|
Mới cưới được 8 tháng chị Hằng đã phải ra sân bay tiễn anh đi xuất khẩu lao động tận nước Nga xa xôi. Ảnh: Mai Hiền |
Từ chối đi chơi vì thương vợ ở quê nhà
Lấy chồng được 8 tháng thì chị Nguyễn Minh Hằng (SN 1981, quê xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội) phải ra sân bay tiễn chồng sang Nga theo hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ). Lúc ấy, chị đang mang thai đứa con đầu tiên. Vẫn biết rằng chồng mình quyết dứt áo ra đi XKLĐ là để mang đến cho vợ con một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng kể từ ngày anh đi, chị Hằng như người mất hồn.
Rồi có đôi lúc chợt nhớ đến những gia đình tan nát sau khi chồng hoặc vợ đi XKLĐ nước ngoài trong làng khiến chị rùng mình lo sợ. Nhưng khi trấn tĩnh, nhìn lại con người của chồng, chị tự nhủ phải tin tưởng chồng để anh yên tâm làm việc.
Chị gửi nỗi nhớ của mình vào những cánh thư gửi cho anh. Nhiều khi những dòng chữ trong thư bị nhòa đi vì nước mắt. Ở đất nước xa xôi, tối nào anh Tình cũng gọi điện về nói chuyện với vợ. Nhiều khi cảm thấy thương cho vợ, tủi cho gia đình mình, anh nghẹn ngào không nói lên lời. Vốn nhạy cảm, chị Hằng cũng nhận ra điều đó rồi hai vợ chồng chỉ biết im lặng lắng nghe hơi thở của nhau cách hàng nghìn cây số.
“Đổi vai” là chuyện thường thấy ở những gia đình có vợ/ chồng đi XKLĐ. Gia đình anh Tình, chị Hằng cũng vậy. Để anh yên tâm làm việc nơi xứ người, một mình chị Hằng vừa làm đàn ông trong gia đình vừa làm mẹ, làm cha của con. Nhà có giỗ, có tiệc, một mình chị thay chồng đứng ra đảm đương mọi việc. Con cái, cha mẹ ốm, mình chị thức trắng nhiều đêm để chăm nom…
Biết vợ ở nhà vất vả, anh Tình càng thương và làm việc chăm chỉ hơn. Có lần anh gọi về cho vợ định khoe việc mình sắp đi picnic với bạn bè nhân kỳ nghỉ cuối tuần, nhưng nghe kể chuyện mái bếp ở nhà bị cơn giông lật tung mấy tấm ngói, những mảnh ngói mủn đổ xuống suýt rơi vào chân vợ khiến tim anh đau nhói. Anh quyết định không đi du lịch nữa, cố gắng tích cóp tiền để về xây ngôi nhà vững chãi cho gia đình đỡ khổ.
Cha dạy con học qua mạng
Hai vợ chồng trẻ xa cách nhau nhiều nên không hiếm lúc nhu cầu chồng vợ, khát khao được âu yếm, vuốt ve trỗi dậy. Thay vì tự tìm nguồn vui cho riêng mình, cả hai vợ chồng lại tâm sự để giải tỏa.
“Hai vợ chồng thấy cách tốt nhất là vùi đầu vào công việc. Đến tối có thời gian rảnh rỗi mới nói chuyện với nhau. Ban đầu là những nhớ thương, sau nữa là nói những chuyện thầm kín chăn gối. Cả ngày làm việc vất vả nên buổi tối cũng chỉ nói chuyện với nhau được một lúc thì đi ngủ. Hiểu và tin nhau như vậy nên quãng thời gian dài xa xôi như thế nhưng cả hai vợ chồng không ai ngoại tình hay vui chơi bên ngoài” - chị Hằng cho biết.
|
Bí quyết giữ hạnh phúc của vợ chồng chị Hằng là xa mặt nhưng không cách lòng, luôn tin tưởng và quan tâm lẫn nhau. Ảnh: Mai Hiền. |
Tính đến nay anh Tình, chồng chị Hằng đi đã được gần 10 năm. Mỗi lần nhớ con, anh lại đi bộ đến các trường học gần đấy. Vừa ngắm nhìn trẻ con tung tăng cười đùa, anh vừa gọi điện về nói chuyện với con, cảm tưởng như hai cha con đang ở rất gần nhau vậy.
Tối tối cả nhà gặp nhau qua webcam (thiết bị thu hình video) để con không cảm thấy thiếu thốn khi không có cha bên cạnh. Tối nào anh cũng nói chuyện với con, dạy con làm bài ở trường và dạy con những bài học về cuộc sống. Tình cảm cha con nhờ vậy mà ngày càng khăng khít, không còn cảm giác gia đình đang cách xa nhau cả nửa vòng trái đất.
Tiền mồ hôi công sức những năm tháng lao động vất vả xứ người của anh Tình đã được đổi thành miếng đất mặt đường ở quê nhà. Nhưng tiền xây nhà vẫn chưa có nên hai vợ chồng quyết định kéo dài thêm thời gian xa nhau một thời gian nữa.
Đứng trước quyết định này, chị Hằng vẫn khóc như ngày nào tiễn chồng đi lần đầu. Là đàn ông nhưng anh Tình cũng thấy mắt cay cay đỏ hoe. Nhưng với cả hai vợ chồng, cảm giác lo lắng của cái lần đầu tiên xa nhau đã biến mất bởi họ đã vững tin về tình cảm của nhau./.