“Quốc bảo” của Trung Quốc
Nghệ thuật thưởng trà đã tồn tại từ hàng ngàn năm nay, mang nhiều giá trị văn hóa sâu sắc được các nghệ nhân lưu giữ và phát triển. Khi nói đến nghệ thuật thưởng trà, không thể không nhắc đến những chiếc ấm pha trà, một trong những yếu tố quan trọng tạo nên một tách trà ngon. Nói đến ấm pha trà, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến ấm tử sa Nghi Hưng nổi tiếng của Trung Quốc – loại ấm trà đôi khi được ví như “quốc bảo” của Trung Quốc, “huyền thoại” mà không loại ấm trà nào có thể so sánh được!
Cái tên ấm tử sa xuất phát từ chính nguyên liệu được dùng để chế tác ra nó. Trong đó, “tử” có nghĩa là tím còn “sa” có nghĩa là đất, cát, khoáng. Hai từ này ghép lại thành “tử sa” chỉ loại đất, cát, khoáng có màu ánh tím được dùng làm nguyên liệu chế tác ấm. Ban đầu, cái tên ấm tử sa dùng để chỉ riêng loại ấm được làm từ đất duy nhất có ở vùng núi Hoàng Long, Nghi Hưng, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc. Đất sét ở vùng này rất gồm các lớp trầm tích sa thạch đặc biệt với hàm lượng nhôm ôxit và sắt ôxit cao, khi chế ra thành phẩm có chất lượng cực kỳ tốt.
Điểm đặc biệt của đất sét ở đây là việc không thể trộn với nước để làm mềm và cũng không thể dùng các phương pháp truyền thống để tạo hình như bàn xoay hoặc đứng. Thay vào đó, các nghệ nhân phải nặn trực tiếp bằng tay để tạo hình sản phẩm. Việc khai thác đất cũng phải làm thủ công nhằm mang lại độ nguyên sơ cho nguyên liệu. Đặc biệt, từng nghệ nhân lại có những bí kíp khác nhau về tỉ lệ trộn đất để tạo ra những màu đặc biệt cho riêng sản phẩm của họ. Các bí kíp này thường được họ truyền cho đời sau của mình.
Những người chế ấm tử sa thường là những nghệ nhân có kỹ thuật, tay nghề vô cùng điêu luyện. Khi chế tác, họ dồn cả tâm huyết của mình vào đó, tỉ mỉ nặn, tạo hình và đôi khi tạo nên những dấu ấn của riêng họ trên chiếc ấm. Vì thế, những chiếc ấm trà tử sa được ví như một tác phẩm nghệ thuật chứ không chỉ là một trà cụ, có giá trị cao cả về nghệ thuật lẫn giá trị vật chất.
Chính loại đất đặc biệt được dùng để chế tác ấm đã mang đến thành phẩm có màu sắc rất đẹp và hương vị tuyệt vời riêng có, giúp tạo được vị trà ngon, khác biệt so với các loại ấm khác. Về sau, việc sản xuất ấm tử sa được mở rộng ra, dùng không chỉ đất ở vùng Nghi Hưng mà còn ở cả các nơi khác. Do đó, cái tên ấm tử sa cũng được dùng để gọi chung các loại ấm đất sét nung không tráng men.
Những điểm độc đáo riêng có
Những người “sành” trà cho rằng, có một số yếu tố khiến ấm tử sa cực kỳ được ưa chuộng. Thứ nhất, các loại khoáng vi lượng có trong chất đất được dùng để chế tác khiến cho trà pha bằng loại ấm này có vị đậm đà, ngon hơn hẳn so với các loại ấm trà khác. Đây chính là yếu tố nâng tầm huyền thoại của loại ấm này.
Theo một số phân tích, do bề mặt ấm tử sa không tráng men nên khi pha trà, các loại khoáng vi lượng sẽ được giải phóng vào nước và được lưu giữ lại. Lâu dần, lớp khoáng sẽ tích tụ ngày càng nhiều khiến cho hương vị trà ngon hơn, đậm vị hơn. Trà ngon nếu được pha với nước tinh khiết từ khe suối trong tử sa chuẩn sẽ tạo thành hương vị khó quên.
Một công dụng không thể không kể đến của ấm tử sa là khả năng lưu trữ trà lâu hơn. Người ta nói rằng, trà pha bằng ấm tử sa sẽ giữ được nguyên hương vị trong 3-5 ngày. Thậm chí, loại ấm này còn được đồn là có thể pha trà mà không cần dùng trà vẫn ngon! Ngoài ra, ấm tử sa còn có một điểm rất đặc biệt khác là có khả năng giữ nhiệt và chịu nhiệt cực kỳ tốt.
