Bí mật món quà của các nguyên thủ (Bài 6): Ẩn ý sau món quà ra mắt của nữ Thủ tướng Anh với Tổng thống Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiếc quaich được Thủ tướng Anh Theresa May tặng Tổng thống Mỹ Donald Trump nhân cuộc gặp đầu tiên vào năm 2017 nhìn bề ngoài có vẻ đơn giản nhưng mang nhiều hàm ý sâu xa.
Những chiếc quaich trở thành món quà ý nghĩa.
Những chiếc quaich trở thành món quà ý nghĩa.

Món quà đơn giản?

Cuối tháng 1/2017, chỉ chưa đầy nửa tháng sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, Thủ tướng Anh khi đó là bà Theresa May đã có chuyến thăm Mỹ và trở thành lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp tân Tổng thống Mỹ Trump. Tại cuộc gặp diễn ra ở Nhà Trắng, nữ Thủ tướng Anh đã tặng cho Tổng thống Mỹ một chiếc quaich – một chiếc cốc uống nước truyền thống của người Scotland. Trong khi đó, Đệ nhất phu nhân Melania Trump nhận được một món quà từ dinh thự của Thủ tướng.

Ngược lại, Thủ tướng Anh đã được tặng một bức tranh cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đang tuyên thệ nhậm chức được đóng khung cẩn thận cùng một bản sao Kinh thánh mà ông Trump sử dụng tại lễ nhậm chức của ông. Đệ nhất phu nhân Melania Trump đã tặng cho ông Philip – Phu quân của bà May - một cặp măng sét bạc của nhà thiết kế người New York David Yurman.

Nhiều người cho rằng món quà mà nữ Thủ tướng Anh chọn ngay trong cuộc gặp đầu tiên với người đứng đầu đất nước hùng mạnh nhất thế giới có vẻ như quá đơn giản. Song, người Anh, hoặc ít nhất là các lãnh đạo của Anh khi đó, nói rằng không phải như vậy. Quaich là chiếc cốc uống nước có hai tay cầm. Chiếc cốc đã được người Scotland sử dụng từ xa xưa và được xem là biểu tượng của sự tin tưởng, tình bạn, tình hữu nghị. Theo thông tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh, đây là thông điệp mà bà May muốn gửi đi trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ.

Thêm vào đó, chiếc quaich cũng mang ý nghĩa đặc biệt đối với ông Trump. Bởi, mẹ của ông là bà Mary Anne MacLeod được sinh ra trên đảo Lewis thuộc Scotland trước khi đến Mỹ. Truyền thông Anh cho biết, dù chỉ đến thăm hòn đảo nơi mẹ sinh ra hai lần nhưng ông Trump đã thể hiện sự quan tâm đối với Scotland thông qua việc phát triển hai khu nghỉ dưỡng chơi golf tại Turnberry và Menie. “Nếu đi ngược trở lại, tìm về với quá khứ của tinh thần thượng võ của vùng Scotland, chiếc quaich ngày nay là một lời nhắc nhở vượt thời gian về các giá trị về tình bạn và lòng hiếu khách lâu dài của người Scotland”, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết trong một tuyên bố.

Vật dụng truyền thống

Những chiếc quaich truyền thống được làm bằng gỗ, một dạng nghệ thuật được gọi là “treen”. Một số chiếc quaich ban đầu có hình dáng giống như cái thùng. Các thanh gỗ được cột lại với nhau bằng dây liễu hoặc bạc. Chúng thường có hai tay cầm ngắn. Cũng có những chiếc quaich được đẽo từ một mảnh gỗ duy nhất và được chạm khắc bên ngoài. Ngoài gỗ, quaich còn được làm bằng đá, đồng thau, sừng và bạc. Đến khoảng thế kỷ thứ 17, những chiếc quaich trở nên phổ biến hơn và cũng được chế bằng nhiều chất liệu hơn, với nhiều hoa văn chạm khắc tinh xảo.

Cho đến nay, vẫn còn những ý kiến khác nhau về nguồn gốc của chiếc quaich. Có ý kiến cho rằng, thiết kế của vật này lấy cảm hứng từ những chiếc bát thấp bằng bạc có hai tay cầm phẳng thường được sử dụng ở Anh và Hà Lan. Một giả thuyết phổ biến khác cho rằng hình dạng những chiếc quaich có nguồn gốc từ vỏ sò.

Trong khi đó, nhà sưu tập người Mỹ Richard L. McCleneahan lại cho rằng quaich được cải tiến từ chiếc mazer có từ thời Trung cổ. Sở dĩ nói vậy là bởi có những bình uống nhỏ mazer phổ biến trong thời kỳ Trung cổ đã được tìm thấy xung quanh vùng Baltics và một số chiếc quaich xuất hiện sớm nhất được chế tạo với hình dáng khá giống với những chiếc mazer.

Thực tế là, trong hàng trăm năm qua, những chiếc quaich đã được các trưởng tộc ở Scotland trao đổi như một biểu tượng của lòng hiếu khách và sự tương đồng lẫn nhau, với hai tay cầm được cho là đại diện cho sự tin tưởng lẫn nhau. Điều này xuất phát từ thực tế xa xưa rằng khi hai người dùng chung một chiếc quaich để uống rượu sẽ bị say và không có khả năng cầm bất kỳ vũ khí nào. Khi đó, cả hai sẽ dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau để không lợi dụng điểm yếu này.

