Khám phá nghề muối (Kỳ 2): Con đường độc đạo vận chuyển muối khắp năm châu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khoảng 40.000 năm về trước, để vận chuyển muối từ nơi này đến nơi khác, người cổ xưa đã lập nên những con đường độc đạo khắp năm châu. Ngày nay, đây là những tuyến đường thu hút, níu chân du khách.
Khám phá mỏ muối Berchtesgaden dưới lòng đất ngay tại giáp ranh giới giữa Đức và Áo.
Khám phá mỏ muối Berchtesgaden dưới lòng đất ngay tại giáp ranh giới giữa Đức và Áo.

Di sản từ thời cổ xưa

Theo các tài liệu nghiên cứu, muối là một phần quan trọng của văn hoá thực phẩm thế giới, được coi như một loại lương thực từ thời La Mã cổ đại. Tại vùng biển Địa Trung Hải, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những bằng chứng cho thấy nhiều quốc gia nơi đây bắt đầu sản xuất muối từ thời cổ xưa. Đồng thời hình thành những con đường “độc đạo” để vận chuyển muối từ nơi này đến nơi khác, nối liền các khu vực như Cheshire (Anh), Loire-Atlantique (Pháp), Cửa sông Sado (Bồ Đào Nha), Galicia (Tây Ban Nha), lưu vực sông Guadiana (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha)…

Ở châu Á, các bằng chứng khảo cổ cũng chỉ ra người Trung Quốc cổ đại đã biết dùng lửa và phương pháp đun sôi để sản xuất nước muối, các hiện vật khai quật được tập trung ở lưu vực sông Tứ Xuyên. Mặt khác, người Thái Lan cổ còn biết đổ nước muối vào trong giếng muối để phân tách hạt muối tinh. Trong khi đó, người cổ đại ở nhiều khu vực châu Phi lại có thể khai thác muối bằng phương pháp cực kỳ đơn giản – chỉ cần đào muối trực tiếp lên mặt đất như ở Bắc Phi.

Chăm sóc sức khoẻ trong hang động muối Solana tại Cộng hoà Séc.Chăm sóc sức khoẻ trong hang động muối Solana tại Cộng hoà Séc.

Tại Nam Phi, người Ai Cập cổ còn sử dụng muối trong các nghi lễ mai táng người chết. Kể từ khi phương pháp sản xuất muối xuất hiện, các thương nhân muối ở châu Phi đã bắt đầu việc buôn bán muối liên vùng, hình thành nên các tuyến đường muối trung tâm xuyên qua sa mạc và trạm trung chuyển nổi tiếng nhất là khu vực Sudan thời cổ đại.

Ở vùng Andes thuộc Nam Mỹ, các diêm dân đã tìm ra phương pháp sản xuất muối kể từ thời Inca, khoảng thế kỷ 15, ví dụ điển hình là vùng Maras thuộc Peru. Khu vực Trung và Bắc Mỹ, người ta khai quật được những di tích kiến trúc bằng gỗ phức tạp trong một đầm phá ở Belize – đây được cho là phần còn sót lại của các xưởng làm muối Maya. Sự tinh vi của những kiến trúc này cho thấy tầm quan trọng và sự phát triển của việc sản xuất muối Aztec ở hồ Texcoco (Mexico) đối với nền kinh tế thời bấy giờ.

Sự xuất hiện của muối từ bao lâu nay trở thành vô cùng quan trọng đối với cuộc sống và sự phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội tại mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Chính vì thế, nhiều năm qua, sự quan tâm của ngành du lịch toàn cầu đối với các khu vực sản xuất muối cũng không hề thua kém như mối quan tâm đến muối. Trong bối cảnh đó, thuật ngữ “cảnh quan muối” ra đời với ý nghĩa chỉ ra những cảnh quan gắn liền với hoạt động làm muối lâu dài, pha trộn với những đặc điểm vật lý, sinh thái, kinh tế, văn hoá bản địa… để làm nên một loại cảnh quan độc đáo.

Không những thế, ngành công nghiệp muối ngày càng nhận ra giá trị của du lịch muối trong việc giúp gia tăng giá trị cho chính các sản phẩm muối. Ngành du lịch Bồ Đào Nha chính là một ví dụ điển hình. Có thể tìm thấy rất nhiều nghiên cứu về các phương pháp tiếp cận du lịch muối toàn diện ở nhiều địa phương trong quốc gia này.

Ở Bồ Đào Nha, việc tham quan một trong những “chảo muối” truyền thống là một trong những điều phải làm đối với hầu hết khách du lịch thập phương. Các tour du lịch muối được cung cấp bởi chính các nhà sản xuất muối truyền thống, nhằm khắc hoạ cho du khách những câu chuyện chân thực về quy trình sản xuất muối trong một môi trường khắc nghiệt, nhưng người dân nơi đây đã biến những khó khăn ấy thành lợi thế, truyền lại cho những thế hệ đời sau như thế nào.

Cánh đồng muối Salar de Uyuni tại Bolivia tạo nên khung cảnh thiên nhiên độc đáo.

Cánh đồng muối Salar de Uyuni tại Bolivia tạo nên khung cảnh thiên nhiên độc đáo.

