Bi kịch vợ là gái, chồng là… nữ

(PLO) - Theo nghiên cứu mới nhất của Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội, môi trường (ISEE): Hơn 18% đồng tính nữ đã từng tự tử không thành; 10% người khác có ý định tự tử gần như hàng ngày; còn 32% số họ có ý nghĩ “thà chết còn hơn” trong vòng 2 tuần qua. Gần 60% trong số họ bị rơi vào tình trạng trầm cảm khi cảm thấy căng thẳng, có sức ép và rất mệt mỏi, đau khổ. 
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Nguyên cớ dẫn tới tình yêu của người dị tính hay song tính đều giống nhau. Nhưng để đến được tình yêu với người đồng tính là biết bao vật vã và nước mắt. 
Bi kịch khi là chính mình
Mặc dù đã có gia đình nhỏ với con trai lớn 9 tuổi, con gái út 7 tuổi, nhưng Phan Thị Thanh Huyền (32 tuổi, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) vẫn chia tay chồng để đến với cuộc tình đồng giới. Không ai ngờ, ngày 26/5 vừa qua, cặp tình nhân này cùng treo cổ tự vẫn trong phòng. 
Hành trình được là chính mình của Huyền nhiều nước mắt hơn hạnh phúc. Kể từ khi ly hôn, Huyền thay đổi hoàn toàn từ dáng vẻ bề ngoài cho đến tính cách, trở nên mạnh mẽ, “đàn ông” hơn, nhưng do cô sống tình cảm, hòa đồng nên cũng không ai để tâm, bàn tán về sự “nam tính khác người” ấy. Hàng ngày, Huyền kiếm sống bằng nghề bán trái cây. Khoảng 4 năm gần đây, cô công khai tình cảm với Thảo, một cô gái ở An Giang hiện đang làm nhân viên văn phòng tại TP.Hồ Chí Minh.
Sau khi cặp với Thảo, Huyền về nhà đòi bố mẹ đẻ cho một phòng riêng. Chiều con, người cha đã làm theo. Huyền “nam tính” nên đóng vai trò là chồng, Thảo đóng vai trò là vợ. Nhưng cuộc sống của cặp vợ chồng đồng giới không phải lúc nào cũng ngọt ngào như mong đợi. Huyền chỉ ở nhà bán trái cây, trong khi Thảo còn trẻ, ngoại hình khá xinh xắn, có công việc ổn định, trên danh nghĩa vẫn là gái chưa chồng nên không ít “trai lạ” tán tỉnh. Không ít lần Huyền giận dỗi, ghen tuông. Những lần cự cãi, hờn giận gần đây càng nhiều hơn bởi bố mẹ Thảo bắt cô phải về quê lấy chồng. 
Có lẽ vì không có cách nào để được sống bên nhau nên cả hai đã chọn cái chết thương tâm. Trước đó khoảng một tháng, Huyền đã uống thuốc rửa móng tay để tự tử nhưng được gia đình phát hiện đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời.
Những cuộc gọi ám ảnh lúc nửa đêm
Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, ở TP.Hồ Chí Minh đã xảy ra liên tiếp những vụ việc đau lòng liên quan đến chuyện tình cảm của những người đồng tính. Trước vụ tử tự của cặp đôi Huyền – Thảo là vụ án giết người tình đồng tính, phi tang xác ở quận Gò Vấp. 
Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Bình - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội, môi trường (ISEE) chia sẻ, đây là một điều đáng báo động. Mọi cảm xúc trong tình yêu với người đồng tính đều giống mọi người dị tính. Không hẳn vì họ khó tìm tình yêu hơn nên sẵn sàng sống chết với tình yêu, cũng không phải họ dễ dãi tình một đêm như đồn thổi. Thực tế, người đồng tính chỉ là xã hội thu nhỏ, họ chỉ khác về cảm xúc giới tính mà thôi. Thế nên, sự manh động hay bế tắc dễ dẫn họ tới những sang chấn tâm lý và những bi kịch, chứ không phải người đồng tính là “mắc bệnh”…
Một cặp đôi đồng tính nữ - Chip và Pi ở Hà Nội, tâm sự: “Dù em vẫn đang trên đường công khai giới tính với cha mẹ và chịu rất nhiều áp lực nhưng em luôn lạc quan”. Dù gia đình bạn gái của Pi cấm cửa, liên tục làm mối bắt đi lấy chồng nhưng Pi tin mình luôn là người mạnh mẽ để có những hành xử đàng hoàng, đúng đắn. Theo Pi: “Người đồng tính đã bị nhìn với không ít khắt khe nên em nghĩ mình sẽ sống, làm việc đúng với chuẩn mực của gia đình và không bao giờ có ý nghĩ tiêu cực để người thân thêm đau lòng về mình”.
Trong những lần tư vấn pháp lý cho các bạn đồng tính, Lương Thế Huy - cán bộ ISEE ám ảnh khôn nguôi với những câu chuyện đau lòng mà các bạn chia sẻ. Những số điện thoại được Huy lưu lại dưới dạng những kí hiệu, Huy chưa bao giờ cảm thấy vui vẻ để nhấc máy…
Có một bạn tên là Vân (Hà Nội) yêu một bạn nữ ở Sài Gòn. Sau khi cha mẹ phát hiện đã bắt giam cô trong nhà, ngăn cấm không cho gặp bạn gái. Mỗi lần như thế, Vân lại tìm cách trốn đi, gia đình lại tìm bắt lại. Mỗi lần đau khổ, Vân đều gọi cho Huy để chia sẻ, cầu cứu, hi vọng được giúp đỡ. Có lần, Huy đã giúp Vân vào trong Nhà tạm lánh của Hội Phụ nữ Hà Nội. Nhưng dù cô trốn đi đâu, chỉ được một thời gian, lại bị bố mẹ bắt về. Cuộc gọi cuối cùng cho Huy là một số lạ từ Singapore. Vân cho biết, cô đã bị đưa ra nước ngoài, gửi cho một gia đình bạn bè bên đó. Nhưng rồi, tại đó, cô bị lừa, bị cưỡng bức… Nhưng lúc đau khổ tan nát về thể xác, tâm hồn, cô chỉ nhớ người yêu, muốn về với người yêu. Đó là lần gọi sau cùng của Vân.
Huy chia sẻ thêm, trong số rất nhiều cuộc gọi ấy, sẽ có người may mắn tìm được tình yêu và sống hạnh phúc. Nhưng cũng có người không may mắn, niềm tin sụp đổ, cơ hội tình yêu đóng lại. Cảm giác ân hận đi theo họ suốt cuộc đời, hạnh phúc trở thành một chiếc rương với chiếc khóa đã mất không bao giờ tìm lại được. Đa phần các số điện thoại dần dần sẽ không còn gọi Huy nữa, có thể họ đã giải quyết được hạnh phúc, có thể họ đã tìm một giải pháp khác, hoặc có thể đã không còn có thể gọi được. Mạng sống có thể cứu bằng thuốc men, thiết bị máy móc; tuy nhiên sự sống chỉ có thể gây dựng từng ngày một bằng niềm tin và tình yêu.
Đối với Huy, khi tiếp tục có những cuộc gọi như vậy, đó không chỉ là tín hiệu điện thoại, nó là tín hiệu của hy vọng, tín hiệu của sự sống. Bên kia chiếc bàn tư vấn dài là cánh cửa để người đồng tính bước ra khỏi căn phòng và đi tiếp con đường của họ. “Trong nhiều con đường mà người đó sẽ đi, tôi mong rằng sẽ có một con đường gọi là đường về nhà, con đường quay lại nhìn thấy bản thân. Mỗi người trong xã hội đều có thể giúp cho con đường về nhà của người đồng tính, song tính, chuyển giới có thể ngắn hơn, bớt gập ghềnh và tươi sáng hơn con đường lúc họ ra đi”- Huy bày tỏ.