Gặp chị Đào Thị Hồng Q. (Quế Võ, Bắc Ninh) trong buổi hội thảo Xây dựng mô hình dịch vụ cho người bị bạo lực giới tại Việt Nam, nghe câu chuyện của chị mà ai cũng phải bất bình và cảm thương. Chị đã mạnh mẽ hơn sau khi ly hôn người chồng phụ bạc, rời khỏi gia đình nhà chồng như địa ngục nhưng vẫn không giấu được những giọt nước mắt nghẹn ngào khi kể về tháng ngày tối tăm đã qua.
Chồng đi với gái để mặc vợ ở nhà bị hành hạ
Hơn 10 năm lấy chồng, có với nhau hai mặt con, một trai một gái nhưng những ngày tháng hạnh phúc của chị Q. chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hằng ngày chị quần quật làm công nhân ở một nhà máy sản xuất điện tử gần nhà chồng. Tham công tiếc việc, tăng ca tăng kíp tháng cũng chỉ kiếm được hơn 3 triệu đồng. Tất cả tiền của chị kiếm được đều mang về lo cho bố mẹ chồng và các con. Chị còn tranh thủ trồng trọt, chăn nuôi để thêm bữa thịt, bữa cá. Số tiền kiếm được tằn tiện lắm chị mới thu vén được cho một đại gia đình mà chẳng ai ghi nhận.
Chồng chị Q. nói là đi làm ăn xa, đi suốt ngày mà cũng không kiếm được bao nhiêu. Suốt 6 năm chị ở nhà đi làm nuôi bố mẹ chồng, nuôi hai con thế mà bố chồng còn đánh đập. Chồng đi biền biệt cũng không biết vợ ở nhà bị bố chồng đánh thế nào. Kinh khủng hơn, sau 6 năm chịu nhục nuôi cả gia đình thì một ngày chị đau đớn bội phần khi chồng dắt “vợ hai” về. Anh ta còn bắt chị chấp nhận cảnh chung chồng với “vợ hai”. Hóa ra suốt thời gian qua anh ta đã lừa dối chị chung sống với người đàn bà khác. Chị không chịu đựng nổi và không chấp nhận cảnh ngang trái đó.
Trong 6 năm chồng đi theo gái, chị phải làm lụng chăn nuôi lo hết kinh tế. Bố mẹ chồng mắng chửi đuổi cả ba mẹ con rất nhiều lần. Ba mẹ con phải khóc mếu nheo nhóc dắt díu nhau xin ngủ nhờ hàng xóm, ngủ nhờ người cùng làng, thậm chí ngủ ngoài đường, ngoài hẻm, hay mệt quá gục ở gốc cây nào đó không biết bao lần. Chồng mải mê vui vẻ với bồ nhí mà không hề biết cảnh khốn khổ của ba mẹ con chị.
Chẳng thương con dâu bị chồng bội bạc, bố mẹ chồng còn hùa theo dằn hắt chị. Thậm chí bố chồng còn đánh chị không tiếc tay, bóp cổ bắt chị phải thực hiện những yêu cầu quá đáng là chấp nhận kiếp chung chồng.
|
Chị Q. chia sẻ về nỗi đau của mình. |
Sự giải thoát mang tên Ly hôn
Hỏi chị Q. tại sao bố chồng lại đánh đập chị trong suốt thời gian chồng đi vắng trong khi chị ở nhà chăm lo gia đình?. Chị quệt nước mắt nghẹn ngào: “Tôi không biết tại sao lại thế. Tôi chỉ biết bố mẹ chồng luôn bắt tôi phải đưa tiền lương hàng tháng. Mỗi tháng tôi kiếm được có hơn 3 triệu nhưng bố mẹ chồng bắt đưa tới 3 triệu. Có tháng tôi không làm đủ công, không đủ tiền đưa cho bố mẹ chồng là bị đánh. Ông cứ viện cớ đánh đập, bóp cổ tôi bắt phải đưa đủ tiền”.
Phóng viên lại hỏi chị sao không về nhà bố mẹ đẻ mà phải khổ sở như thế?. Chị bảo nhà đẻ ở Phú Thọ, chị lấy chồng xa, chị tự chịu tủi nhục một mình. Cái tâm lý lấy chồng theo chồng ăn sâu vào tâm trí chị, không thể có chuyện gì cũng chạy về nhà đẻ, bà con, làng xóm cười chê. Và chị còn con không thể bỏ đi dễ dàng được. Thế là chị chịu đựng cho tới ngày không còn sức chịu nữa.
Thế rồi trong những ngày tủi nhục, ba mẹ con vất vưởng ngoài đường do bị đuổi chị nghe được thông tin của Hội phụ nữ xã trên loa của thôn và chị tìm đến cầu cứu. Hội trưởng hội Phụ nữ xã là cô Nguyễn Thị Hồng đã giúp đỡ chị. Cô nấu cơm cho ăn, cho tá túc nhờ nhà, tạm lánh trong vài tháng.
Sau khi con gái bị đánh đuổi, bố mẹ cũng biết chuyện và ủng hộ con ly hôn. Mẹ chị nói trong nước mắt: “Con cảm thất sống không được thì nên ly hôn để sống cho thoải mái đầu óc”. Sau khi được hỗ trợ, chia sẻ, chị đã đủ dũng cảm ly hôn.
Sau gần 2 năm bị đuổi ra khỏi nhà, nói về những chuyện cũ, chị vẫn nức nở: “Trước đó tôi không nghĩ mình sẽ ly hôn vì muốn sống vì con. Thế nhưng sau khi nhận được sự tư vấn, giúp đỡ, tôi đã hiểu mình phải ly hôn. Chồng tôi thực sự rất quá đáng, tôi cũng là phụ nữ và không chịu đựng nổi cảnh sống chung chồng với người đàn bà khác”.
Hiện tại cuộc sống của chị đã dần ổn hơn. Chị đã thuê được phòng trọ gần chỗ làm. Thậm chí chị còn tham gia vào các chương trình giúp đỡ phụ nữ bị bạo hành gia đình để chia sẻ và giúp họ vượt qua hoàn cảnh.
Nhìn dáng gầy mòn, khắc khổ của người đàn bà mới ngoài 30 ấy, người đối diện không khỏi cảm thương. Những ngày nuôi con một mình tiếp theo chắc cũng không ít vất vả. Thế nhưng chúng tôi tin chị sẽ làm được khi trong ánh mắt của chị đã không còn sự run rẩy như con chim trong trận bão. Sau “cơn bão” cuộc đời ấy, đôi mắt người đàn bà kém may mắn đó đã ánh lên sự nghị lực để bắt đầu những ngày mới của tự do.