Thảm hoạ núi lửa Vesuvius: Xóa sổ thành phố xa hoa bậc nhất La Mã cổ đại chỉ trong một đêm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Cho đến nay, vụ phun trào của núi lửa Vesuvius vào năm 79 vẫn được xem là một trong những đợt phun trào lớn nhất trong lịch sử.
Phác họa cảnh núi lửa phun trào thành La Mã.
Phác họa cảnh núi lửa phun trào thành La Mã.

Khi đó, Vesuvius bắt đầu đợt phun trào định mệnh bằng một tiếng nổ động trời. Ngọn núi lửa đã đẩy những mảng lớn khói bụi, đất đá và cả khí gas nóng vào bầu khí quyển. Đám khí được đẩy ra từ miệng núi lửa lên đến tận 33km.

Thành phố xa hoa bậc nhất La Mã cổ đại

Hơn 2.000 năm trước, bên bờ Địa Trung Hải, Pompeii là một thành phố sầm uất thời đế quốc La Mã cực thịnh. Pompeii có khoảng 20.000 dân, nổi tiếng với sản phẩm dầu ô liu, nho.

Cách thành phố chưa đầy 10km, là ngọn núi lửa hùng vĩ Vesuvius. Các trận phun trào đã tạo ra lớp đất đai từ tro tàn và nham thạch. Theo các nhà khoa học, lớp đất tại vùng vịnh Naples do núi lửa Vesuvius bồi đắp rất giàu các dưỡng chất Nitơ, Photpho, Kali tốt cho cây trồng. Pompeii nhờ đó cũng được hưởng lợi bởi núi lửa Vesuvius.

Thành phố Pompeii giàu có nhờ dòng sông Salno, đất đai màu mỡ, đồng ruộng phì nhiêu, vườn nho chiếm hết sườn núi Vesuvius. Lúc đó dân chúng ở vùng bờ biển này đều coi Pompeii là trung tâm trao đổi, trung chuyển hàng hoá. Đến thế kỷ II trước công nguyên, Pompeii trở thành thị trường quan trọng về buôn bán ở vùng ven biển.

Theo sử sách, 10 bộ lạc lớn cùng nhau xây dựng lên thành phố Pompeii. Một thời gian sau đó, nơi đây đã trở thành điểm đến của những tầng lớp quý tộc và thương gia để tìm lạc thú và hưởng thụ. “Hãy tận hưởng cuộc sống đi, ngày mai khó mà đoán trước”. Đó là câu cửa miệng hầu hết người dân ở Pompeii.

Thành phố này nổi tiếng với các tửu quán, tửu lầu. Khắp thành đầy rẫy các loại bích họa rất khó coi, các nhóm tập thể có quan hệ loạn tính và đồng tính luyến ái có thể thấy ở khắp nơi. Pompeii có 20.000 nhân khẩu mà có tới 25 tòa kỹ viện, tạo thành tội ác của toàn xã hội. Năm 1819, quốc vương Napoli là Francis lúc cùng vợ tham quan bích họa ở Pompeii, cảm thấy xấu hổ không chấp nhận được đã ngay lập tức ra lệnh đóng cửa triển lãm.

Yếu tố quan trọng nhất tạo nên sự giàu có của người Pompeii khi giao thương mậu dịch với bên ngoài không phải là hàng hóa, mà chính là những công dân nô lệ đáng thương. Họ phải lao động rất nặng nhọc, phải mua vui ở đấu trường và bị những con dã thú cắn xé trước sự hưng phấn của hàng vạn người đang hò hét nơi khán đài. Thậm chí, những người giàu thậm chí còn dùng nô lệ vừa bị giết dùng để nuôi lươn biển bởi họ nghĩ như thế thịt lươn sẽ có mùi vị tươi ngon hơn.

Đầu thế kỷ I, một trận động đất lớn khiến Pompeii và các thành phố lân cận bị hư hại và trận động đất lớn đã làm núi lửa Vesuvius tỉnh giấc. Ngày 24/8/79, núi lửa Vesuvius hoạt động rất dữ dội và chỉ trong vòng một đêm, Pompeii và cả hai thành phố lân cận bị xoá tên trên quả đất. Trong phạm vi 2km xung quanh núi lửa đều là thế giới của nham thạch, bùn đất và đá. Bao nhiêu con người, bao nhiêu thành quả lao động và thành phố đều tiêu tan.

Bức tranh cổ vẽ hình ảnh nô lệ bị mang ra đấu trường với những con thú hoang dã, hung tợn tìm thấy trong đống tro tàn ở Pompeii.

Bức tranh cổ vẽ hình ảnh nô lệ bị mang ra đấu trường với những con thú hoang dã, hung tợn tìm thấy trong đống tro tàn ở Pompeii.

