Cuộc sống xa hoa của các Vương gia triều Thanh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bên trong Tử Cấm Thành ngoài những câu chuyện về Hoàng thượng, Hoàng hậu và các phi tần thì sự giàu sang của các bậc Vương gia nhà Thanh cũng khiến người đời không khỏi kinh ngạc, không ít thú vui, hưởng lạc xa xỉ tới mức điên loạn...
Họa hình những bữa ăn xa hoa của các Vương gia triều Thanh.
Họa hình những bữa ăn xa hoa của các Vương gia triều Thanh.

Đặc quyền, đặc lợi

Triều đại nhà Thanh của Trung Quốc đã phát triển một hệ thống xếp hạng quý tộc rất phức tạp. Tất cả các tước hiệu đều do con trai trưởng của nhà quý tộc thừa kế, nhưng bị giáng xuống một cấp. Tuy thế, vẫn có ngoại lệ khi Hoàng đế phê chuẩn cho một tước hiệu được cha truyền con nối, và đây là một vinh dự rất lớn cho người mang tước hiệu.

Hoàng tộc nhà Thanh chia thành “Tông Thất” và “Giác La”, những người có dòng máu Hoàng tộc. Cụ thể, Tông Thất là những người đeo dây lưng vàng “Kim hoàng thinh đái”, bao gồm các con cháu trực hệ của Hoàng đế, bắt đầu từ con cháu của Thanh Hiển Tổ Tháp Khắc Thế, tức là con cháu hoặc cháu anh em của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Từ đó, những Hoàng tử là con cháu thế hệ trực tiếp của Hoàng đế đều mang Hoàng đái tử.

Về phần “Giác La” là những người đeo dây lưng đỏ “Hồng thinh đái”, gồm con cháu của các anh em thúc bá của Thanh Thái Tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích, đây có thể xem là dòng dõi xa của Hoàng thất.

Tông Thất có địa vị cao hơn Giác La và có nhiều ưu đãi hơn trong việc phong tước, bổ nhiệm chức vụ. Điển hình chính là việc Giác La không thể được phân tước hiệu hoàng tộc “Nhập Bát phân công”, mà đều chỉ có thể hưởng tước của quý tộc bình thường. Tước vị quý tộc Mãn Thanh cho nam giới Tông Thất, tức hậu duệ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích hoặc hậu duệ của anh em cùng cha của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, đều chia ra hai hạng Nhập Bát phân và Bất nhập Bát phân, cơ bản có 12 tước vị cùng 2 tước vị đặc thù.

Cung Vương Phủ nổi tiếng trải qua sở hữu của 4 vị Vương gia.Cung Vương Phủ nổi tiếng trải qua sở hữu của 4 vị Vương gia.

Căn cứ theo Khâm định Đại Thanh hội điển sự lệ, lương bổng của các tước vị trên đều là theo năm. Trong đó, người hưởng bổng lộc cao nhất là tước vị Tông Thất - Hòa Thạc Thân vương với 10.000 lạng bạc/năm và 10.000 hộc gạo/năm. Nếu quy đổi ra đơn vị tiền tệ của Trung Quốc ngày nay, đãi ngộ của họ tương ứng với mức thu nhập lên tới xấp xỉ 6 triệu nhân dân tệ.

Mức bổng lộc này đối với những người ở phẩm cấp thấp hơn Thân vương là các Quận vương cũng lên tới con số 3 triệu Nhân dân tệ. Cấp thấp nhất trong hàng ngũ Vương gia là Phụng ân Tướng quân cũng có mức bổng lộc là 110 lượng bạc/năm và 110 hộc gạo/năm.

Về lương bổng phụ nữ Hoàng tộc đời Thanh thì tương đối đơn giản hơn, chia ra hai dạng là gả ở kinh sư và gả đi ngoại phiên (tức gả đi lấy các Vương công thuộc về Mông Cổ Minh kỳ). Khi gả trong kinh sư, Cố Luân Công chúa mỗi năm lãnh 400 lượng bạc, Hòa Thạc Công chúa là 300 lượng bạc, lại còn ban thêm số hộc gạo tương ứng. Khi gả xa, Cố Luân Công chúa tăng lên 1.000 lượng bạc, Hòa Thạc Công chúa là 400 lượng bạc, đổi gạo thành lụa là gấm vóc.

Nhìn chung tước vị Cố Luân Công chúa là lớn nhất và lương bổng các Tông nữ khác đều thấp hơn rất nhiều trung bình Tông Thất nam giới. Những Tông nữ không được phong, không có bổng lộc, trong một số tình huống đặc thù có thể xin trợ cấp như quả phụ hoặc mồ côi, một tháng được 2 lượng bạc.

Ngạch phò (chồng của các công chúa) tuy cũng có lương bổng, nhưng đều chưa đến 500 lượng bạc. Từ năm Càn Long thứ 36 (1771), Ngạch phò của những Tông nữ thuộc hậu duệ của Thuận Trị Đế trở về sau mới có bổng lộc, còn những Ngạch phò của Tông nữ thuộc những chi hệ khác thì chỉ có tước vị mà không có bổng lộc. Tương tự với việc “Nội mệnh phụ” là tước vị thuộc về nhà chồng thì “Ngạch phò” cũng là tước vị thuộc về Tông nữ và Hoàng thất. Sau khi Tông nữ qua đời, nếu Ngạch phò không cưới vợ kế thì có thể giữ lại tước vị, một khi đã tái giá thì mọi tước vị và đãi ngộ đều lập tức hủy bỏ.

