Bí mật món quà của các nguyên thủ (Bài 5): Gấu trúc, món quà ngoại giao đặc biệt của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường tặng gấu trúc cho các nguyên thủ quốc gia khác và coi đó là một món quà rất đặc biệt. Thậm chí, có thời kỳ người ta nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới có thể cảm thấy bị coi thường nếu họ tới thăm Trung Quốc mà không có ít nhất một chú gấu trúc lúc trở về.
Cặp gấu trúc nổi tiếng Ling-Ling và Hsing Hsing.
Cặp gấu trúc nổi tiếng Ling-Ling và Hsing Hsing.

Tặng quà được xem là thông lệ trong tất cả các nền văn minh và ở mọi thời đại. Việc tặng quà cho quốc khách là một trong những nghi thức ngoại giao quan trọng không thể thiếu của mọi đất nước.

Quà tặng là thông điệp cuối cùng mà khách sẽ mang về đất nước họ, ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công trong mọi hoạt động. Chính vì vậy mà bên cạnh các hoạt động chính thức, món quà được các nguyên thủ quốc gia đem ra tặng nhau là thứ mà dư luận luôn rất quan tâm.

Cặp gấu trúc nổi tiếng

Vào tháng 2/1972, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Richard Nixon đã có chuyến công du cực kỳ quan trọng tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ tới Trung Quốc kể từ khi Nhà nước Trung Hoa mới được thành lập, do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Được xem là chuyến đi “phá băng” mối quan hệ với Trung Quốc, chuyến đi này của ông Nixon đã đặt cơ sở cho việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.

Bữa tối ở Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm, Đệ nhất phu nhân Mỹ khi đó là bà Patricia Nixon đã nói với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai rằng bà rất thích những con gấu trúc khổng lồ. Đáp lời, ông Chu vui vẻ nói: “Tôi sẽ tặng bà vài con”.

Giữ đúng lời hứa, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sau đó chuyển hai chú gấu trúc là Ling-Ling và Hsing Hsing tới Mỹ. Ling-Ling là gấu trúc cái còn Hsing Hsing là chú gấu đực. Hai chú gấu trúc được xem là minh chứng cho thiện chí của Trung Quốc với Mỹ. Đáp lại, Tổng thống Mỹ Nixon tặng Trung Quốc hai con bò xạ hương đến Trung Quốc.

Vào ngày 16/4/1972, Tổng thống Nixon và Đệ nhất phu nhân Mỹ Nixon đích thân chào đón hai chú gấu trúc khổng lồ tới Mỹ. Ông Nixon sau đó quyết định rằng hai chú gấu sẽ sống tại Vườn thú Quốc gia ở thủ đô Washington. Ngày 20/4/1972, hơn 8.000 người Mỹ đội mưa chứng kiến màn ra mắt của hai chú gấu trúc tại Vườn thú quốc gia Washington.

Truyền thông Mỹ cho biết, trong suốt hành trình dài từ Trung Quốc tới “ngôi nhà mới” ở Mỹ, hai chú gấu được bảo vệ với các biện pháp an ninh vô cùng nghiêm ngặt. Trong một tháng đầu kể từ ngày đặt chân đến vườn thú, hai vị “khách” đặc biệt đến từ Trung Quốc thu hút tới một triệu lượt người tại Mỹ ghé thăm.

Trong vòng một năm đầu tiên kể từ khi đến Mỹ, ước tính đã có khoảng 1,2 triệu người đến vườn thú để chiêm ngưỡng cặp gấu trúc, trong 20 năm tiếp theo, hai chú gấu luôn nằm trong số những con thú thu hút khách tham quan nhất tại Vườn thú quốc gia của Mỹ.

Việc trao đổi quà tặng giữa Mỹ và Trung Quốc nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đã đánh dấu sự hồi sinh của truyền thống chính trị lâu đời được gọi là “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc. Sự nổi tiếng của cặp gấu trúc được xem là minh chứng rõ ràng cho thành công trong chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc, là chứng minh rõ ràng trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa Bắc Kinh với Mỹ.

Chính sách lâu đời

Người ta cho rằng, chính sách “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc đã có từ thế kỷ thứ VII, khi Nữ hoàng Võ Tắc Thiên gửi tặng Nhật Bản một cặp gấu làm lễ vật. Cũng có ý kiến cho rằng chính sách “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc thực sự bắt nguồn từ năm 1941, khi Tưởng Giới Thạch tặng Mỹ một chú gấu trúc để bày tỏ lòng cảm ơn vì sự ủng hộ của nước này dành cho Trung Quốc trong chiến tranh Trung - Nhật lần thứ 2.

Cũng có ý kiến cho rằng chính sách “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc chính thức bắt đầu vào năm 1957, khi nước này tặng Liên Xô cặp gấu trúc có tên Ping Ping và Qi Qi. Cặp gấu trúc được xem là biểu tượng của hòa bình và hữu nghị này đã được đưa từ Trung Quốc đến Liên Xô cũ vào ngày 18/5/1957. Đây cũng là những con gấu trúc đầu tiên được đưa ra nước ngoài sau khi nước Trung Hoa mới được thành lập vào năm 1949. Năm 1959, Trung Quốc đưa thêm chú gấu cái An An đến để làm bạn với Ping Ping.

Thực tế chứng minh, những chú gấu trúc – loài vật được xem là quốc bảo của Trung Quốc đã nhiều lần đóng vai trò đại sứ thiện chí và có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy cải thiện quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với các quốc gia khác.