Những chiếc quaich còn được người Scotland gọi là chiếc cốc yêu thương bởi khi dùng nó, hai người mỗi người sẽ cầm một tay cầm quaich, cùng uống chung một cốc đồ uống. Khi dùng chung như vậy, một người có thể rót đầy cốc bằng đồ uống mà họ chọn hoặc có thể kết hợp hai loại đồ uống mà mỗi người thích để tạo thành một thứ đồ uống mới. Đồ vật này thường được dùng trong các nghi lễ.

Ví dụ, trong đám cưới, quaich sẽ được cha mẹ chú rể trao cho cô dâu sau đó được cha mẹ cô dâu trao cho chú rể, sau đó, tất cả cùng uống một ngụm từ chiếc quaich như một biểu tượng chào đón thành viên mới đến với gia đình. Với ý nghĩa thể hiện cho sự chia sẻ, quaich sẽ được truyền khắp tiệc cưới (hoặc có khi là cả khách mời), mỗi người nhấp một ngụm như một biểu tượng của sự sẻ chia hạnh phúc lứa đôi, chúc phúc cho họ.

Ông Roddy Martine - biên tập viên tạp chí Keeper of the Quaich – cho biết, những chiếc quaich hay được dùng để đựng một số loại rượu, thường là rượu whisky và rượu mạnh. “Đó là một chiếc cốc chan chứa sự yêu thương. Việc sử dụng những chiếc cốc này bắt đầu trở nên phổ biến vào thế kỷ 17. Người Scotland có thể dắt vào thắt lưng hoặc đeo vào chiếc áo choàng của họ để mang đi khắp nơi”, ông Martine cho hay.

Theo ông này, về cơ bản, chiếc quaich là một chiếc cốc được sử dụng phổ biến trong các cộng đồng. “Những ngày đó, người ta chưa có ly hay tách. Tất cả họ đều uống đồ trong cùng một loại cốc là quaich”, ông nói thêm.

Ngày nay, những chiếc quaich thường được trao làm giải thưởng cuộc thi thay cho những bó hoa. Vật dụng này cũng có thể được dùng làm quà tặng cho các cặp vợ chồng Scotland mới kết hôn với ý nghĩa tượng trưng cho sự chia sẻ giữa hai vợ chồng. Trong những trường như vậy, chiếc quaich thường chỉ để kỷ niệm, không để dùng hàng ngày. Các ngư dân cũng sử dụng chúng để nâng ly chào mùa cá hồi mới hàng năm, bằng cách đổ rượu whisky từ quaich xuống sông.

Năm 2014, những chiếc quaich trở nên nổi tiếng hơn khi chúng được dùng làm vật kỷ niệm đặc biệt trao cho các vận động viên giành được huy chương tại Đại hội thể thao Khối thịnh vượng chung năm 2014 ở Glasgow, mang đến cho lễ trao giải một phong cách khác biệt so với các đại hội thể thao từng được tổ chức.

Chiếc quaich Cây Waterloo nổi tiếng

Với sự phổ biến của nó, không ít những chiếc quaich đã trở nên nổi tiếng, trong đó có thể kể đến chiếc quaich Cây Waterloo. Số là trong Trận chiến Waterloo (xảy ra vào ngày 18/6/1815), Sở chỉ huy của Công tước xứ Wellington được lập dưới cây du Waterloo nổi tiếng. Cái cây lịch sử này nằm ngay phía tây nam của giao lộ Genappe – Brussels. Sau trận chiến, cái cây đã bị những kẻ săn đồ lưu niệm làm chết.

Cái cây chết sau đó được một Thủ thư ở Bảo tàng Anh mua lại. Ông này đã chặt cái cây vào năm 1818 và chuyển nó đến Anh. Các phần gỗ của cái cây đã được tạo thành những đồ vật đáng mơ ước, bao gồm cả một chiếc ghế do con trai của ông Thomas Chippendale làm tặng cho Vua George V. tủ lạnh rượu và giá đỡ cho tượng bán thân của Công tước Wellington.

Ngoài ra, vào năm 1824, một thợ bạc ở London tên Joseph Angell đã được một người chuyên săn đồ lưu niệm là Walter Scott thuê chế tác gỗ của cây du Waterloo thành một chiếc quaich mạ bạc. Chiếc quaich cũng được khắc một khẩu hiệu của người Scotland lên trên đó và được gọi là Quaich cây Waterloo, Chiếc quaich sau đó được truyền từ đời ông Scoot sang đời con, cháu của ông ta. Đến tháng 4/1994, nhà triển lãm có tên Abbotsford thuộc sở hữu của các cháu của Walter Scott là ông Dame Jean và bà Patricia Maxwell -Scott bất ngờ bị trộm ghé thăm. Gần 30 món đồ ở đây đã bị lấy đi, trong đó có chiếc Quaich cây Waterloo

Cảnh sát vào thời điểm đó tin rằng những đồ vật này đã bị lấy trộm theo “đặt hàng” của những tên trộm nghệ thuật chuyên nghiệp. 16 năm sau, chiếc quaich đã được tình cờ phát hiện tại một chợ trời ở Pháp. Sau đó, nó được trả lại cho nhà triển lãm Abbotsford. Bí ẩn vẫn còn bao quanh nơi ở của quaich trong thời gian can thiệp.

Đọc thêm