Từ đó có thể thấy, việc chảy trong mình dòng máu hoàng tộc đã khiến tầng lớp này nhận được mức đãi ngộ “trên trời” và thậm chí chỉ đứng sau Hoàng đế.

Sa đọa trong ăn chơi, hưởng lạc

Không phải nghiễm nhiên mà những Vương gia triều Thanh lại được hưởng mức đãi ngộ cao ngất ngưởng như vậy. Nhiều người cho rằng, lý do nằm ở việc Hoàng đế vì muốn củng cố quyền lực của mình nên dĩ nhiên sẽ không để cho các nhánh khác trong Tông thất có cơ hội lớn mạnh, luôn cảnh giác với họ. Bất cứ lúc nào Hoàng đế cũng sẵn sàng dập tắt mưu toan gây dựng cơ đồ riêng của các Vương gia.

Do đó, cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề này chính là ban thật nhiều bổng lộc để họ chìm trong hưởng lạc. Đồng thời, Hoàng đế nhà Thanh cũng nghĩ ra cách tập trung toàn bộ các Vương gia ở tại kinh thành, bề ngoài thì ban cho họ một tòa vương phủ rộng lớn nhưng thực chất lại giống như giam giữ những thành viên hoàng tộc ấy trong lồng son. Một khi không có chỉ dụ từ Hoàng đế, các Vương gia sẽ chẳng có cơ hội rời khỏi kinh thành. Thậm chí có những người cả đời chỉ quẩn quanh trong kinh đô, ngay tới việc du ngoạn tứ phương cũng chỉ là mộng tưởng.

Nhiếp chính vương Tải Phong - thân sinh của Phổ Nghi Hoàng đế.

Nhiếp chính vương Tải Phong - thân sinh của Phổ Nghi Hoàng đế.

Bởi vậy, cuộc sống của các Vương gia thời nhà Thanh chỉ quanh quẩn ở 3 phương diện là ăn, uống và tiêu khiển, đúng nghĩa “Ăn uống hưởng lạc”. Trong số đó, phương diện đầu tiên được họ chú trọng hơn cả chính là ẩm thực. Người Trung Quốc vốn có câu “dân dĩ thực vi thiên”, ý nói bách tính lấy ăn làm đầu, các vương gia thời bấy giờ cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, khác với những bữa ăn của dân thường chỉ nhằm no bụng, đối với các Vương gia thì họ đã đưa ẩm thực lên một mức độ cầu kỳ và xa xỉ hơn rất nhiều.

Mỗi món ăn của tầng lớp ấy đều cần tới các nguyên liệu sơn hào hải vị với mức giá trên trời. Ví dụ như nấu món canh gà hầm, đầu bếp trong vương phủ cũng phải lựa chọn gà ác quý hiếm nấu cùng tùng nhung - loại nấm được xem là đắt đỏ nhất. Dụng cụ dùng bữa của các vương gia thường được tạo tác từ bạc, nếu quý giá hơn sẽ dùng ngọc mà chế thành. Mỗi bữa ăn được coi là “giản dị” đó của Vương gia triều Thanh cũng tiêu tống một lượng tài vật khó mà kiểm đếm.

Phương diện thứ hai được các vương gia Thanh triều chú trọng chính là thức uống. Đây cũng là một phương diện đã khiến Vương gia Thanh triều tốn không ít tâm tư. Vào thời đại bấy giờ, để có thể làm mát đồ uống giữa những ngày hè oi bức, các Vương gia sẽ bỏ ra một số bạc khổng lồ để chế tạo phòng băng trong phủ. Họ sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để có đượ các loại “xe băng” chỉ để đông lạnh những nguyên liệu chế tạo đồ uống, mà trái cây là một trong số đó.

Sau khi đã đáp ứng được những yêu cầu về phương diện ăn uống, các vương gia nhà Thanh lại hao tâm tổn trí để sáng tạo ra các thú tiêu khiển mới. Thú vui đơn giản và phổ biến nhất vào thời bấy giờ chính là ngắm hoa, câu cá, săn thú. Tuy nhiên khi đã nhàm chán với những việc này, họ sẽ chuyển sang một trò tiêu khiển khác có phần thú vị hơn đó là nuôi dế, chọi dế.

Vào thời nhà Thanh, chọi dế vốn là trò chơi giải trí hết sức thịnh hành của giới quý tộc. Điểm đáng nói nằm ở chỗ, một con dế quý cũng có thể sở hữu mức giá trên trời. Ngay từ đồ đựng dế, lồng nuôi dế cũng phải do những thợ mộc cao tay đích thân chế tạo, và giá trị của chúng vốn là thứ mà thường dân bách tính khó có thể tưởng tượng nổi.

Chưa dừng lại ở đó, các vương gia thời bấy giờ còn sẵn sàng bỏ ra cả đống của cải để thiết kế những hoa viên hoặc lâm viên tại gia để thưởng ngoạn, cũng có khi sẽ mời bằng hữu tới đây uống rượu, vui đùa.

Nhiều người cho rằng, cũng chính bởi lối sống xa xỉ thành quen ấy mà tới cuối thời nhà Thanh, một số vị vương gia hết thời vì không cáng đáng nổi số tiền chi tiêu khổng lồ nên đã rơi vào cảnh túng quẫn tới mức phá sản.

Đọc thêm