Trà pha bằng ấm tử sa sẽ giữ được độ nóng lâu hơn, do đó người dùng có thể ngồi nhâm nhi rất lâu mà không sợ trà bị nguội, mất đi độ thơm ngon. Đặc tính chịu nhiệt tốt của chiếc ấm khiến nó có thể được đưa lên đun trực tiếp trên bếp mà không lo bị nứt, vỡ. Bên cạnh đó, ấm còn truyền nhiệt chậm nên người dùng sẽ không sợ bị bỏng khi sờ vào ấm trà mới pha.
Ấm tử sa dùng càng lâu sẽ càng có màu sáng đẹp và hương vị trà cũng càng đậm đà hơn nhờ lớp cao trà ngấm vào ấm nhiều theo thời gian. Vì lý do này mà xà phòng không được khuyến khích khi rửa sạch ấm trà, thay vào đó là dùng nước cất và làm khô bằng không khí. Nhiều người sẽ chỉ pha một loại trà trong một chiếc ấm để làm tăng hương vị trà một cách tối ưu. Ngược lại, cũng có người lại thích pha nhiều loại trà khác nhau trong một chiếc ấm để tạo ra một lớp vị hỗn hợp đầy khác biệt.
Ấm trà tử sa thường có dung tích nhỏ hơn các loại ấm phương Tây vì trà thường được pha rất công phu, thời gian ngâm ngắn hơn với lượng nước nhỏ hơn và tách trà nhỏ hơn. Tùy vào công năng sử dụng, ấm có thể có kích cỡ to hay nhỏ, có loại dùng cho một người (gọi là độc ẩm), hai người (đối ẩm) hay nhiều người (quần ẩm). Ngoài ra, ấm cũng có nhiều loại hình dáng khác nhau. Khi rót trà, nghiêng ấm 90 độ nhưng nắp ấm vẫn không bị rơi.
Thông thường, trà sau khi được pha đủ độ ngấm sẽ được rót vào một bình nhỏ, từ đó, nó được rót vào những tách nhỏ để uống dần. Ấm tử sa Nghi Hưng thường được dùng để pha trà Phổ Nhĩ, trà đen hay trà ô long. Người dùng cũng có thể sử dụng loại ấm này để pha các loại trà xanh hoặc trà trắng nhưng do đặc tính giữ nhiệt của đất sét dùng để chế ấm nên quá trình ủ trà sẽ cần cầu kỳ hơn, đảm bảo cả về quy trình, độ ấm của nước…
Truyền thống ngàn năm
Người ta không khẳng định được ấm trà tử sa ra đời khi nào nhưng có điều chắc chắn là loại ấm này đã có từ rất lâu, song hành với đời sống của trà. Ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc hiện còn truyền thuyết cho rằng chính Phạm Lãi - người tình của nàng Tây Thi - là người đã chế tạo ra những ấm tử sa đầu tiên từ 2.000 năm trước. Với công dạy dân làm trà cụ, nuôi cá, nuôi ngọc trai, canh tác nông nghiệp, ông đã được người dân ở đây tôn làm “Thần tài - Chu công” và thờ cúng vào các ngày 2 và 16 âm lịch hàng tháng.
Các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy từ đầu thời Nhà Tống (thế kỷ X) đã có những chiếc bình pha trà được làm từ loại đất sét tử sa. Song, có những ý kiến cho rằng, đến thời nhà Minh, ấm để pha trà mới ra đời ở Trung Quốc nên ấm tử sa không thể có trước giai đoạn đó.
Theo một ghi chép của học giả triều Minh Chu Cao Khởi, thời Chính Đức Đế (Minh Vũ Tông) ở thế kỷ XV, các nho sĩ đương thời đã rất ưa thích những bình trà được một nhà sư ở đền Kim Sa, Nghi Hưng nặn từ đất sét ở địa phương. Người này chính là Cung Xuân. Ông đã sáng tạo cách dùng muỗng đong trà làm cốt rồi lấy tử sa đắp lên rồi nặn thành ấm trà...
Với bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ thiên phú, ông đã làm được nhiều ấm trà đẹp, mở đầu cho lịch sử ấm tử sa Nghi Hưng. Từ đây, danh tiếng ấm tử sa bắt đầu được biết đến và nhanh chóng lan ra khắp nơi.
Ấm tử sa nay được coi là một trong bốn quốc bảo trong chiến lược bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống Trung Quốc, bao gồm kinh kịch, quốc họa thủy mạc, ấm tử sa và lụa Tô Châu.