Du hành trên những tuyến đường muối

Có lẽ sẽ không thể kể hết ra được những sáng tạo của ngành du lịch muối để giữ chân du khách. Có những tuyến đường muối nổi tiếng trên thế giới gắn liền với một số đất nước châu Âu như Đức, Cộng hoà Séc, Áo và Ý. Nếu khu vui chơi Berchtesgaden dưới lòng đất tại mỏ muối Berchtesgaden nằm ngay ranh giới giữa nước Đức và Áo là điểm đến giải trí tuyệt vời thì những hang động muối Solana tại Cộng hoà Séc lại là điểm đến lý tưởng của du khách chăm sóc sức khoẻ.

Tại Ý, những chiếc cối xay gió trên cánh đồng muối khổng lồ ở thị trấn Trapani từ lâu được xem là biểu tượng của Sicily – vùng đất rượu vang nổi tiếng “xứ sở phù hoa”, mang khí hậu Địa Trung Hải điển hình tràn ngập ánh nắng mặt trời, hưởng lợi từ lượng mưa ổn định và những làn gió biển.

Tại đây, người ta có thể thấy những “núi” muối trắng được lợp bằng ngói để giữ chúng khô ráo và ngăn gió thổi bay đi. Bên cạnh đó, có một bảo tàng bản địa “ghi lại” lịch sử hình thành các cánh đồng muối bạt ngàn, cùng những phương pháp và công cụ làm muối của các diêm dân qua các thời kỳ. Được biết, sản xuất muối tại đây bắt đầu vào thế kỷ 15 dưới thời Aragon. Kể từ đó tới vài thế kỷ sau, muối trở thành ngành công nghiệp chính của Trapani.

Những chiếc cối xay gió trên những cánh đồng muối khổng lồ ở thị trấn Trapani được xem là biểu tượng của vùng Sicily (Ý).

Những chiếc cối xay gió trên những cánh đồng muối khổng lồ ở thị trấn Trapani được xem là biểu tượng của vùng Sicily (Ý).

Sản xuất muối ngày nay ở Ý có quy mô nhỏ hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 20. Dù vậy, ngày nay, những cánh đồng muối mênh mông và những chiếc cối xay gió khổng lồ lại là “thiên đường” cho những nhiếp ảnh gia, người làm nghệ thuật và du khách thập phương có nhu cầu tìm về một vùng đất di sản.

Đặc biệt rất nhiều người tìm đến Trapani chỉ để ngắm nhìn những chiếc cánh quạt cối xay gió in bóng trên nền hoàng hôn màu cam trong khung cảnh đồng muối rộng mênh mông đầy nắng gió.

Một “cảnh quan muối” nổi tiếng khác cũng không kém phần nổi bật là Salar de Uyuni thuộc cao nguyên Altiplano, phía tây nam Bolivia. Nằm ở độ cao 3.650m so với mực nước biển, đây được coi là cánh đồng muối lớn nhất thế giới, với địa hình bằng phẳng, trải dài hơn 10.500 ki lô mét vuông, trong suốt như một “chiếc gương trời” khổng lồ được tô điểm bởi những đụn muối trắng tinh khiết.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra khu vực này là một phần của hồ Minchin vào khoảng 40.000 năm về trước. Trải qua thời gian, nguồn nước nơi đây dần cạn kiệt, đến nay chỉ còn sót lại hai tiểu hồ Poopo và Uru uru. Cao nguyên Altiplano không có cửa thoát nước, vì vậy dưới ánh mặt trời khắc nghiệt, nước hồ bốc hơi để lại lớp muối và lớp canxi sunfat trên mặt đất. Cùng với gió, những đụn muối ở Salar de Uyuni liên tục biến đổi, tạo nên một kì quan thiên nhiên độc đáo.

Đáng nói, ở những vùng khan hiếm bờ biển và nắng gió, sản xuất muối vẫn được phát triển, thậm chí cả ngành du lịch muối bền vững. Đó chính là thành công của Công viên Tự nhiên Sečovlje Salina tại Slovenia, nơi vẫn còn bảo tồn và lưu giữ những phương pháp sản xuất muối từ nhiều thế kỷ trước.

Du khách có thể đi bộ dọc theo con đường mòn trong công viên và chứng kiến các công nhân bản địa đang thu hoạch muối bằng tay. Họ cũng có thể đặt một buổi mát-xa và tắm muối tại một trong những spa gần đó để nghỉ ngơi và thư giãn. Một ví dụ khác có thể kể đến Namibia – nơi các vựa muối trên sa mạc ngày càng được nhiều du khách tìm đến, đặc biệt là những người yêu thích phiêu lưu, khám phá.

Nhìn về Việt Nam cũng có nhiều cánh đồng muối đẹp như Cà Ná, Phương Cựu (Ninh Thuận); Hải Hậu (Nam Định); Diêm Điền (Thái Bình); Sa Huỳnh (Quảng Ngãi); Hòn Khói (Khánh Hòa); Ba Tri (Bến Tre); Long Điền (Vũng Tàu)… nhưng đáng tiếc, ngành du lịch muối vẫn chưa thực sự phát triển. Quả thực, chiếu theo những phân tích nêu trên, du lịch muối có thể là phát triển ở bất cứ đâu; tuy nhiên, điều kiện cần tiên quyết là phải nhận ra được tầm quan trọng và vị trí của những cánh đồng muối trong bối cảnh hiện tại và tương lai.

(còn tiếp)

Đọc thêm