Kiếm tiền từ “cái chết trắng”
Cứ mặt hàng nào bị cấm thì việc dám liều mạng buôn bán mặt hàng đó một là sẽ “hái ra tiền”, hai là sẽ bị khép tội. Mà đối với Hội Tam hoàng thì lợi nhuận luôn được xếp trên luật pháp. Với việc bãi bỏ luật cấm buôn bán rượu lậu ở Mỹ, những băng nhóm tội phạm cần phải tìm một mặt hàng mới để thay thế nhằm đảm bảo nguồn thu vào những năm 1920. Mặt hàng thay thế này đã nhanh chóng được xác định khi thuốc phiện được tuyên bố là bất hợp pháp ở thời điểm Chiến tranh thế giới II kết thúc vào năm 1945.
Vốn kiểm soát việc sản xuất và buôn bán thuốc phiện và dạng mạnh hơn là heroin, những băng nhóm thuộc Hội Tam hoàng nhanh chóng chớp lấy thời cơ, trở thành nhà cung cấp thuốc phiện và ma túy cho Mỹ và cả thế giới. Trong nhiều thập kỷ, “Tam giác vàng” (khu vực rừng núi hiểm trở nằm giữa biên giới ba nước Lào, Thái Lan, Myanmar) luôn là “lò sản xuất của heroin lớn nhất thế giới”.
Năm 1995, ít nhất 60% heroin trên cả thế giới được sản xuất ở khu vực Tam giác vàng. “Một lượng thuốc phiện thô có giá chỉ 100 USD ở nguồn nhưng qua tinh chế có thể bán trên đường phố với giá lên đến 5.000 USD.
Trong số những loại ma túy mà Hội Tam hoàng tham gia vào việc buôn bán có ma túy đá, cocaine và heroin, trong đó heroin là mặt hàng chủ đạo vì dễ kiếm ở châu Á. Ở thời điểm hoạt động mạnh mẽ nhất vào những năm 1990, những nhóm có liên quan đến Hội Tam hoàng điều hành hoạt động buôn bán heroin quốc tế có tổng giá trị ước lên đến 200 tỉ USD. Trong năm 1989, giới chức liên bang Mỹ đã thu giữ số heroin trị giá đến 1 tỉ USD chỉ trong 1 phi vụ buôn bán do những nhóm tội phạm người Trung Quốc thực hiện.
Cờ bạc và rửa tiền
Dù cờ bạc không hấp dẫn như buôn bán ma túy nhưng đây vẫn là một nguồn lợi nhuận chính và là hoạt động cốt lõi của Hội Tam hoàng. Sở dĩ như vậy một phần là bởi bản thân người Trung Quốc cũng luôn thích những trò chơi may rủi, từ mạt chược cho tới đua ngựa và sòng bạc. Do vậy nên cũng không có gì khó hiểu khi Hội Tam hoàng thường tích cực tham gia vào hoạt động cờ bạc để kiếm lời. Trong đó, những sòng bạc và động mạt chược là những nơi mà thành viên của các nhóm này chiếm số đông.
Cờ bạc và rửa tiền là những hoạt động đem lại lợi nhuận cho các nhóm Tam hoàng. |
Còn ở các sòng bạc, đây không chỉ là nơi giúp những băng nhóm Tam hoàng thu về lợi nhuận khủng từ người chơi mà còn là nơi để chúng thực hiện hoạt động rửa tiền. Theo đó, tiền bẩn do chúng kiếm được thông qua các hoạt động phạm pháp có thể thông qua các hoạt động của sòng bạc để được hợp pháp hóa.
Bên cạnh đó, những nhóm tội phạm này cũng có thể thu lời từ việc rửa tiền hộ người khác. Ví dụ, Trung Quốc áp quy định mỗi người dân không được mang quá 3.200 USD mỗi lần rời khỏi Trung Quốc và hạn mức cho một năm là 50.000 USD. Con số này không phải là lớn đối với những người Trung Quốc muốn chuyển tiền (nhiều khi là do thu được bất chính từ việc tham nhũng hay nhận hối lộ, biển thủ công quỹ...) ra nước ngoài.
Xuất phát từ thực tế đó, một lực lượng các thành viên của những Hội Tam hoàng đã ra đời với vai trò trên danh nghĩa là những người môi giới cờ bạc. “Những Hội Tam hoàng hay tội phạm có tổ chức người Trung Quốc thống trị ngành công nghiệp môi giới cờ bạc”, tác giả Benjamin Carlson nhận định trên tạp chí Foreign Policy.
Thông thường, những người ở Trung Quốc muốn chuyển tiền ra nước ngoài có thể gửi tiền cho những tay môi giới này rồi nhận tiền ở Macao. Tại các sòng bạc, tiền này chuyển thành đô-la Hong Kong hay được chuyển qua các quỹ ở Mỹ, từ đó những người muốn rửa tiền có thể chuyển tiền của họ tới các “thiên đường thuế” ở nước ngoài.
