Bí mật sau chiếc xe đạp Flying Pigeon, thương hiệu quốc gia của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong một số dịp, lãnh đạo Trung Quốc thay vì những món đồ xa xỉ đã tặng nguyên thủ các nước những chiếc xe đạp mang thương hiệu Flying Pigeon (chim bồ câu bay) được sản xuất trong nước.
Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và vợ được tặng xe đạp Flying Pigeon.
Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và vợ được tặng xe đạp Flying Pigeon.

Món quà thể hiện sự tự hào đối với vật dụng mang thương hiệu Trung Quốc, đôi khi là sự tinh tế khi gợi nhớ những kỷ niệm đẹp của người nhận.

Món quà ý nghĩa

Mặc dù nhà phát minh người Anh John Kemp Starley được nhiều người coi là cha đẻ của chiếc xe đạp hiện đại nhưng nhiều người cho rằng chiếc xe đạp chính là biểu tượng của Trung Quốc xưa. Trung Quốc từng được mệnh danh là “vương quốc xe đạp” vì đây là phương tiện di chuyển từng được hàng triệu người ở khắp nơi trên nước này sử dụng.

Cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush có thể được xem như một nhân chứng quan trọng. Trước khi trở thành Tổng thống Mỹ vào năm 1989, từ năm 1974 đến năm 1975, ông Bush đã được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Gerald Ford bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Liên lạc Mỹ tại Bắc Kinh. Trong thời gian đó, ông Bush và vợ là Barbara thường được nhìn thấy đạp xe quanh thành phố Bắc Kinh vào mỗi dịp cuối tuần.

Trong đó, nói đến xe đạp Trung Quốc, không thể không nhắc đến thương hiệu Flying Pigeon. Không chỉ là phương tiện di chuyển quen thuộc của hàng triệu người Trung Quốc, đây còn từng là món quà được nước này dành tặng nhiều lãnh đạo các nước. Ví dụ, vào năm 1989, khi ông Bush trở lại Bắc Kinh với tư cách là Tổng thống Mỹ, biết rõ về những vị khách của mình, thay vì tặng hai vợ chồng Tổng thống Mỹ những món quà xa xỉ, Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Lý Bằng đã tặng họ hai chiếc xe đạp hiệu Flying Pigeon (Chim bồ câu bay).

Nhiều người có thể nghĩ rằng hai chiếc xe đạp như vậy không đủ sang trọng để làm quà tặng chính thức của nhà nước dành cho nguyên thủ một quốc gia hùng mạnh như nước Mỹ. Tuy nhiên, việc tặng quà như vậy được cho là không những phù hợp mà còn rất ý nghĩa bởi phương tiện đi lại này có một mối liên hệ đặc biệt với ông Bush và vợ của ông. Với việc tặng quà như vậy, Thủ tướng Trung Quốc đã giúp vợ chồng ông Bush hồi tưởng lại những kỷ niệm hạnh phúc trong một quãng thời gian đáng nhớ của họ ở Trung Quốc. Qua đó, đất nước Trung Quốc cũng hiện diện nhiều hơn trong suy nghĩ của Tổng thống và Đệ nhất phu nhân Mỹ.

Ngoài ông Bush, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và cựu Thủ tướng Anh David Cameron đều từng được tặng xe đạp Flying Pigeon từ Trung Quốc, lần lượt vào các năm 2009, 2013 và 2014.

Thương hiệu nổi tiếng Trung Quốc

Flying Pigeon (Chim bồ câu bay) là tên tiếng Anh của Fei Ge, nhà sản xuất xe đạp có trụ sở tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc. Nếu như thành phố Detroit ở bang Michigan được gọi là trái tim ô tô của Mỹ thì Thiên Tân chính là thành phố xe đạp của Trung Quốc. Mỗi năm, các nhà máy trên toàn thế giới sản xuất 100 triệu xe đạp mới thì 1/4 trong số đó được sản xuất ở Thiên Tân.

Lịch sử ngành sản xuất xe đạp của thành phố này bắt đầu vào năm 1936, khi một doanh nhân người Nhật Bản đã đến đây và xây dựng nhà máy có tên Changho Works, đồng thời bắt tay vào việc chế tạo chiếc xe đạp mang tên Anchor có nghĩa là Mỏ neo. Tên thương hiệu sau đó được đổi thành Victory rồi lại thành Zhongzi. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền lãnh đạo và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, ngành công nghiệp xe đạp của Trung Quốc đã được hồi sinh.

Tháng 4/1949, Phó Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Lưu Thiếu Kỳ đã đến thăm nhà máy và yêu cầu phải đưa đây trở thành nhà máy sản xuất xe đạp đầu tiên ở đất nước Trung Quốc mới được thành lập. Các công nhân của nhà máy được giao nhiệm vụ chế tạo thế hệ xe đạp bền, nhẹ và đẹp cho đất nước.