Năm 1972, để mừng sự kiện hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc đã tặng Nhật Bản hai con gấu trúc có tên Lan Lan và Kang Kang. Việc tặng gấu trúc diễn ra sau chuyến thăm giúp bình thường hóa quan hệ ngoại giao Nhật-Trung của Thủ tướng Nhật Bản Kakuei Tanaka tới Trung Quốc vào tháng 9 cùng năm.

Chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc thành công tới mức vào năm 1974, Thủ tướng Anh Edward Heath khi tới Trung Quốc cũng đã đề nghị được tặng một cặp gấu. Kết quả là, chỉ sau vài tuần, cặp gấu trúc Ching-Ching và Chia-Chia cũng được tính trong hành trang trở về của ông Health sau chuyến công du Trung Quốc. Hai chú gấu này được đưa đến Vườn thú London để chăm sóc.

Tiếp theo cặp gấu trúc Ling-Ling và Hsing Hsing tặng Mỹ, Trung Quốc tiếp tục tặng những chú gấu trúc tới các nước... Những vị “đại sứ bốn chân” này đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc cải thiện quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các nước mà chúng được “cử” đến. Theo một thống kê, từ năm 1957 đến năm 1982, tổng cộng đã có 23 chú gấu trúc được Trung Quốc đưa tới 9 quốc gia.

Tuy nhiên, đến những năm 1980, trước việc số lượng gấu trúc trong tự nhiên sụt giảm nghiêm trọng, Trung Quốc phải ngừng việc tặng loài vật này cho nước ngoài. Để giải quyết tình hình, từ năm 1984, Trung Quốc áp dụng phương án “cho thuê” gấu trúc.

Theo chính sách này, các chính phủ nước ngoài sẽ trả tiền cho sự hiện diện của gấu trúc tại quốc gia mình trong một thời gian ngắn. Trong giai đoạn 1984-1988, hàng chục thành phố Bắc Mỹ đã ký hợp đồng thuê gấu trúc Trung Quốc. Gấu trúc lúc này ngoài vai trò đại sứ thiện chí còn đem lại một nguồn thu thương mại đáng kể cho Trung Quốc. Cứ 3 tháng gấu trúc ở Mỹ mang về cho Bắc Kinh hàng triệu USD.

Dù vậy nhưng không phải không có những ngoại lệ. Ví dụ, vào năm 1992, nhân kỷ niệm 20 năm khôi phục quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Trung Quốc đã tặng cho vườn thú Tokyo của Nhật Bản chú gấu trúc có tên Ling Ling để làm giống. Ling Ling trong suốt một thời gian dài trở thành biểu tượng của quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Đây cũng là chú gấu trúc duy nhất thuộc sở hữu của Nhật vào thời điểm đó.

Đầu tháng 5/2008, chỉ vài giờ sau khi đặt chân xuống sân bay Tokyo, Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào cũng đã thông báo với Thủ tướng Nhật khi đó Yasuo Fukuda rằng Trung Quốc sẽ cho Nhật mượn một cặp gấu trúc để làm giống sau khi chú gấu đực Ling Ling qua đời. Vào thời điểm này, tại Nhật Bản đang có 8 chú gấu trúc được thuê mượn từ Trung Quốc.

Thành công đáng kể

Đến năm 1994, dự án “hợp tác cùng chăn nuôi” gấu trúc do Trung Quốc đề xướng ra đời, thay thế chương trình cho thuê. Theo chương trình này, các nước sẽ được thuê gấu trúc dưới một hình thức mới, trong thời gian 10 năm với mức phí 10 triệu USD.

Những thỏa thuận cho thuê gấu trúc của Trung Quốc với các nước cũng thường được công bố trong các chuyến công du của lãnh đạo nước này đến các nước hoặc nguyên thủ các nước tới Trung Quốc. Hiệu quả dự án đã được ghi nhận tích cực, bởi loại hình hợp tác này mang lại nhiều lợi ích cho công tác nghiên cứu gấu trúc lớn.

Tổng cộng, Trung Quốc đã xây dựng dự án hợp tác dài hơi cùng 14 nước, hiện là nơi sinh sống của 48 con gấu trúc lớn. Điển hình, năm 2012, Thủ tướng Canada Stephen Harper khi thăm Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc để mượn 2 chú gấu trúc trong thời gian 10 năm kể từ đầu năm 2013. Ottawa coi đây là dấu hiệu thân thiện giữa hai nước cho dù mỗi năm Canada phải chi ra 1 triệu USD để được mượn 2 con gấu trúc đó.

Trong suốt nhiều thập kỷ, gấu trúc của Trung Quốc đã đảm nhận thành công vai trò “đại sứ ngoại giao”. Việc tặng, cho mượn gấu trúc của Trung Quốc có thời kỳ phổ biến đến mức có ý kiến nói rằng các nhà lãnh đạo thế giới có thể cảm thấy bị coi thường nếu họ tới thăm Trung Quốc mà không có ít nhất một chú gấu trúc lúc trở về.

Lý giải về chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Quốc, ông Phil Dean thuộc Viện nghiên cứu Phương Đông và châu Phi ở Anh cho rằng gấu trúc là hình tượng văn hoá nổi bật của Trung Quốc. “Chúng là biểu tượng của tình hữu nghị và hoà bình. Gấu trúc thông minh, dễ thương nên có thể gửi các thông điệp thiện chí”, ông nói.

Đọc thêm