Ngoài ra, những nhóm Tam hoàng cũng liên quan đến những hành vi phạm tội khác có dính dáng tới các sòng bạc. Ví dụ, vì tòa án Trung Quốc không công nhận hay buộc phải trả những khoản nợ do đánh bạc nên những sòng bạc thường dựa vào các nhóm Tam hoàng để nhận dạng khách hàng và thu được nợ của họ. Với lý do đó nên Macao - đặc khu hành chính cho phép hoạt động cờ bạc và được xem là Las Vegas của phương Đông đã trở thành trung tâm của những nhóm Tam hoàng ở châu Á.
Cướp bóc
Cướp bóc là thường là một cách kiếm tiền ở cấp thấp của các nhóm thuộc Hội Tam hoàng, trong đó nhiều vụ việc liên quan đến cờ bạc và những người chiến thắng ở các sòng bạc thường là mục tiêu của những vụ cướp này. Theo một số điều tra, một thành viên của Hội Tam hoàng sẽ được chỉ định để quan sát các tay chơi “tiềm năng” ở sòng bạc.
Khi thấy mục tiêu thắng bạc, những thành viên khác sẽ được thông báo và bọn chúng sau đó sẽ theo sát “con mồi” về nhà và đe dọa nạn nhân để cướp tiền. Các nạn nhân khi rơi vào trường hợp này thường không dám báo cảnh sát vì lo sợ bị trả đũa.
Bên cạnh đó, Ủy ban chống rửa tiền Canada trong một báo cáo cũng dẫn hồ sơ từ Tòa án Hong Kong cảnh báo về âm mưu của những phần tử theo Hội Tam hoàng, theo đó chúng thường dụ dỗ du khách đến Macao chơi bạc và ở khách sạn miễn phí. Những nạn nhân sau đó bị ép chơi bằng chip gian lận, khiến họ thua hết tiền và lâm vào nợ nần.
Vẫn theo Ủy ban trên, một người môi giới cờ bạc tên Wong Kam Ming đã bị Hội Tam hoàng bắt giữ, chặt chân và tay trước khi sát hại vì người này đã để một người chơi bạc thắng bạc 100.000 đô-la Hong Kong, đồng nghĩa với việc ông này nợ Tam hoàng số tiền mà sòng bạc đã phải trả cho người thắng cuộc. Về phía người thắng cuộc, ông này cũng không được yên ổn mà bị đốt nhà và bị những thành viên của Hội Tam hoàng nhiều lần tấn công.
Mại dâm
Mại dâm cũng là một trong những hoạt động mang lại lợi nhuận lớn cho các băng nhóm thuộc Hội Tam hoàng. Những băng nhóm Tam hoàng kiểm soát phần lớn hoạt động mại dâm ở Hong Kong. Tại Mỹ, gần như tất cả các tiệm massage trá hình, đặc biệt là những tiệm phục vụ nam giới, đều có liên quan đến Tam hoàng.
Chính phủ Mỹ trong một báo cáo cho biết những nhóm Tam hoàng thường mua những cô gái (đôi khi là những bé gái mới 12 tuổi) và đưa tới Mỹ để bán cho những người đàn ông Trung Quốc không muốn lấy người bản địa hay bị cấm làm vậy.
Ngoài ra, chúng cũng dụ những cô gái tới Mỹ làm tiếp viên, giúp việc hay bán hàng với mức lương hứa hẹn nhưng trên thực tế là để làm gái mại dâm. Khi một gái mại dâm của Hội Tam hoàng đã đến lúc “hết đát”, người nào may mắn mới được trả tự do, còn không thì tiếp tục bị bán tới Trung Đông để làm việc cho các băng nhóm khác.
Đưa người nhập cư bất hợp pháp
Từ những năm 1980, những nhóm Tam hoàng đã thường xuyên tham gia hoạt động đưa người di cư đi khắp thế giới, trong đó chủ yếu là người Trung Quốc đến Mỹ. Một ước tính của Chính phủ Mỹ hồi năm 2013 cho biết có khoảng 100.000 người được các thành viên của Hội Tam hoàng đưa vào nước này mỗi năm.
Những công nhân không có giấy tờ sau đó thường làm việc cho chính những băng nhóm này để trả nợ. Ở những năm 1990, lợi nhuận thu được của Hội Tam hoàng nhờ hoạt động này đã lên đến khoảng 3 tỉ USD/năm.
Ngoài ra, trong các năm qua, giới chức Đông Nam Á cũng phát hiện một số vụ việc những nhóm Tam hoàng ở Hong Kong lợi dụng những người giúp việc nhà người Indonesia và các nước khác đang ở Hong Kong mang ma túy về nước họ cho chúng.
(Còn nữa)