Nơi thiên đường hóa thành địa ngục

Sự phồn hoa và giàu có của thành phố Pompeii bên bờ vịnh Naples sóng yên bể lặng, bỗng chốc chỉ còn là một đống tro tàn trong lớp dung nham dày gần 20m. Núi lửa Vesuvius phun trào đã tạo ra một đám mây đá, tro và khí núi lửa cao tới 33km cùng với một số lượng dung nham cực lớn trùm lên thành phố Pompeii và những thành phố xung quanh.

Khi đó, khí gas độc có nhiệt độ cao bắt đầu tiến đến thành phố và mau chóng lan tỏa khắp nơi. Tệ hại hơn, những dòng nham thạch cũng bắt đầu tiến vào rất nhanh. Theo ước tính, núi lửa Vesuvius đã phun ra đến 1,5 triệu tấn dung nham mỗi giây. Dòng nham thạch chạy chảy từ sườn núi thì đạt tốc độ đến 724km/h và có nhiệt độ lên đến gần 1.000 độ C.

Lý do chính khiến nhiều người dân ở Pompeii không ý thức được sự nguy hiểm là do Vesuvius đã không phun trào trong 1.800 năm. Họ không ngờ ngọn núi lửa Vesuvius tưởng đã “chết” gần đó vẫn âm thầm nuôi cơn thịnh nộ lớn dần để rồi một ngày giáng đòn khủng khiếp xuống Pompeii.

Chỉ trong một đêm, có ít nhất hơn 2.000 người dân Pompeii đã biến mất khi núi lửa Vesuvius phun trào. Theo nhiều giả thuyết, trong đó có một giả thuyết dân gian tin rằng, con người ở thành phố đã gây ra quá nhiều tội ác, chính vì thế, thần linh muốn dùng dòng dung nham nóng đỏ để thức tỉnh, làm bài học răn dạy những con người nơi đây.

Sau thảm họa kinh hoàng được ví như “Khúc dạo đầu của ngày tận thế” đó, những tàn tích về Pompeii đã bị lãng quên cho đến khi nó được khám phá bởi các nhà khảo cổ học vào năm 1738.

Theo dấu tích khai quật các nhà khảo cổ đã phát hiện những khối rỗng do hàng nghìn xác người bị sức nóng của dung nham núi lửa thiêu sống họ thành tro. Khi đổ thạch cao vào đó họ nhận ra những người dân Pompeii đã chết trong đủ mọi tư thế. Họ đều giống nhau là chết trong tư thế tự nhiên, không có dấu hiệu đau đớn.

Sức ép của hơi nóng khủng khiếp đã khiến cơ thể ngừng hoạt động gần như ngay lập tức. Vì thế, không ai kịp có phản xạ tự vệ hoặc tỏ ra đau đớn. Các nhà khảo cổ đã tìm được khoảng hơn 1.000 thi thể nạn nhân đã bị chôn vùi trong trận trào nham thạch. Hầu hết các thi thể đều tìm được dưới dạng bị thạch cao bao phủ toàn bộ, cộng với tư thế co quắp và nét mặt kinh hãi vẫn còn hiện nguyên.

Ông Pier Paolo Petrone, một nhà cổ sinh vật học tại Bệnh viện Đại học Federico II ở Naples, Ý, đã nghiên cứu các nạn nhân của thảm họa núi lửa Vesuvius trong nhiều thập kỷ. Một số nghiên cứu của ông đã củng cố bằng chứng cho thấy rằng tro và các loại khí gas không phải là nguyên nhân chính gây tử vong cho các cư dân trong thành phố như các nghiên cứu khác đã kết luận. Thay vào đó, Petrone cũng lập luận rằng chính nhiệt độ cực cao đã giết chết hầu hết cư dân thành phố, khiến họ chết rất nhanh và có lẽ không cảm nhận nổi được sự đau đớn.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nhiệt độ tác động lên cơ thể người ở Pompeii khác với ở những nơi khác. Ở vị trí cách núi lửa sáu dặm, Pompeii lúc đầu đã bị những mảnh vỡ văng ra từ núi lửa rơi xuống, khiến nhiều ngôi nhà sụp đổ và đè lên những người bên trong. Sau đó thành phố bị bủa vây bởi khí bụi nham thạch - thứ được cho là nguyên nhân chính đẩy số lượng người tử vong lên cực điểm.

Có thể đây vẫn chưa phải là kết luận cuối cùng của các nhà khoa học về thảm họa ở Pompeii. Nhưng rốt cuộc tranh luận tới lui mãi thì cũng chỉ là nghiên cứu về những hiện tượng bề mặt mà không tìm được nguyên nhân sâu xa đằng sau. Núi lửa Vesuvius phun trào hủy diệt Pompeii có phải là hiện tượng tự nhiên xảy ra một cách ngẫu nhiên? Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy trong tàn tích của Pompeii những di ngôn của nạn nhân trước khi chết viết vội trên tường: “Cái thành trì có tội ác đáng chết này”, “Tội ác dẫn đến diệt vong”.

Cho đến nay, thành phố Pompeii được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 1997 và trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của Italia, thu hút khoảng 3 triệu lượt du khách mỗi năm.

Đọc thêm