Chuyện về nhà sư cứu hãng hàng không Nhật Bản "thoát chết" thần kỳ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước bối cảnh hãng hàng không Japan Airlines bên bờ vực phá sản, một nhà sư không có kinh nghiệm về hàng không đã hồi sinh, đưa Japan Airlines phát triển lớn mạnh vượt bậc một cách kỳ tài.
Ông Kazuo Inamori - nhà sư giúp hồi sinh JAL.
Ông Kazuo Inamori - nhà sư giúp hồi sinh JAL.

Từ chỗ là doanh nghiệp làm ăn tốt nhất thế giới, do những bước đi sai lầm trong kinh doanh và cả diễn tiến không thuận của tình hình thế giới, Japan Airlines liên tiếp gặp phải những trục trặc đến mức phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Trong hoàn cảnh đó, nhờ việc dũng cảm phá đi những khuôn mẫu, một nhà sư không có kinh nghiệm về hàng không đã hồi sinh, đưa Japan Airlines phát triển lớn mạnh vượt bậc.

Sự hồi sinh thần kỳ

Trong suốt 5 năm liên tiếp ở những năm 80 của thế kỷ trước, Japan Airlines (JAL) giữ vững danh hiệu hãng hàng không làm ăn tốt nhất thế giới cả ở mảng vận tải hành khách và hàng hóa. Là hãng hàng không quốc gia của Nhật Bản, JAL khiến người Nhật tự hào khi là hãng hàng không hàng đầu thế giới và làm dịch vụ tốt có tiếng. JAL còn được biết đến là hãng hàng không có đội máy bay Boeing 747 nhiều nhất trong lịch sử tính đến lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, JAL càng về sau càng đi xa khỏi những thành công. Hãng đã có những bước đi vô cùng sai lầm, vì là hãng hàng không quốc gia, không chịu áp lực cạnh tranh nhiều với các hãng bên ngoài nên đó lại là điểm yếu của hãng này. Ông Hiroshi Sugie (cựu phi công từng làm việc cho JAL gần 40 năm) cho rằng mọi việc bắt đầu đi chệch hướng khi ban quản lý của hãng thực hiện các kế hoạch mở rộng hoạt động và đầu tư ra ngoài lĩnh vực hàng không.

Ví dụ, Hội đồng quản trị JAL đã đầu tư rất nhiều vào các khách sạn, trong đó có việc chi đến 190 triệu USD để mua khách sạn ở Manhattan (Mỹ) có tên Essex House và đổ thêm 100 triệu USD cho việc cải tạo công trình này vào giữa những năm 1980. “Đó là một thương vụ vô cùng đắt đỏ. Kể cả trong trường hợp khách sạn kín phòng trong 30 năm thì công ty cũng không có lợi nhuận”, ông Sugie nói.

Hãng hàng không Japan Airlines.

Hãng hàng không Japan Airlines.

Sau khi hoàn tất cổ phần hóa vào năm 1987, JAL liên tiếp gặp phải những trục trặc trong nội bộ, cùng với đó là những tác động từ các sự kiện toàn cầu, khiến công ty chìm trong nợ nần. Năm 1992, công ty đã nợ đến hơn 505 triệu USD. Càng về sau, khối nợ của công ty càng lớn, lên đến 21,8 tỉ USD, tức nhiều hơn 100 lần trị giá tài sản được định giá của hãng, khiến JAL phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào năm 2010.

Hãng buộc phải ngừng hoạt động 100 tàu bay, cắt giảm gần 50 đường bay và 15.700 nhân công để giảm 30% quỹ tiền lương. JAL được nhận một khoản cứu trợ cuối cùng trị giá hơn 8 tỉ Yên và được xóa một số khoản nợ với điều kiện phải cơ cấu lại.

Sau một thời gian dài tung tiền để cứu JAL nhưng không cải thiện được tình trạng kinh doanh, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản lúc bấy giờ đã quyết định bổ nhiệm ông Kazuo Inamori - người được coi như “huyền thoại sống” của giới chủ doanh nghiệp Nhật, nhà sáng lập Công ty điện tử Kyocera và Tập đoàn viễn thông KDDI - làm Chủ tịch và Giám đốc điều hành của hãng. Trên thực tế, ông Inamori nhận việc sau nhiều lần từ chối không thành vì ông chưa hề có kinh nghiệm trong ngành hàng không và cũng đã gần 80 tuổi.

Thế nhưng, quyết định của Bộ trưởng giao thông Nhật Bản về sau được chứng minh là bước đi vô cùng đúng đắn. Bắt tay vào công việc mới, ông Inamori lập tức nghiên cứu kỹ về ngành hàng không và bắt tay thực hiện kế hoạch cắt giảm chi phí và cải tổ mạnh mẽ. Ông mạnh tay sa thải 16.000 nhân công, giảm 30% lương đồng thời dừng nhiều đường bay không hiệu quả.

Với những nhân viên còn lại, ông nhẹ nhàng tiếp xúc và giải thích để họ hiểu được sứ mệnh cũng như trách nhiệm của JAL đối với nước Nhật, đồng thời đảm bảo sự chắc chắn về công việc để họ có thể yên tâm làm việc. Bản thân ông quyết định không nhận lương tại JAL. “Việc tôi làm việc không lương đã tác động mạnh đến các nhân viên. Họ thấy rằng tôi đã hết mình để xây dựng lại công ty như thế nào dù trước đây tôi không có mối liên quan nào với LAL”, ông Inamori về sau kể lại.