Thực hiện yêu cầu này, vào ngày 5/7/1950, chiếc xe đạp Flying Pigeon đầu tiên đã được sản xuất. Nó là sản phẩm trí tuệ của một công nhân tên là Huo Baoji, người đã dựa trên mô hình chiếc Raleigh của Anh năm 1932 để chế tạo ra mẫu xe. Cái tên Flying Pigeon mang ý nghĩa biểu trưng cho hòa bình. Logo của xe là một con chim bồ câu cách điệu, đại diện cho sự hòa hợp và hài hòa, với các chữ cái đầu là FG.

Flying Pigeon đã trở thành thương hiệu đi đầu trong hiện tượng xe đạp ở Trung Quốc. Phương tiện này là hình thức vận tải được chính phủ Trung Quốc phê duyệt và Trung Quốc trong một thời gian dài này được biết đến với cái tên Vương quốc Xe đạp.

Chiếc xe đạp khi đó được coi là một trong ba vật dụng “phải có” của mọi người dân, bên cạnh máy khâu và đồng hồ - những vật dụng thiết yếu trong cuộc sống nhưng đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy sự giàu có. Trong một thời gian dài, phụ nữ Trung Quốc khi đi lấy chồng nếu được cha mẹ hồi môn cho một chiếc xe đạp Flying Pigeon được đánh giá rất cao, có thể giúp họ có được sự tự tin phần nào với nhà chồng.

Nhìn rộng ra cả một xã hội, chiếc xe đạp Flying Pigeon đã trở thành biểu tượng của một hệ thống xã hội bình đẳng, ít tiện nghi nhưng hứa hẹn đem đến một chuyến đi đáng tin cậy trong suốt cuộc đời. Trong suốt những năm 1960 và 1970, logo của thương hiệu Flying Pigeon trở thành biểu tượng cho hầu hết các loại xe đạp tại Trung Quốc.

Với sự phổ biến của chiếc xe cũng như dân số đông đúc của Trung Quốc, nó trở thành phương tiện cơ giới hóa phổ biến nhất trên hành tinh, đến mức nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình - người đã phát động cải cách kinh tế Trung Quốc vào những năm 1970 - đã định nghĩa sự thịnh vượng là “Bồ câu bay trong mỗi hộ gia đình”.

Trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1980, những chiếc xe đạp Flying Pigeon là món đồ giá trị với hầu hết người dân Trung Quốc. Vào đầu những năm 1980, Flying Pigeon là nhà sản xuất xe đạp lớn nhất của Trung Quốc. Năm 1986, công ty bán được 3 triệu chiếc xe.

Mẫu xe đường trường màu đen nặng 20 kg của hãng lúc bấy giờ rất được các công nhân ưa chuộng. Để mua được một chiếc xe như vậy, nhiều người phải chờ đợi vài năm mới mua được, thậm chí, ngoài tiền mua xe bằng khoảng 4 tháng lương đối với hầu hết công nhân, người mua còn cần phải có quan hệ tốt mới mua được xe.

Năm 1998, nhà máy Flying Pigeon ở trung tâm Thiên Tân đã được rời đến một khu công nghiệp ở ngoại ô thành phố. Từ thời điểm này, công ty duy trì hoạt động sản xuất với khoảng 600 công nhân, sử dụng thiết bị tự động hiện đại cho hoạt động sản xuất. Flying Pigeon hiện sản xuất 40 mẫu xe đạp, hầu hết là xe đạp leo núi hoặc xe đạp chuyên dùng ở các thành phố hiện đại với nhiều màu sắc khác nhau.

Theo thống kê, từ năm 1950, khi chiếc xe đạp đầu tiên xuất xưởng cho đến nay, đã có hơn 500 triệu chiếc xe đạp mang thương hiệu Flying Pigeon PA-02 đã được sản xuất, trong đó có nhiều những chiếc xe được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ở thời điểm năm 2007, đây là mẫu phương tiện được sản xuất nhiều hơn bất kỳ mẫu xe nào khác trên thế giới, bao gồm cả những thương hiệu đình đám như Honda Super Cub…

Những năm gần đây, dù doanh số bán hàng trong nước có giảm nhưng Flying Pigeon vẫn là chiếc xe đạp phổ biến nhất của Trung Quốc, một phần bởi vẫn còn một lượng lớn các xe cũ của thương hiệu này vẫn còn hoạt động. Với nhiều người, Flying Pigeon là vật kỷ niệm quan trọng, gợi nhớ tới thời hậu cách mạng của Trung Quốc. Năm 1994, Chính phủ Trung Quốc công nhận chiếc xe đạp này là “nhãn hiệu thương hiệu trọng điểm quốc gia cần được bảo hộ”, tôn vinh nó tương tự như bảo vật quốc gia.

Đọc thêm