùng xe lăn có thể sử dụng.

Nước Pháp được đánh giá đã có nhiều tiến bộ trong việc bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận xã hội.

Nước Pháp được đánh giá đã có nhiều tiến bộ trong việc bảo đảm cho người khuyết tật tiếp cận xã hội.

Trước những rào cản này, những người khuyết tật ở Paris gặp phải nhiều khó khăn hàng ngày trong việc đi lại. Tạp chí Le Monde trong một phóng sự cho hay, việc thiếu phương tiện giao thông công cộng ảnh hưởng lớn đến khả năng tự chủ của những người khuyết tật trẻ tuổi. Điều này dẫn đến việc họ vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của gia đình ngay cả trong những hoạt động cơ bản như việc đến trường hay tham gia các khoá đào tạo.

Vềcác tuyến tàu hoả vùng Paris, từ năm 2009 đến nay, khoảng 200 ga tàu đã được cải tạo lại để đảm bảo người khuyết tậttiếp cận được, mục tiêu là đến năm 2024 con số này sẽ đạt 270 ga, đưa tổng số ga và trạm dừng đạt chuẩn tiếp cận lên thành 639.

Tuy nhiên, con số này mới chỉ chiếm 60% số ga trên toàn vùng. Chi phí để đạt được mục tiêu chuẩn tiếp cận dự tính lên đến 1,4 tỷ euro. Theo quy định của Pháp, phần lớn chi phí để triển khai sẽ do cơ quan phụ trách giao thông vùng Ile-de-France (IDFM) đóng góp còn công ty đường sắt quốc gia SNCF chịu 25%.

Điều kiện cấp phép xây dựng

Bên cạnh giao thông và không gian công cộng, luật về bình đẳng cho người khuyết tật ở Pháp ban hành năm 2005 cũng yêu cầu các công trình tiếp đón công chúng và nhà ở phải đảm bảo khả năng tiếp cận cho người khuyết tật trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, sau khủng hoảng tài chính năm 2008, kinh phí và sự quan tâm cho vấn đề này đã sụt giảm, kéo theo việc triển khai mục tiêu đề ra bị chậm. Đến cuối năm 2019, mới chỉ có khoảng 1 triệu trong tổng số 1,4 triệu công trình, trụ sở đã và đang thực hiện tại Pairs đảm bảo tiếp cận cho người khuyết tật. Dịch bệnh Covid-19 càng khiến kế hoạch đã đề ra bị chậm hơn.

Mặt dù vậy nhưng luật trên ra đời vẫn đãđưa đến những chuyển biến rõ rệt. Tại Paris, những tiêu chuẩn này được thực hiện và kiểm tra nghiêm ngặt ở toàn bộ các công trình xây mới. Cùng với phòng cháy chữa cháy, khả năng tiếp cận cho người khuyết tật là 1 trong 2 tiêu chuẩn không thể thiếu.

Tại các trụ sở hành chính, hay các công trình công cộng, chúng ta dễ bắt gặp những đường dẫn dài với độ dốc tối đa chỉ 4-5%; những thang nâng, quầy lễ tân hay nơi thanh toán ở vị trí có độ cao phù hợp cho người dùng xe lăn. Các bãi đỗ xe cũng được thiết kế với 5% chỗ dành riêng và thuận lợi cho người khuyết tật.

Những biển chỉ dẫn, nút thang máy có chữ nổi, lối đi có gờ nổi cho người khiếm thị, phòng vệ sinh hay ghế nghỉ dành riêng cho người khuyết tật. Trong các công trình nhà ở chung cư có bố trí thang máy, 100% các căn hộ phải được thiết kế để người đi xe lăn có thể sử dụng. Đây là điều kiện các chủ cơ sở phải đảm bảo khi xin cấp phép xây dựng.

Không gian công cộng thân thiện

Thời gian qua, vùng Paris cũng đã đầu tư cải tạo để các toa tàu đạt chuẩn đồng bộ. Để đẩy nhanh tiến độ này, Chủ tịch Paris Valérie Pécresse đã kêu gọi chính phủ và thành phố Paris cùng tăng cường đầu tư cải thiện khả năng tiếp cận của mạng lưới giao thông. Đến nay, các tuyến tàu RER A, RER B và tuyến tàu điện ngầm 14 đã hoàn toàn tiếp cận được đối với người khuyết tật.

Các tuyến số tàu điện ngầm số 1, 2, 6 và 10 cũng đang tiến hành nghiên cứu khả thi. Các nhân viên vận hành các tuyến đường này cũng đã được đào tạo để có khả năng hỗ trợ và tiếp đón hành khách khuyết tật. Những tiến bộ rõ rệt đã được ghi nhận về việc trang bị, chỉ dẫn và hỗ trợ trong mạng lưới giao thông công cộng cho những nhóm khuyết tật khác.

Việc tạo thuận lợi cho người khuyết tật sử dụng được nhận thấy rõ rệt nhất ở đường sá và các khu vực công cộng tại Paris. Những vỉa hè có gờ nổi, đèn tín hiệu hay bảng thông tin có âm thanh, những lối đi có độ dốc thoải vừa phải, những bậc tam cấp có tay vịn, lối sang đường bằng phẳng, những vị trí đỗ xe dành riêng...giúp người khuyết tật di chuyển an toàn, thuận tiện.

Những thay đổi này khiến người khuyến tật cảm thấy dễ hoà nhập, được quan tâm, được dành cho một vị trí trong cộng đồng. Ngoài ra, những biện pháp và thiết bị đó còn tạo thuận lợi cho việc di chuyển của những người cao tuổi, những bậc cha mẹ mang xe đẩy trẻ em.

Bên cạnh đó, thành phố Paris cũng đã tiến hành một nghiên cứu hướng tới tăng cường tiếp cận cho người khuyết tật tại vùng lõi trung tâm Paris. Nghiên cứu do cơ quan nghiên cứu quy hoạch Paris (Apur) thực hiện cho thấy tỉ lệ tiếp cận cao trong khối các công trình công cộng lớn tại khu vực như bảo tàng, công trình văn hoá, tín ngưỡng, trụ sở hành chính hiện vẫn ở mức dưới 70%.

Với ngành dịch vụ khách sạn, thống kê cho thấy kết quả khả quan hơn khi có tới 93% các cơ sở trong ngành này tại Paris đã và đang tiến hành nâng cấp hạ tầng để bảo đảm khả năng tiếp cận cho người khuyết tật.

Ngoài ra, Paris cũng đã đề xuất lộ trình để giải quyết các vấn đề đã được xác định như tuy các tuyến đường có độ dốc thuận lợi cho di chuyển bằng xe lăn hay xe đẩy nhưng 20% các vỉa hè có chiều rộng hạn chế, gây khó khăn cho di chuyển bằng xe lăn trong khi khu vực bờ kè đi bộ dọc sông Seine còn khó tiếp cận, số lối sang đường có hỗ trợ về âm thanh vẫn còn thấp.

Đọc thêm