Với quan điểm “Con người quan trọng hơn của cải”, ông tích cực cải thiện chương trình phúc lợi cho nhân viên, đồng thời yêu cầu tất cả các nhân viên phải đi học kỹ năng lãnh đạo để họ có cái nhìn của nhà quản lý, hiểu và thông cảm cho lãnh đạo hơn. Để gỡ rối trong việc quản lý của công ty này, ông Inamori đã sử dụng hệ thống quản lý Amoeba mà ông đã áp dụng với Kyocera.

Nhà sư Kazuo Inamori

Nhà sư Kazuo Inamori

Theo đó, lực lượng lao động của JAL được chia thành các đơn vị nhỏ, mỗi đơn vị có một quản lý được phân quyền ở một mức độ nhất định. Trong thời gian áp dụng quy định này, ông Inamori kiểm tra kỹ lưỡng từng biến chuyển của các bộ phận ở mỗi tháng để đưa ra những điều chỉnh và rút ra những bài học phù hợp.

Trong quá trình này, dù đối mặt với những khó khăn, buộc phải cắt giảm chi phí hoạt động nhưng JAL vẫn đặt chất lượng phục vụ và an toàn của hành khách là ưu tiên hàng đầu. Bằng những thay đổi này, chỉ trong vòng 2 năm, ông Inamori đã biến JAL từ hãng hàng không vừa phá sản thành hãng hàng không có lợi nhuận cao nhất thế giới. Lợi nhuận của hãng năm 2011-2012 lên đến 1,75 tỉ USD.

Tại đợt chào bán cổ phiếu công khai đầu tiên sau khi ông Inamori lên nắm quyền diễn ra vào tháng 9/2012, JAL đã thu được 663 tỷ USD tại Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. Công ty đã mua thêm những máy bay mới và mở thêm nhiều đường bay hơn tới Bắc Mỹ, Trung Đông, châu Phi... Về phía Inamori, hoàn thành việc sắp xếp lại nhân sự và giải quyết vấn đề tài chính cho JAL, năm 2013, ông rời khỏi hội đồng quản trị JAL và trở thành cố vấn danh dự của hãng vào năm 2015.

Triết lý “nói dễ làm khó”

Ông Inamori sinh năm 1932. Năm 27 tuổi, ông thành lập công ty Kyocera. Lăn lộn trên thương trường khi tuổi đời còn trẻ trong khi nhân viên của ông lại gồm nhiều người có tuổi đời và kinh nghiệm hơn nhiều, ông nhận ra rằng người đứng đầu một tổ chức cần phải đưa ra một triết lý để lãnh đạo. Và triết lý lãnh đạo được ông rút ra và kiên định thực hiện trong những năm tháng sau đó chính là quan niệm “cứ sống đúng với đạo làm người” và điều hành doanh nghiệp theo hướng đó.

Ông cho rằng, nếu thực hiện đúng triết lý này, từng thành viên của doanh nghiệp sẽ hạnh phúc và công ty cũng sẽ phát triển. “Tôi bắt đầu kinh doanh với 28 nhân viên và 3 triệu yên (hơn 28.000 USD. Sau 46 năm, công ty đã phát triển với lợi nhuận hàng năm là 100 tỉ yên. Để công ty phát triển được như vậy, tiêu chuẩn để tôi đưa ra các quyết định chính là quan điểm luân lý, đạo đức mà tôi được dạy ngày bé. Nói đơn giản, đó là suy nghĩ “Sống với chính mình, làm điều đúng đắn một cách đúng đắn theo đúng nghĩa con người”, Inamori chia sẻ.

Triết lý này được ông hiện thực hóa ở việc kinh doanh một cách chính trực, không dối trá, lừa lọc. Nhân viên và lãnh đạo của công ty luôn phải sống chân thành, dù gặp khó khăn cũng phải dũng cảm đương đầu và vượt lên chứ không được buông xuôi, làm điều xảo trá. Cùng với đó, phải tôn trọng chính nghĩa, lấy công bằng làm trọng, luôn nỗ lực rèn luyện tính khiêm nhường, nỗ lực không thua kém ai, không ghen tị và hận thù.

“Trong kinh doanh, theo đuổi lợi nhuận là đương nhiên nhưng cần biết lợi nhuận bao nhiêu là đủ, không quá ham hố; không dùng tiêu chuẩn suy xét chỉ dựa trên thiệt hay lợi mà suy xét trên cơ sở đạo lý”, ông nói. Ông Inamori nói rằng triết lý kinh doanh của ông thật ra chính là những nguyên tắc đạo đức mà ai cũng biết. Bản thân ông trước nay đều đề cao và biến những nguyên lý đó thành cốt lõi cho hoạt động kinh doanh.

Tuy nhiên, bản thân ông cũng thừa nhận ông cũng là một con người. Vì vậy, tuy ông nói ra những điều tuyệt vời trên nhưng để cố gắng sống được như vậy không phải dễ dàng. “Tôi cũng nhiều lúc bị ham muốn lôi kéo, cũng khổ sở dằn vặt. Nhưng tôi luôn nhắc nhở mình điều muốn hướng tới, muốn làm là điều khác, tự kéo mình khỏi ham muốn đó”, ông cho hay. Năm 1997, ông Inamori đã xuất gia, trở thành một nhà sư theo đạo Phật.

Đọc thêm