Bị sa thải vì lôi kéo nhân viên “truy vấn” TGĐ

Nhiều lao động ký vào đơn kiến nghị “chất vấn” Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (CTHĐQT, TGĐ) Công ty cổ phần chuyển phát nhanh bưu điện (gọi tắt là Cty CPCPNBĐ) hoàn toàn “không biết rõ nội dung đơn đó thế nào”… Thực chất, việc “chất vấn” này do ai “đạo diễn”?.

Nhiều lao động ký vào đơn kiến nghị “chất vấn” Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (CTHĐQT, TGĐ) Công ty cổ phần chuyển phát nhanh bưu điện (gọi tắt là Cty CPCPNBĐ) hoàn toàn “không biết rõ nội dung đơn đó thế nào”… Thực chất, việc “chất vấn” này do ai “đạo diễn”?

“Đối chọi” dịch vụ mới

Mặc dù được ban lãnh đạo thông qua, nhưng việc đầu tư hệ thống định vị GPS trên các xe vận chuyển hàng nhằm kiểm soát được hành trình đi, đến các địa chỉ giao nhận và và đầu tư một dây chuyền chia chọn tự động tại Cty CPCPNBĐ mới đây vẫn “bị” nhiều người lao động có ý kiến “chất vấn”.

CTHĐQT, TGĐ Đặng Thị Bích Hòa  (bên trái) tại một buổi ký kết hợp đồng với đối tác.

Một lãnh đạo Cty CPCPNBĐ khẳng định, mục đích trang bị hệ thống GPS nhằm biết được vị trí của các xe đang ở điểm nào, xác định được thời gian vận chuyển hàng chính xác đến người nhận. Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp, hàng ngày công ty nhận một lượng rất lớn hàng hóa của đối tác, nên đầu tư “dây chuyền chia chọn tự động là khoa học, hợp lý”. Hệ thống chia chọn này giúp tăng năng suất lao động, giảm được nhiều chi phí phát sinh và đạt hiểu quả cao so với hình thức truyền thống là dùng lao động thủ công như trước đây.

Trong chiến dịch “chất vấn” nói trên, nhiều lao động của Cty CPCPNBĐ cũng đã đề nghị với TGĐ doanh nghiệp này “phải trả lời” những nội dung mà họ quan tâm khác, như phân công lại lao động, năng lực của một số cán bộ trong doanh nghiệp, việc đầu tư xe, chi phí đi công tác của lãnh đạo, vấn đề liên quan đến tài chính…

Những kiến nghị đó, giấy trắng mực đen trong đơn, được một số người lao động ký tên đàng hoàng.

Khi người lao động chỉ tên “đạo diễn”

Theo một số cán bộ, công nhân viên tại đây, doanh nghiệp này có cả ngàn lao động và hàng tháng người lao động vẫn “nhận lương đầy đủ” cũng như các quyền lợi khác.

Trong bản tường trình về việc “phản đối TGĐ”, nhiều lao động của doanh nghiệp này cho biết, chính họ là những người đã ký vào đơn kiến nghị, tham gia vào đoàn gửi đơn để chất vấn TGĐ, cũng như gửi đến các tổ chức, cơ quan báo chí. Tuy nhiên, cũng tại bản tường trình này, người lao động khẳng định việc họ ký vào đơn kiến nghị nhưng “chúng tôi không biết rõ nội dung đơn đó thế nào, có người khi đang vội đi được yêu cầu ký thì ký, có người hỏi nội dung đơn thế nào thì được trả lời là ký để kiến nghị ban lãnh đạo tăng lương cho công nhân nên mới ký”. Và, “thực tế chúng tôi không hiểu nội dung, một phần vì thiếu hiểu biết, một phần vì nghĩ nhiều người ký để kiến nghị cải thiện điều kiện làm việc cũng tốt”.

Theo tường trình của nhiều người lao động, “kịch bản” để người lao động ký đơn tập thể sau này cũng dần lộ rõ.

Cụ thể, ông Nguyễn Minh Thắng (bưu tá thuộc Trung tâm phát hàng) cho hay, ngày 3/11/2010, khi ông và anh em bưu tá đang lao động thì có một lá đơn được “đánh máy vi tính” sẵn do ông Trần Xuân Quý, Phó TGĐ Cty CPCPNBĐ và bà Khổng Thị Hồng Vân (Trưởng phòng Nghiệp vụ) đưa xuống với lý do: kiến nghị bà “TGĐ trả lời một số vấn đề…”.

Thậm chí, nhiều người lao động đã phải ký vào tờ giấy trắng để sau này “hợp thức hóa ý kiến” của họ vào đơn kiến nghị. Như, tường trình của ông Trần Quốc Hoàn (công nhân lái xe thuộc Trung tâm vận chuyển Hà Nội) cho thấy: “Ngày 5/11 tôi vừa đi giao hàng ở ngoại thành về thì thấy một số đồng nghiệp bảo nhau ký một mặt giấy trắng để trên bàn. Phía trên bàn có tờ đơn úp mặt chữ ở dưới, mặt sau có nhiều chữ ký, do tin tưởng và cả nể nên tôi đã ký vào đó”.

Trước kiến nghị của người lao động, đích thân CTHĐQT, TGĐ Đặng Thị Bích Hòa đã gặp trực tiếp và giải thích cụ thể từng vấn đề thắc mắc. Trong các lá đơn “xin rút lại đơn kiến nghị” do người lao động ký trước đó, cũng thể hiện “chỉ sau khi bà Đặng Thị Bích Hòa đối thoại thì mới hiểu ra được mọi vấn đề”.

Đơn “xin rút lại đơn kiến nghị” của các lao động, như ông Phùng Văn Vượng, Nguyễn Tiến Dũng, Trần Xuân Cường, Lê Văn Hoàn, Nguyễn Văn Đại…, khẳng định: “Sự việc xảy ra đối với đơn kiến nghị của chúng tôi là do Phó TGĐ Trần Xuân Quý với động cơ cá nhân đã lợi dụng lòng tốt và hạn chế về thông tin của người lao động để tung tin hoàn toàn sai sự thật về tình hình hoạt động , sản xuất kinh doanh và tổ chức của công ty”.

Sa thải

Trước việc một số lao động (cụ thể là ông Trần Xuân Quý - nguyên Phó TGĐ, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, bà Khổng Thị Hồng Vân - nguyên Trưởng phòng Nghiệp vụ; ông Trần Anh Dũng - nguyên Đội trưởng Đội xe – Trung tâm vận chuyển Hà Nội; ông Phạm Ngọc (nguyên Đội trưởng Đội bưu tá – Trung tâm phát hàng Hà Nội; và bà Trịnh Thị Chiến - nguyên Kiểm soát viên – Phòng khai thác trong nước Hà Nội) có hành vi vi phạm kỷ luật lao động, thỏa ước lao động tập thể, lôi kéo, xúi giục, lợi dụng người lao động kiến nghị tập thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, lợi ích của công ty… Ngày 2/3/2011, Hội đồng kỷ luật Cty CPCPNBĐ chính thức tổ chức cuộc họp xét, xử kỷ luật đối với những cá nhân này.

Theo đó, mặc dù cả năm lao động nói trên vẫn không nhận lỗi, nhưng xét thấy hành vi nói trên của những cá nhân này “đều vi phạm nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể”, do đó, hình thức kỷ luật đối với các cá nhân này là sa thải.

Như Trang

Đọc thêm